| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển Quảng Ninh, bức tranh đa sắc màu chưa hoàn chỉnh

Thứ Tư 04/05/2022 , 11:00 (GMT+7)

Có thể nói, nuôi biển ở Quảng Ninh đa dạng, phong phú chủng loại, nhưng thiếu sự đồng bộ, giống như bức tranh đa sắc màu chưa được hoàn thành.

Nuôi biển Quảng Ninh đa dạng, phong phú với nhiều loại thủy sản như tôm, nhuyễn thể. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nuôi biển Quảng Ninh đa dạng, phong phú với nhiều loại thủy sản như tôm, nhuyễn thể. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tiềm năng lớn

Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất tôm và nuôi biển lớn khí có đường bờ biển dài trên 250km, sở hữu 50.000ha eo biển, bãi triều cùng hơn 2.000 hòn đảo.

Nuôi trồng hải sản ở Quảng Ninh hiện đang phát triển 2 nhóm đối tượng chính là cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá giò…) và nhuyễn thể (hầu, ngao, trai cấy ngọc, …).

Phương thức nuôi chủ yếu là lồng (treo trên bè nổi, đặt dưới đáy biển), giàn bè hay nuôi thả trực tiếp trên các bãi triều. Ngoài ra, tôm cũng là loài mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Quảng Ninh.

Năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 7.000ha nuôi tôm, trong đó 4.000ha nuôi công nghiệp, sản lượng đạt trên 14.000 tấn, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng. Về nuôi biển bao gồm các đối tượng cá biển và nhuyễn thể, năm 2021 đạt diện tích nuôi 10.600ha, sản lượng đạt 45.000 tấn, trong đó 39.000 tấn nhuyễn thể, còn lại là cá biển.

Năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu sản xuất tôm và nuôi biển đạt sản lượng 77.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 25.000 tấn, sản lượng nuôi biển 52.000 tấn. Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu 110.000 tấn tôm và nuôi biển, diện tích nuôi 8.800ha, giảm gần 2.000ha so với diện tích nuôi hiện có.

Sở hữu môi trường nuôi phù hợp với nhiều động thực vật phù du, độ sâu phù hợp, nhiều vụng kín, tốc độ dòng chảy nhỏ, ít ảnh hưởng bởi gió bão cũng như xa nguồn ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt là lợi thế lớn đối với tỉnh Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tôm và sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN.

Vì vậy, sản xuất tôm và nuôi biển của Quảng Ninh tuy đã phát triển nhiều so với trước đây, nhưng chưa tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Sản xuất tôm và nuôi biển Quảng Ninh hoàn toàn có thể tăng cao hơn theo cấp số nhân nếu như đổi mới về tổ chức sản xuất và quản lý.

Hiện, Quảng Ninh tương đối chủ động về nguồn giống tôm và cá biển, nhưng nguồn giống nhuyễn thể, nguồn vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và vật liệu nổi vẫn đang phụ thuộc vào thị trường.

Năng suất nuôi biển của Quảng Ninh chưa được cao, đặc biệt là tính liên kết yếu, thiếu và yếu hạ tầng dùng chung các vùng nuôi trồng thuỷ sản khi vẫn tồn tại tình trạng tự phát, cơ sở thu mua, chế biến tôm và sản phẩm nuôi biển mới phát triển ở bước đầu.

Bè nuôi hàu gần như phủ kín lòng sông tại TX Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bè nuôi hàu gần như phủ kín lòng sông tại TX Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cần giải bài toán nuôi trồng thủy sản tự phát

Có thể nói, ngành nuôi biển và nuôi tôm ở Quảng Ninh như một bức tranh đa sắc màu. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp các mảng "màu", "đường nét" sao cho hài hòa, hợp lý để tôn nên vẻ đẹp của bức tranh vẫn còn thiếu sự hài hòa, chặt chẽ.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, việc phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch vẫn còn tồn tại như một vấn đề nhức nhối, hệ lụy là gây lãng phí hoặc quá tải tài nguyên mặt nước, chất lượng thủy sản nuôi giảm, không cân đối nguồn cung cầu, sản phẩm ế ẩm phải giải cứu.

Cụ thể, sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (ngày 1/1/2019), các quy hoạch chuyên ngành trước đó bãi bỏ, trong khi quy hoạch mới chưa hình thành đã dẫn đến tình trạng phát triển thủy sản tự phát tại nhiều địa phương.

Đơn cử như tại TX Quảng Yên, phần lớn các hộ nuôi hàu cửa sông trên vùng mặt nước thị xã đã kéo bè nuôi về dọc bờ sông Chanh và sông Rút. Hiện lòng 2 con sông Chanh, sông Rút gần như bị phủ kín, nhiều vị trí luồng lạch trên sông bị lấn chiếm, không chỉ làm mất mỹ quan dòng sông, mà còn làm thu hẹp, ảnh hưởng đến an toàn tuyến giao thông thủy nơi đây.

Nguyên nhân các bè hàu đổ bộ khu vực này để tránh độ mặn đang lên cao ở vùng nuôi cũ có thể gây chết hàu, tập trung ở các xã Hoàng Tân, Tân An. Trong khi đó, sông Chanh, sông Rút có dòng chảy tương đối cao, độ mặn giảm, phù hợp sinh trưởng của con hàu.

Theo khảo sát của đơn vị chuyên môn, thị xã hiện có hàng trăm hộ nuôi hàu cửa sông, diện tích mặt nước bị phủ kín, đặc biệt là ở khu vực Hoàng Tân, Tân An, khu vực mặt nước giáp Cát Hải (TP. Hải Phòng)…

Trong khi Quảng Yên không ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua không tổ chức gia hạn hoặc giao, cho thuê mới mặt nước đối với tổ chức, cá nhân, đồng nghĩa với phần lớn người dân nuôi hiện nay là tự phát, trái phép.

Đến thời điểm này, các hộ nuôi hàu cửa sông tại TX Quảng Yên đang bước vào vụ thu hoạch, kéo dài đến hết tháng 6/2022. Sản lượng ước tính trên 20.000 tấn, trong khi đó thị trường tiêu thụ đang thu hẹp, dẫn đến nguy cơ khó tiêu thụ.

Ưu tiên các chuỗi liên kết bền vững

Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị về sản xuất tôm và nuôi biển trên địa bàn. Hội nghị có sự tham gia của Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cùng nhiều doanh nghiệp, địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh.

Về giải pháp tăng trưởng sản xuất tôm và nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, phán lớn các đại biểu đều thống nhất nhận định cần phải tăng cường hàm lượng khoa học kỹ thuật trong mỗi mô hình nuôi, hiện đại hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng máy móc, thiết bị thay thế sức người trong nuôi trồng thủy sản.

Dây chuyền chế biến tôm của công ty cổ phần Thủy sản BNA, huyện Ba chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dây chuyền chế biến tôm của công ty cổ phần Thủy sản BNA, huyện Ba chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, riêng về lĩnh vực nuôi biển Quảng Ninh hiện mới đang phát triển ở bước đầu, đây cũng là thuận lợi để ngay từ đầu hoạch định hướng sản xuất lớn, thay từ nghề cá nhân dân với chủ thể là ngư dân sang nghề cá công nghiệp với chủ thể là doanh nghiệp, chuyển từ nuôi gần bờ ra xa bờ, quy hoạch vùng nuôi, mật độ nuôi hợp lý để các loại thủy sản phát triển tốt nhất.

Trong hoạt động sản xuất tôm, Quảng Ninh cần gỡ nút thắt về công nghệ để nâng cao năng suất trên mỗi diện tích canh tác, chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng dùng chung cho các vùng nuôi tôm tập trung. Đại diện Công ty CP Tập đoàn nhựa super Trường Phát đưa ra giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng, cá biển trên biển, nuôi tôm thẻ và tôm hùm trên bờ, nuôi trên đồi bằng lồng HDPE, nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch trên cơ sở hạ tầng nhựa HDPE.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An, đề xuất tăng thời gian thuê đất, quy hoạch vùng nuôi công nghệ cao để đảm bảo môi trường bền vững. Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản được đăng ký tài sản gắn liền với đất. Qua đó doanh nghiệp có điều kiện pháp lý để đăng ký thế chấp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; quy hoạch vùng chế biến thủy sản tập trung, qua đó thu hút đầu tư chế biến sâu, tăng giá trị hàng thủy sản.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh tăng cường tiến hành thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phẩm thủy sản Quảng Ninh có thể tiếp cận các thị trường khó tính song mang lại giá trị cao, đặc biệt nông nghiệp Quảng Ninh, trong đó có lĩnh vực thủy sản phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh mong muốn và quyết tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng. Theo đó, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức về ngành thủy sản, khẳng định thủy sản là ngành kinh tế đa mục tiêu cần rà soát, hoàn thiện các thông số không gian biển, tích hợp vào quy hoạch chung, tiến tới số hóa mặt nước. Song song với đó là xử lý nghiêm các vi phạm trong quy hoạch thủy sản, chấm dứt nuôi trồng thủy sản tự phát.

Hiện Quảng Ninh tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ các cụm công nghiệp chứa các cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt quyết tâm chuyển đổi vật liệu nuôi trồng không bền vững sang vật liệu bền vững để phát triển lâu dài.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất