| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế Hải Phòng đạt mức tăng trưởng kỷ lục

Thứ Sáu 24/01/2020 , 11:54 (GMT+7)

Năm 2019, kinh tế thành phố cảng tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, tiềm lực kinh tế xã hội không ngừng được củng cố, vững mạnh, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Cao gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước

Thông tin từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết, năm 2019, Hải Phòng có nhiều đột phá, tăng trưởng cao, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các chỉ tiêu kinh tế cao nhất từ trước tới nay, xây dựng NTM đạt kết quả tích cực, an ninh chính trị ổn định.

Cụ thể, kết quả tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,68%, cao nhất từ trước đến nay và gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước. Trong đó riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tăng 1,58%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2019 ước đạt 122,1 triệu đồng/người. Năng suất lao động (NSLĐ) ước đạt 219,9 triệu đồng mỗi lao động.

Lĩnh vực nông nghiệp có bước tăng trưởng khá, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố Cảng.

Đặc biệt, sau nhiều năm, Hải Phòng vượt thu ngân sách cả thuế xuất, nhập khẩu và thu nội địa, với số vượt thu lên tới 23.000 tỷ đồng, trong đó số vượt thu thuế xuất nhập khẩu lên tới gần 20.000 tỷ đồng. Đây là sự bứt phá mạnh mẽ của Hải Phòng, qua đó chính thức xác lập những đỉnh cao mới trong quá trình phát triển, đặc biệt là giữ vững danh hiệu điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Đồng thời khẳng định rõ nét vị thế, vai trò của thành phố Cảng biển nước sâu lớn nhất phía Bắc, trung tâm phát triển của cả vùng…

Phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020, ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng khẳng định: “năm 2019, Hải Phòng đạt kết quả toàn diện, nổi bật, các chỉ tiêu kinh tế cao nhất từ trước tới nay. Đây là thành quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục trong năm qua của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, là sự kế thừa thành công thành tựu của hơn 30 năm đổi mới. Nhưng không vì thế mà thành phố chủ quan, thỏa mãn, trái lại càng phải cố gắng nhiều hơn, quyết tâm cao hơn trong năm 2020 để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn phát triển mới của thành phố theo tinh thần Nghị quyết (NQ) 45 của Bộ Chính trị..”.

Phấn đấu thu nội địa đạt 33 nghìn tỷ đồng

Theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng, năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp Hải Phòng chọn chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách – Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Số thu nội địa 27.114 tỷ đồng năm 2019 là đỉnh cao nhưng trước mắt, con số 33.000 tỷ đồng thu trong năm 2020, tăng tới 6000 tỷ đồng so với số thực hiện năm 2019 là một thách thức lớn. Tuy nhiên đây là yêu cầu bắt buộc, là sự tăng tốc cần phải có để thành phố không bị lỡ nhịp tăng trưởng cao liên tục từ nay tới năm 2025 – 2030, thực hiện bằng được mục tiêu NQ 45 của Bộ Chính trị đề ra.

Năm 2019, nhà máy ô tô Vinfast đóng góp cho ngân sách thành phố Hải Phòng hơn 3000 tỷ đồng.

Theo đó, năm 2020, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo thêm nguồn thu mới thì sẽ tập trung nhiều hơn để thu các khoản nợ đọng tiền đất, chống thất thu thuế ở một số lĩnh vực như vận tải, nhà hàng, khách sạn, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại…, từ đó khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế, tăng nhanh tiềm lực về kinh tế, quốc phòng – an ninh và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống nhân dân.

Tiềm lực tăng lên, nguồn lực được huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả sẽ là yếu tố quyết định để thúc đẩy Hải Phòng tiếp tục bùng nổ trong năm 2020. Cùng với đó, cần khắc phục ngay sự trì trệ, ỷ lại trong thực thi nhiệm vụ, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động, thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn.

“Mục tiêu của năm đề ra ở mức cao thì cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, chung chung, không rõ việc, rõ người. Cùng với đó, chú trọng triển khai nhanh các nghị quyết đã được HĐND thành phố ban hành, nhất là nghị quyết về hỗ trợ học phí; hỗ trợ gạch, xi măng xây dựng, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo; nghị quyết về hỗ trợ giống cây trồng, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy chế biến rau, củ, quả Haphofood; làm sao tiêu thụ được hơn 1000 tỷ đồng vốn đầu tư để hình thành được 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2020…

Điều đáng mừng là Hải Phòng đã có thêm một số nhân tố mới trong phát triển kinh tế, điển hình là Nhà máy sản xuất ô tô VinFast năm 2019 đã đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 3.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 sẽ có đóng góp ở mức cao hơn. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang muốn đầu tư vào thành phố. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và mỗi cán bộ công chức, viên chức thành phố càng phải thấm nhuần hơn nữa tinh thần phục vụ, để kêu gọi, mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh nhưng đồng thời cũng phải hấp thụ được các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sự tăng trưởng và tăng cường tiềm lực kinh tế xã hội của thành phố” – ông Thành khẳng định.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm