| Hotline: 0983.970.780

Những bài học kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn an toàn

Thứ Hai 08/07/2019 , 10:20 (GMT+7)

Để việc chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả, thành công thì kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi là một trong những yếu tố quan trọng, đối với sự phát triển của một trang trại.

Đặt tình yêu thương cho vật nuôi

Ghi nhận tại một số trang trại nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy, quy trình chăn nuôi rất bày bản, chắc chắn và vệ sinh phòng bệnh rất nghiêm ngặt. Đối với việc xử lý nguồn phân heo để tránh ô nhiễm môi trường, thì hầu như các trang trại đều có hầm Biogas.

Tùy theo lượng heo mà chủ trang trại thiết kế xây dựng hố gaz cho phù hợp, đặc biệt phải có thêm hố lắng. Hố gaz có trách nhiệm ém khí và xử lý khí khi chuyển hóa từ phân hữu cơ thành khí đốt để không bị thối ra môi trường. Hố lắng có trách nhiệm lắng những chất cặn bả và đồng thời là con của Biogas, hố này có thể xử lý một số chất cặn bả mà mình có thể bón cho cây trồng được.

Cán bộ thú y thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người nuôi, cũng như người bán. Ảnh: Minh Đãm.

Bên cạnh đó, nguồn nước sạch, thức ăn kháng bệnh, không chứa độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng là những yếu tố quyết định sự thành công của hộ nuôi.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi heo, phối giống anh Thắng nói: “Con đực giống (hay còn gọi là lợn nọc) tại trại tôi nuôi lấy tinh từ 1 - 2 năm là đổi con khác. Nếu để lai tạo hoài, sẽ bị trùng huyết, sẽ gây ra nhiều dịch bệnh trên lợn nuôi”.

Theo tìm hiểu của PV Báo NNVN, giá lợn nọc ở những trang trại có tiếng phải từ giá 45 triệu/con. “Thời điểm, trước tôi mua là 25 triệu/con. Thậm chí, có con giá 75 nữa, nhưng loại 75 triệu tôi chưa mua. Tôi thường mua giống ở Sóc Trăng, có giá cũng phải chăng, nhưng chất lượng rất tốt, chỉ từ 15 – 20 triệu thôi”, anh Thắng thông tin. 

Anh Hồ Quốc Thắng, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cho biết, trang trại của anh được thành lập 2009, đến nay, anh đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi heo. Anh tự lại tạo giống để phục vụ trong quá trình nuôi tại trang trại của mình.

Tại trang trại của anh Thắng, hiện anh cũng tự sản xuất lợn nọc để bán cho khách hàng ngoài tỉnh với giá trung bình từ 15 triệu/con. “Nuôi lợn nọc cực lắm, đào tạo rất mất thời gian, khách hàng họ đặt liên tục, nhưng tôi không đủ bán. Nuôi heo nộc khó hơn nuôi heo nái nhiều, khó nhất là ở chế độ ăn, cho ăn ẩu ẩu là nó không có tinh và khâu huấn luyện tập cũng rất khó. Ở đây, tôi tự phối giống, nói chung là tự cung tự cấp, chăn nuôi theo hướng khép kín”, anh Thắng cho hay.

Nói về kinh nghiệm trong quá trình nuôi anh Thắng tâm tình: “Trong chăn nuôi bất cứ con gì, chúng ta phải có tình yêu thương với chúng. Tôi luôn luôn đặt tình yêu thương với con vật. Trong một chuyến đi điều trị heo bệnh cho dân, tôi thấy có con heo bệnh bị lở loét gần hết, người nuôi kêu mình lại khám bệnh cho con heo mà họ không chăm sóc được chuyện gì cho nó.

Tất cả đều phó mặt cho mình, như vậy là không được. LMLM có gì khó trị đâu, chỉ cần trà chanh và chống phụ nhiễm cho nó là hết ngay”. Với anh Thắng nguồn nước sạch, thức ăn kháng bệnh và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là 3 yếu tố quyết định sự thành công tại trang trại chăn nuôi lợn của mình.

Gian hàng lợn sạch tại chợ Phường 2, TP.Cà Mau. Ảnh: Minh Đãm.

“Nuôi mà không chăm sóc, không làm mùng, xử lý chất thải như làm Bioga thì chính bản thân vật nuôi ngửi mùi phân cũng sẽ bệnh về phổi, muỗi cắn sẽ bệnh về da…cho nên, tôi luôn đặt tình yêu với chúng, những trại lợn của tôi còn đóng cả laphong để giảm nhiệt cho vật nuôi. Chính ở nhà tôi còn chưa làm laphong, nhưng trại nuôi thì phải làm”, anh Thắng nhìn nhận.

Nói về tình yêu vật nuôi, ông Hồ Văn Khởi, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cho biết, trong chăn nuôi mình phải yêu thương vật nuôi và phải biết cách chăm sóc tận tình. Một khi ta đặt tình yêu cao với vật nuôi rồi thì khi nó bệnh, mình xem như người thân mà chăm sóc kỹ hơn. Đặc biệt, phải vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi, nhất là ở những thời điểm nhạy cảm dịch bệnh về tả lợn Châu Phi, hay một số dịch bệnh về thời tiết trong lúc giao mùa.

Kỹ sư Trương Thị Như Sương, Trạm thú y huyện Ngọc Hiển cho hay, trong chăn nuôi, bà con cần vệ sinh chuồng trại khô ráo, thoáng mát và xử lý mùi hôi để vật nuôi không ngửi phải. Vì mùi hôi từ phân sẽ nguy cơ bùng phát dịch bệnh. “Đối với những trang trại nuôi, người nuôi cần tuân thủ việc sử dụng nước sạch, thức ăn đạt tiêu chuẩn và rắc vôi để tiêu độc, khử trùng quanh khu vực nuôi và cách lối vào khoảng 100m”, kỹ sư Sương cho biết.
 

Ngưng sử dụng thuốc khi lợn đạt 50kg

Thuốc kháng sinh hiện nay được bày bán rất nhiều trên thị trường, người nuôi phải nắm những yếu tố cơ bản, để ngưng sử dụng thuốc nhằm đảm bảo ATTP. Để canh khoảng thời gian tiêm thuốc và xuất chuồng. Thông thường sau khi tiêm thuốc cho vật nuôi, khoảng 20 – 25 ngày sau mới được xuất bán.

Cán bộ Thú y thường xuyên kiểm tra tại các điểm bán thịt lợn. Ảnh: Minh Đãm.

Điểm nhấn tại trại heo của anh Hồ Quốc Thắng, được anh đặt ra quy định và giám sát theo một quy trình rất nghiêm ngặt, lợn con ở giai đoạn 15 – 20 ngày tuổi sẽ đều được anh tiêm phòng. Có như vậy, trong quá trình nuôi cho đến khi xuất trại, lợn nuôi không xảy ra dịch bệnh. Lợn nuôi phải tuân thủ quy định, khi đạt từ 50kg là ngưng, không sử dụng thuốc cho đến khi xuất trại.

Nói về dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) anh Thắng cho biết, qua tin tức tôi biết, mức độ lây lan của dịch bệnh này rất nhanh, nhưng mình có thể khống chế được, nó lây trực tiếp, gần giống tả truyền thống.

Tuy nhiên, để phòng bệnh trước tiên, người nuôi phải tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngăn ngừa những bệnh kế phát. “Dịch tả nhiều khi heo không chết, mà do heo mất sức đề kháng nên chết. Bệnh do virut thì phải làm sao cho cơ thể con vật tăng sức đề kháng, thì nó có thể kháng được và tôi không hề sợ bệnh bất kỳ bệnh gì”, anh Thắng nói.

Bí quyết về sự thành công của nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn ở Cà Mau là sử dụng cám Nhật của Cty Kyodo Sojitz trong quá trình chăn nuôi. Loại cám này không có hàm lượng kháng sinh, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Heo nuôi ăn loại cám này chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn sạch 100%. Đặc biệt, sử dụng loại thức ăn này, heo nuôi không mắc bệnh Ecoli. Đến thời điểm này, anh Thắng khẳng định ở trại nuôi của anh là không có heo mắc bệnh Ecoli.

Anh Hồ Quốc Thắng chỉ nơi lắng phân heo, không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Ảnh: Minh Đãm.

“Trại tôi mới dùng cám Nhật hơn 1 năm nay. Từ lúc xài cám Nhật tới giờ, tôi xuất chuồng khoảng 1.000 con heo thịt, nhưng chưa có con nào bị nhiễm Ecoli. Tôi tin tưởng cám Nhật lắm, trại heo người ta sợ nhất là Ecoli, vì tỉ lệ chết cao nhất. Nếu heo mắc bệnh này, thì mức độ thiệt hại rất cao”, anh Thắng nói.

Trại heo của anh Thắng hiện có khoảng 15 con heo nọc. Anh tự lấy tinh heo và tự phối cho heo sinh sản của trang trại mình. Đồng thời, anh Thắng còn bán cho những hộ nuôi có nhu cầu sử dụng tinh heo để phối giống với giá 150 ngàn đồng/lần phối. Còn nếu anh đến nhà để phối mướn thì giá 300 ngàn đồng/ lần phối.

Nhận định về tình hình phòng chống dịch bệnh trên heo nuôi, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hầu hết tại những trang trại chăn nuôi lớn, theo hình thức khép kín thì hộ nuôi đều nắm vững các thao tác phòng bệnh trên đàn lợn nuôi. Họ có kỹ thuật rất tốt và SX lợn theo hướng sạch, không sử dụng kháng sinh cho đàn vật nuôi”

Theo anh Thắng phối tinh heo có mặt lợi thế hơn truyền thống là ít lây lan dịch bệnh do virut hoặc qua đường sinh dục của heo. Tinh heo của anh Thắng đạt chuẩn chất lượng tỷ lệ đạt gần 90%, khi phối tinh sẽ rất an toàn về dịch bệnh và chất lượng đàn con đẻ ra sẽ tốt hơn.

Ông Huy khẳng định: “Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cũng như các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam chưa xuất hiện DTLCP. Nhưng tỉnh đang triển khai nhanh các phương án phòng chống dịch bệnh từ xa.

Tại các huyện và TP. Cà Mau đang tích cực triển khai công tác tiêu độc khủ trùng định kỳ vào ngày thứ 3 và thứ 7 hàng tuần tại các chợ, nơi buôn bán thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo và tiêm ngừa văcxin phòng bệnh cho đàm gia súc gần 20 ngàn liều. Đồng thời cử lực lượng chuyên môn thường xuyên kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, giết mổ, vận chuyển heo nuôi trên địa bàn”.

Ông Huy khuyến cáo, người dân tái đàn nên chọn mua con giống có xuất xứ gõ ràng, sạch bệnh, trong chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Khi heo có triệu trứng bệnh báo cáo nhanh với chính quyền địa phương và ngành chức năng tuyết đối không dấu dịch theo phương án 5 không dấu dịch, không vận chuyển, không mua bán, không vứt bỏ heo bị dịch ra ngoài môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.