| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế khởi sắc nhờ '2 con, 1 cây'

Thứ Năm 12/05/2022 , 06:07 (GMT+7)

QUẢNG NINH Nhờ triển khai hiệu quả mô hình “2 con, 1 cây” (gà, tôm và cây dược liệu), huyện Tiên Yên đã và đang tạo ra sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đây, ngành nông nghiệp huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chỉ dừng lại ở việc độc canh cây lúa, cây ngô phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thì nay địa phương đã từng bước thay đổi cả về quy mô và phương pháp để vực dậy nền sản xuất nông nghiệp nơi đây.

Bằng việc triển khai hiệu quả mô hình “2 con, 1 cây” (gà, tôm và cây dược liệu), huyện Tiên Yên đã và đang tạo ra sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng canh tác tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao. 

Là địa phương có diện tích nông - lâm - ngư nghiệp chiếm trên 75,8% tổng diện tích tự nhiên, Tiên Yên xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và đã ban hành quy chế quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, quy chế quản lý và giao, cho thuê mặt nước, bãi triều để nuôi trồng thủy sản.

Gà Tiên Yên hiện là sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành

Gà Tiên Yên hiện là sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhằm phát huy thế mạnh địa phương cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Tiên Yên luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình "2 con, 1 cây" đã và đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn của huyện. Năm nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh các dự án hỗ trợ sản xuất, nhất là gà thương phẩm, duy trì ổn định diện tích nuôi tôm, đồng thời nhanh chóng đánh giá kết quả thí điểm các loại cây dược liệu để sớm nhân rộng ra trên địa bàn.

Từ chương trình này, nhiều dự án, mô hình chăn nuôi, trồng trọt ra đời, góp phần giúp bà con đồng bào các dân tộc nơi đây có tư duy mới, cách làm mới, tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

Hiện nay, huyện Tiên Yên có các mô hình gà Tiên Yên, tôm công nghiệp và mô hình cây dược liệu được coi là 3 sản phẩm chủ lực. Cụ thể, đối với mô hình gà Tiên Yên, toàn huyện có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi theo mô hình VietGAP.

Năm 2021, số lượng đàn gà Tiên Yên thương phẩm đạt gần 500.000 con (tăng 2,5 lần so với năm 2015). Song song với đó, huyện cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tập trung phát triển cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên với 3 cơ sở sản xuất, quy mô 6.000 con gà sinh sản, khả năng cung cấp 650.000-700.000 gà giống/năm.

Ông Hoàng Văn Cường (xã Đông Ngũ, Tiên Yên) chia sẻ, được chính quyền địa phương khuyến khích, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi giống gà Tiên Yên thả đồi với số lượng 4.000 con. Những năm qua, thương hiệu gà Tiên Yên được người tiêu dùng ưa chuộng nên gà xuất bán đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, cho thu nhập cao và ổn định.

Đối với mô hình nuôi trồng thuỷ sản, để phát huy thế mạnh, huyện Tiên Yên đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng có quy hoạch chi tiết.

Tôm thẻ chân trắng là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp huyện Tiên Yên. Ảnh: Nguyễn Thành

Tôm thẻ chân trắng là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp huyện Tiên Yên. Ảnh: Nguyễn Thành

Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 300 hộ nuôi tôm công nghệ, trong đó có 15 hộ đang áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với những vùng nuôi tập trung tại các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Đồng Rui.

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu không ổn định, nhưng hiệu quả nuôi tôm trên địa bàn huyện vẫn đạt kết quả cao. Với hơn 230 triệu con tôm giống được thả, năm 2021 huyện thu về hơn 4.000 tấn, giá trị đạt trên 293 tỷ đồng.

Năm 2022, huyện Tiên Yên tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng, tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường.

Để phát triển cây dược liệu một cách hiệu quả, huyện đã lập quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích đất trồng cây dược liệu trên 100ha. Huyện đang thành lập các vườn mẫu trồng cây dược liệu, qua đó theo dõi, đánh giá chất lượng, năng suất, nhu cầu tiêu thụ của từng loại cây để đầu tư phát triển sâu hơn, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Tính riêng năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của huyện Tiên Yên đạt trên 1.060 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2020.

Thời gian tới, huyện Tiên Yên tiếp tục tái cấu trúc ngành nông nghiệp, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, tạo bước đột phá phát triển, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Đây là nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.