Tranh của Puuung |
Nàng là sản phẩm của tình yêu, cha và mẹ đều công chức, văn minh, vững chải đô thị. Nàng cũng là sản phẩm của những câu cửa miệng đẹp như chân lý “khéo ăn thì no khéo co thì ấm”, “nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Vân vân và vân vân. Ngược lên, hai đấng sinh thành ăn không dám ăn xài không dám xài ấy là sản phẩm của thời quá vãng mà bây giờ chương trình “Ký ức vui vẻ” hay khiến người trẻ tròn mắt ngạc nhiên lẫn kinh hãi.
Một cô bé chỉ nghe chiến tranh ở hai đầu biên viễn xa mờ như những nhân vật trong trường ca Hòn Vọng Phu mà ba mẹ đắm đuối nghe trong nước mắt, giờ, ba thập niên sau, nàng đã là người thành đạt trong hàng đẳng có tên là trung lưu. Bạn bè của nàng bạt ngàn như hàng hóa, nhiều vòng bạn: bạn phây-búc, bạn vừa vừa công sở, bạn chí thiết thời ba mẹ nhét cho nhỏ giọt những đồng tiền cay cực. Nàng không tin vào mắt mình với tủ quần áo, tủ giày dép, tủ túi xách, của chính mình. Wow, cuộc sống xanh tươi như cây bàng, nhanh quá, cây và lá, rể khoe cả trên mặt đất, chim chóc đổ về, mỗi chiều mỗi sớm.
Tết tây nhé chồng ơi. Đi xa đi. Quà nữa, lại không nhớ quà à chồng ơi? Tết ta sắp rồi, về quê nữa sao, ừ thì về nhưng vẫn cứ mua sắm cho em và các con đã chứ. Phong bao nội ngoại bằng nhau chồng nhé, vậy mới không bên nặng bên nhẹ. Valentine rồi, đừng hòng thối thoát nhé chồng. Eo ơi, đã bao nhiêu năm nay thế rồi mà sao anh nói em học đòi? Bhutan à, xứ Phật giáo quân chủ đó bình yên lắm, nhưng mình đâu phải con dân của cái xứ khỉ ho cò gáy ấy? Gì cũng được nhưng hoa và sô-cô-la là công thức đấy chồng ạ. 8 tháng 3 rồi, ngày này là cả nhân loại nghe chồng, phụ nữ chúng em chín tháng mười ngày bụng mang dạ chửa, nuôi con héo cả ngực, tàn cả má, chết cả vòng hai mà các ngài tiếc với chúng em mấy bông hoa à? Cứ thế, ngày Quốc tế lao động, ngày Quốc khánh, rồi 20 tháng 10 nữa.
Người đàn ông mà nàng trẻ gọi chồng ơi chồng à ấy chỉ nhớ chạp mả rồi tết cổ truyền, rồi thanh minh và rồi những ngày sinh nhật của vợ con, không quên ngày sinh của ba mẹ vợ với ngày của hai đấng sinh thành của chính mình. Nhớ với phương châm đừng để nội ngoại thấy mình thiên lệch nhé chồng, vợ hay nhé nhé thiết tha như vậy. Chưa hết, bao nhiêu là ngày giỗ của hai bên. Quay cuồng, chóng mặt, ngất ngư, không ít lần muốn ngửa mặt tru lên “Làm sói hoang sướng hơn, làm người đàn ông quá mất tự do với muôn vàn thủ tục. Mà tự do thực sự của con người văn minh nằm ở sự quan tâm khác cao sang, hữu ích hơn mới phải chứ!”
Đã đành phụ nữ đã làm một việc phi thường mà đàn ông không thể làm được, ấy là sinh đẻ. Đàn ông phương Tây quan niệm chân xác về thiên chức ấy và họ luôn ân cần, "lady first". Nhưng họ không có tết cổ truyền, không có giỗ chạp và muôn thứ gánh vác khác với họ tộc ngoài việc giữ mối liên lạc và có thể, làm rạng danh họ bằng khát vọng cống hiến cá nhân. Người mình đã thêm từ bao giờ vào danh mục thủ tục nào Noel, tết Tây, Valentine và sinh nhật của một cộng đồng mà nếu quên thì sẽ không được tha thứ?
Người đàn ông với thiên chức kiếm mồi của con trống muôn đời là vậy. Phụ nữ cứ nghĩ họ thong dong, chỉ có đàn bà là tối mày tối mặt. Thong dong sao họ luôn nhiều bệnh tật và luôn chết trước chúng ta? Không có người đàn ông nhàn rỗi trên cuộc đời này nếu người ấy tử tế và chân chính, đúng nghĩa. Thử ra đường kiếm tiền như các ông xem. Tiền trong túi người khác, để nó nhảy vào túi mình mà không phải ăn cướp và ăn cắp khó vô vàn đấy các nàng ạ. Sức lực và chất xám, kỹ năng suy cho cùng cũng là chất xám, vâng, những chữ ấy nó ngốn của họ tất cả, tâm và sức.
Tôi luôn nhìn người đàn ông chân chính bằng con mắt ngưỡng mộ. Tôi luôn bỏ qua ngày sinh và những ngày lễ hoa hòe trên đời để người đàn ông của mình tự do cho việc lớn khác.
Tội nghiệp đàn ông Việt và người Việt. Hội nhập, không có nghĩa là gì cũng nhảy cẫng lên và lao theo để được tiếng là hiện đại. Chậm rãi, khoan hòa, thực chất, dung dị, có được không, các bạn?
Riêng ngày 8 tháng 3, nếu thấy cần, tôi cho cũng là cần mặc dù tôi không cần. Nhưng dành cho phụ nữ một ngày như vậy là đủ.