| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên

[Kỳ 7] Tiếng kêu xé lòng từ những đồi cao su, chè ở Chư Prông

Thứ Năm 06/05/2021 , 10:07 (GMT+7)

Sự 'đổ bộ' của các dự án điện gió tạo ra một mạng nhện khổng lồ tàn phá, bóp nghẹt sự sống của những đồi cao su, chè ở Chư Prông, Gia Lai.

Đồi chè cổ thụ Bầu Cạn đang bị phá bỏ 1 phần để xây điện gió.

Đồi chè cổ thụ Bầu Cạn đang bị phá bỏ 1 phần để xây điện gió.

“Đổ xô xây điện gió, đồng nghĩa cao su sẽ chết”

Thời gian qua, các dự án điện gió “đổ bộ” vào huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã lấy đi rất nhiều đất sản xuất của người dân, đặc biệt là diện tích đất của công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông.

Ghi nhận thực tế tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) nơi đang xây dựng các trụ điện gió của Công ty cổ phần phong điện HBRE cho thấy nguyên một quả đồi rộng lớn trước đây trồng cao su, nay đã bị phá bỏ để xây dựng các trụ điện gió. Nhìn từ trên cao, một khoảng đất rộng lớn được san phẳng, không còn cảnh tượng bạt ngàn cây cao su như trước.

Nhắc đến việc phải san sẻ đất cho những doanh nghiệp làm dự án điện gió, ông Võ Toàn Thắng, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã lắc đầu ngao ngán.

Ông Thắng cho biết, dự án Phong điện HBRE của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai mới chỉ thi công giai đoạn 1 (50MW) đã lấy 16ha đất trồng cao su của đơn vị. Dự kiến, giai đoạn 2 (50MW) dự án này sẽ lấy tiếp tục lấy hơn 15 ha đất trồng cao su nữa.

Còn dự án điện gió Ia Pang 1 (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) của tập đoàn điện lực Việt Nam đang được khởi công cũng sẽ “ngốn” khoảng 16ha trồng cao su của công ty. Chưa kể, trong thời gian tới, tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ xây dựng dự án điện gió ở xã Ia Boòng, diện tích trồng cao su sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Quả đồi trồng cao su trước đây tại xã Ia Phìn đã bị phá bỏ để xây trụ điện gió.

Quả đồi trồng cao su trước đây tại xã Ia Phìn đã bị phá bỏ để xây trụ điện gió.

Phần lớn là những vườn cây cao su vừa mới được công ty thực hiện tái canh 2 năm nay, nhưng đã buộc phải chặt phá để nhường lại cho các dự án điện gió vốn được đặc biệt ưu tiên phát triển. Sau khi tính toán mức đền bù, phía Tập đoàn Cao su Việt Nam chấp thuận với mức giá từ 306 – 500 triệu đồng/ha.

Ông Võ Toàn Thắng, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông:

Phát triển điện gió không nhất thiết phải lấy đất của các công ty cao su mà còn có đất của người dân. Ngoài ra, việc phát triển điện gió cũng nên quy hoạch theo từng vùng cụ thể, không nên dàn trải như kiểu mạng nhện giăng khắp địa phương.

Hơn nữa, khi các dự án điện gió đến lấy đất của công ty cần xác định giá đền bù phải tính đến yếu tố lợi nhuận của công ty. Vì hiện nay công ty cũng phải trả tiền thuê đất hàng năm và đã phát triển cây cao su được như ngày nay. Nếu việc đền bù được tính dựa trên lợi nhuận thì mới bù đắp được thiệt hại mà công ty đang gặp phải.

Theo ông Thắng, các dự án điện gió khi chọn vị trí xây dựng thường không sử dụng đất của người dân vì sợ người dân đòi mức giá đền bù cao. Trong khi, chọn diện tích đất của các công ty cao su sẽ thì giá sẽ ưu đãi hơn.

“Công ty đang làm ăn yên ổn, giờ phải nhường lại đất để ưu tiên phát triển điện gió là một điều xót xa. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các công ty làm điện gió về mức đền bù chưa thỏa đáng so với lợi nhuận mà cao su mang lại”, ông Thắng nói và cho biết, việc các dự án “đổ xô” vào Chư Prông lấy đất làm điện gió, đồng nghĩa với việc công ty cao su sẽ “chết”.

Theo ông Thắng, khi các doanh nghiệp làm điện gió đến đặt vấn đề lấy đất ở các vùng ven để làm đường vận chuyển vật tư, nghĩ vậy cũng được nên chúng tôi đã đồng ý giao đất.

Tuy nhiên, trên thực tế các dự án đã lấy đất tận phía bên trong mà lại không vuông vắn, rất lởm chởm. Chưa kể, các xe siêu trường siêu trọng chở các thiết bị điện gió vào đã cày nát hết các vườn cao su vốn đang phát triển rất tốt.

Điều này đã gây rất nhiều khó cho công ty trong công tác quản lý đối với các vườn cao su. Chẳng hạn, vườn cây cao su đang đông đặc, khi các trụ điện gió được xây dựng sẽ dẫn đến việc quản lý các sản phẩm mủ cao su gặp khó khăn. Thậm chí, lợi dụng các dự án điện gió, người dân vào tranh chấp đất với công ty để canh tác.

“Nhìn thì thấy các dự án điện gió lấy khoảng vài chục ha cao su, nhưng thực tế hàng trăm ha cao su xung quanh đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tới đây, khi các dự án điện gió khác tiếp tục triển khai xây dựng sẽ khiến công ty chúng tôi thiệt hại lớn như thế nào nữa”, ông Thắng chia sẻ.

Trong thời gian tới, nhà nước cần có những định hướng, quy định như thế nào chứ cứ phát triển điện gió ồ ạt, không theo khu vực, thích ở đâu là vào đó như thế này thì sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp trồng cây cao su ở Tây Nguyên.

Những cây chè cổ thụ đã được san ủi để chuẩn bị lắp đặt trụ điện gió.

Những cây chè cổ thụ đã được san ủi để chuẩn bị lắp đặt trụ điện gió.

Biểu tượng đồi chè cổ thụ Bầu Cạn bị điện gió tàn phá

Để xây dựng 30 trụ tuabin điện gió, Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai đã phá bỏ hơn 22 ha đồi chè cổ thụ Bàu Cạn xã bầu Cạn, huyện Chư Prông, vốn có tuổi thọ gần trăm tuổi. Nơi đây, không chỉ là những đồi chè xanh mướt, là biểu tượng của cây chè ở Gia Lai mà còn là địa điểm du lịch hấp dẫn được nhiều du khách ghé thăm.

Đồi chè cổ thụ Bầu Cạn thực sự là mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với truyền thống, văn hóa và du lịch có thể “hái” ra tiền trong tương lai. Việc phá bỏ một phần diện tích của đồi chè Bầu Cạn để xây dựng những con đường, trụ điện gió đã biến biểu tượng đồi chè cổ thụ Bầu Cạn thành dĩ vãng, khiến nhiều người dân địa phương nuối tiếc rơi nước mắt.

Bà N.T.H (trú tại thôn Đoàn Kết, xã Bầu Cạn) người gắn bó nhiều năm với mảnh đất nơi đây đã khóc nhiều ngày nay vì đồi chè cổ thụ Bầu Cạn bị điện gió tàn phá.

Bà H. cho biết, không biết dự án điện gió mang lại lợi ích kinh tế như thế nào cho địa phương, sinh kế của người dân nơi đây có gì nhờ điện gió, nhưng hiện tại đồi chè cổ thụ Bầu Cạn đang bị xẻ thịt, chia năm xẻ bảy bởi các con đường, các trụ điện gió, công ăn việc làm, thu nhập của người dân cùng với biểu tượng của người dân Bầu Cạn đang bị xóa bỏ.

“Bên cạnh đồi chè xen kẽ bởi những cây muống vàng tuyệt đẹp. Và đồi chè cổ thụ Bàu Cạn còn gắn với nhiều danh lam thắng cảnh của xã như suối Mơ, thác Bàu Cạn, hàng năm thu hút hàng ngàn du khách khắp cả nước tới đây. Nay phá bỏ đồi chè cổ thụ Bầu Cạn, như người con gái Bầu Cạn đẹp tựa nàng tiên  mất đi cơ thể căng tràn sự sống”, bà H. tiếc nuối.

Các chủ đầu tư xây dựng các con đường ngang dọc bên trong đồi chè.

Các chủ đầu tư xây dựng các con đường ngang dọc bên trong đồi chè.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bầu Cạn cho biết, theo kế hoạch của Đảng bộ, Tỉnh ủy Gia Lai, Bầu Cạn sẽ trở thành điểm du lịch gắn liền với đồi chè cổ thụ và cây muồng vàng.

Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bầu Cạn, Chư Prông:

Khi các doanh nghiệp vào xây dựng điện gió, bản thân tôi cũng không mường tượng được các trang thiết bị, công trường, diện tích đất để xây dựng lại lớn đến như vậy.

Việc phát triển điện gió là chủ trương của tỉnh nên xã chỉ biết thực hiện theo, còn việc dự án đưa vào xây dựng có làm ảnh hưởng đến môi trường hay không thì ở góc độ của xã chưa đủ khả năng để đánh giá việc đó. Tuy nhiên, nhìn trực quan sẽ thấy, việc phá bỏ 22 ha đồi chè Bầu Cạn ít nhiều phần nào đó cũng có những ảnh hưởng nhất định về quy hoạch.

“Bản thân tôi cũng thấy tiếc khi 1 phần của đồi chè bị phá bỏ để xây dựng điện gió. Đồi chè cổ thụ Bầu Cạn nổi tiếng qua bao nhiều thế hệ và địa danh này cũng gắn liền với giá trị lịch sử của địa phương.

Việc xã tham gia can thiệp để không phá bỏ đồi chè để xây điện gió ở thời điểm này sẽ rất khó. Nếu trước đây, đồi chè thuộc của nhà nước thì chúng tôi sẽ tham gia ý kiến, còn hiện tại đã được cổ phần hóa do doanh nghiệp quản lý nên khó can thiệp.

Về góc độ địa phương, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những đánh giá thực tế giá trị văn hóa, lịch sử, vấn đề môi trường cũng như mong muốn của người dân về việc phá bỏ đồi chè để làm điện gió. Trên cơ sở đó, xã sẽ có văn bản gửi đề xuất với tỉnh việc chuyển đổi diện tích chè sang làm điện gió sao cho phù hợp nhất.

Huyện Chư Prông hiện có 5 dự án điện gió, trong đó 4 dự án đang triển khai xây dựng trên tổng diện tích gần 105 ha. Đây chủ yếu là đất nông nghiệp được lấy lại phần lớn từ các công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, Công ty cổ phần chè Bầu Cạn và phần ít của người dân.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.