| Hotline: 0983.970.780

Kỳ diệu những đàn lợn sống sót qua dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 24/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Lợn nái, lợn mẹ chết sạch vì dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), tuy nhiên đàn lợn con thì vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Có dãy chuồng bị DTLCP càn quét, chết như ngả rạ, nhưng dãy chuồng ngay sát cạnh lại bình an vô sự.

Vì lí do phòng dịch, chúng tôi không được trực tiếp vào thăm trại, mà đành phải gặp chị Nguyễn Thị May, chủ trang trại lợn ở xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên) ở nhà chị tại thôn Đồng Xá, cách trại lợn của gia đình gần 500m.

Hơn 600 lợn con của trại lợn chị May vẫn sống sót, phát triển bình thường (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Người làng bảo chị tên May, nên may mắn, bởi trong khi các hộ nuôi lợn trong xã gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn vì DTLCP, thì trại lợn nhà chị hiện vẫn còn trên 600 con lợn thịt vượt qua được dịch, lợn khỏe mạnh bình thường.

DTLCP bắt đầu nổ ra ở xã Đại Đồng từ khoảng cuối tháng 3/2019, và lan nhanh như một cơn lốc. Cho đến giữa tháng 4/2019, gần như những hộ nuôi lợn nhỏ chiếm đại đa số trong xã, dưới 30 - 40 con/hộ đã chết sạch. Những hộ chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng nghiêm ngặt việc phòng dịch thì mới trụ lại cuối cùng. Thế nhưng đến ngày 18/4/2019 thì trại lợn nhà chị cũng không trụ nổi, chính thức “vỡ đê”.

Trại lợn của chị gồm 200 lợn nái, được bố trí gồm 3 dãy chuồng sát nhau, chỉ cách nhau một bức tường, gồm một dãy lợn chửa, dãy lợn mẹ và dãy lợn con cai sữa. Tại thời điểm xảy ra dịch, trại có gần 1.000 con lợn con.

Ban đầu, lác đác một số con ở dãy chuồng lợn chửa bị dịch tấn công đầu tiên, sau đó thì lan dần sang dãy chuồng lợn mẹ. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, toàn bộ hơn 200 lợn nái (gồm lợn chửa và lợn mẹ) đều đã chết vì dịch. Khoảng gần 300 lợn con (chủ yếu là lợn đang theo mẹ) cũng chết theo.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trong đó, đã có một số lợn con vẫn sống sót, đặc biệt gần như toàn bộ lợn con ở dãy chuồng lợn cai sữa, chỉ cách dãy chuồng kia một bức tường vẫn khỏe mạnh bình thường.

Chị May kể lại: Trại lợn của chị vốn là trại lợn giống, không nuôi lợn thịt. Khi toàn bộ đàn lợn nái 200 con bị chết sạch, lượng cám lợn nái còn thừa, chẳng thể bán nên chị đã gom sẵn lại, lên kế hoạch mua ít vịt về thả, tận dụng số thức ăn thừa, vớt được đồng nào hay đồng đó. Hơn 600 lợn con còn sống sót, chị chỉ nghĩ chúng còn sống thì được ngày nào hay ngày đó, còn sống con nào thì còn phải chăm sóc, còn phải nuôi con ấy, chứ chẳng hi vọng gì.

Thế nhưng không thể ngờ, đã hơn 3 tháng kể từ khi xảy ra DTLCP, hơn 600 con lợn con sống sót ngày nào vẫn phát triển bình thường, hiện trọng lượng bình quân đã 60 - 80 kg/con, sắp có thể xuất chuồng. Sau khi 2 dãy chuồng lợn nái bị chết, chị đã tiến hành xử lí, san bớt lợn con sang nuôi, mà vẫn không hề bị dịch tái phát tấn công.

Lý giải bí quyết vì sao để giữ được đàn lợn con sống sót kì diệu qua đợt DTLCP như vậy, chị Nguyễn Thị May cười xòa rằng, “có bệnh thì vái tứ phương”, nên đến giờ bản thân chị cũng không thể biết yếu tố nào đã giúp chúng vẫn sống sót.

Tuy nhiên, có một điều khác biệt, đó là hiện nay, trại lợn của chị May cũng chính là trại lợn duy nhất ở xã Đại Đồng được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP từ năm 2018. Chị May tiết lộ, việc cấp chứng nhận VietGAHP được một Cty cung cấp TĂCN cho trại của chị hỗ trợ kinh phí.

Tuy nhiên thực tế, kể từ khi đầu tư xây trang trại, chị cũng đã thuê hẳn kỹ sư có kinh nghiệm về chăn nuôi phụ trách tư vấn kỹ thuật, vì vậy toàn bộ các khâu từ xây dựng trang trại, quy trình chăn nuôi, phòng bệnh... theo hướng an toàn sinh học. Vì vậy khi tổ chức chứng nhận VietGAHP xuống kiểm tra đánh giá, thì đã căn bản đạt các yêu cầu.

Chị cho biết, kể từ khi trang trại xảy ra dịch và lợn nái bị chết, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch vẫn được duy trì chặt chẽ, thậm chí tăng cường hơn.

Sau khi toàn bộ lợn nái chết hết, do số lợn con sống sót lớn lên quá chật chội, nên chị phải xử lí để san bớt lợn con sang 2 dãy chuồng lợn nái. Theo đó, việc xử lí chuồng phải trải qua 5 bước: Một là vệ sinh, tẩy rửa chuồng bằng xút (NaOH) với nhiệt độ rất nóng. Hai là dùng vôi tôi nóng pha loãng, đổ trực tiếp ra nền, tường. Ba là dùng lửa bình gas cỡ lớn “khò” kỹ ở nhiệt độ cao từ 2 - 3 lần toàn bộ nền, tường. Bước bốn là tiếp tục dùng vôi tôi nóng loãng, phun trắng phủ toàn bộ chuồng một lần nữa. Cuối cùng là dùng formol và thuốc tím để xông khử trùng chuồng một lần nữa. Sau 10 ngày khử trùng, lợn con được chuyển sang nuôi, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, và đến nay đã 3 tháng, lợn vẫn an toàn, khỏe mạnh.

Theo đó, trang trại phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, công nhân phải ở liền tù tì trong trại.

Việc phun khử trùng được duy trì đều đặn hàng ngày, với phạm vi cách xa xung quanh trại 40 - 50m.

Các loại thuốc khử trùng phải được luân chuyển xen kẽ 3 - 4 loại khác nhau, để hạn chế khả năng vi khuẩn, virus “nhờn” với thuốc.

Xe chở cám vào trại phải trải qua 2 lần phun kỹ khử trùng, một lần từ đầu làng, một lần trước khi vào trại, và lội qua bể sát trùng (kể cả lái xe). Nước uống cho lợn được xử lí bằng Clo để sát trùng.

Định kỳ hàng tuần, phải phun thuốc trừ muỗi và côn trùng cho trại. Mặc dù là chuồng kín, tuy nhiên việc kiểm soát và diệt chuột cũng được siết chặt, để ngăn ngừa chuột xâm nhập vào trại qua các cống thải...

Bên cạnh đó, khâu tiêm phòng vacxin như tả cổ điển, LMLM, tai xanh... vẫn được tuân thủ đều đặn, cách một tháng cho lợn ăn kháng sinh phòng bệnh trộn trong thức ăn một lần.

Đồng thời, lợn được bổ sung thêm các thuốc điện giải, vitamin C... để tăng cường thêm sức đề kháng.

Một điểm khác biệt, đó là số lợn của chị May còn được thử nghiệm sử dụng chế phẩm na-nô bạc. Chế phẩm này được trộn vào thức ăn, nước uống và dùng phun khử trùng cho trang trại định kỳ 1 lần/tuần.

“Để phòng bệnh, thịt lợn mua ngoài chợ về, tôi phải chế biến, nấu kỹ ở nhà, sau đó mới đưa vào trang trại cho công nhân ăn, chứ tuyệt đối không đưa thịt lợn sống vào chế biến trong trang trại...”, chị May kể.

Cũng theo chị May, dù may mắn giữ được 600 lợn thịt không bị chết, tuy nhiên hiện gia đình vẫn còn nợ ngân hàng rất lớn. Trong khi đó, số lợn nái tiêu hủy hơn 60 tấn của gia đình đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, ngân hàng thì không cho vay thêm vốn nên việc đầu tư để duy trì đàn lợn đang hết sức khó khăn.

Ông Trần Văn Thành, PCT UBND xã Đại Đồng cho biết: DTLCP bùng phát tại xã từ ngày 24/3/2019.

Đến nay, khoảng 2.000 trong tổng số hơn 3.000 đầu lợn của toàn xã bị dịch và tiêu hủy. Cùng với trang trại của chị Nguyễn Thị May, hiện toàn xã chỉ còn vỏn vẹn tổng cộng 3 trang trại còn duy trì được đàn lợn khỏe mạnh, với số lượng khoảng trên 1.000 con.

Đây đều là các trang trại có quy mô lớn, áp dụng phòng bệnh rất nghiêm ngặt nên mặc dù xảy ra dịch, nhưng lợn không bị chết hoàn toàn mà vẫn giữ được một số lượng nhất định lợn sống mà khỏe mạnh.

Cũng theo ông Thành, từ ngày 29/6/2019 đến nay, trong xã không còn phát sinh lợn bị ốm chết. Điều này cho thấy tín hiệu vui là DTLCP đang có chiều hướng đi xuống.

Nam Định tiêu hủy lợn dịch theo từng ô chuồng, không diệt cả đàn

Tại hội nghị Triển khai các giải pháp tổng hợp phòng chống DTLCP cùng các tỉnh thành trên cả nước ngày 11/7/2019 của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Phùng Hoan, PCT UBND tỉnh Nam Định cho biết: Khi DTLCP mới nổ ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, Nam Định đã áp dụng thực hiện tiêu hủy hết cả đàn khi phát hiện lợn trong đàn bị DTLCP.

Tuy nhiên thực tế, đã có nhiều trang trại dù có những dãy chuồng có lợn bị DTLCP phải tiêu hủy, nhưng các dãy chuồng khác đến nay đã 2 - 3 tháng lợn vẫn khỏe mạnh bình thường.

Vì vậy, khi dịch tấn công vào các gia trại, trang trại có quy mô vừa, từ 100 - 200 con trở lên, thì không thể nào tiêu hủy hết cả đàn nếu chỉ phát hiện một dãy chuồng có lợn bị DTLCP.

Nam Định hiện cũng chỉ áp dụng tiêu hủy đối với dãy chuồng có lợn bị DTLCP. Các dãy chuồng trong trang trại mà chưa có lợn dương tính với DTLCP thì vẫn cho phép giữ lại. Đây cũng là điều mà các cơ quan khoa học phải nghiên cứu thêm về cơ chế lây truyền…

Mai Chiến

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất