| Hotline: 0983.970.780

Kỳ lạ Cao Bằng: Nhà nước càng hỗ trợ lại càng thêm nghèo

Thứ Ba 18/04/2017 , 08:30 (GMT+7)

Sau thất bại của chương trình bò hỗ trợ đợt trước nay lại đến chương trình hỗ trợ gừng, tính riêng với gia đình anh Thiện thì nhà nước mất 28 triệu đồng còn cá nhân anh lỗ...

Dân thành cửu vạn sau khi thực hiện dự án trồng gừng

Năm vừa rồi có chương trình hỗ trợ giống gừng mới đến xóm Lũng Rỳ (xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, Cao Bằng).

Dự án rất lớn, tổng trị giá tới 360 triệu. Không chỉ được cấp không giống, người dân còn được Cty TNHH Nông Lâm nghiệp Đức Trung ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên càng thêm chắc mẩm thắng lợi, rất phấn khởi.

Nhà anh Liêu Văn Thiện là hộ được hỗ trợ nhiều gừng giống nhất xóm, 450 kg, mỗi kg giá 40.000đ, vị chi tổng cộng là 18 triệu. Có giống anh giành riêng ra 2.000m2 đất để trồng. Đầu tư bao phân bón, công sức chăm sóc gần 1 năm ròng rã mà đám gừng cứ lụi đi, cây héo khô, vàng vọt.

Vì trồng gừng hỗ trợ, nuôi bò hỗ trợ đều thất bại nên vợ chồng Thiện phải đi bốc vác thuê

Đầu năm nay bán tất tật anh chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng, lỗ nặng: Gừng ta bình thường đầu năm trồng cuối năm tháng 10, tháng 11 là thu hoạch còn gừng này cũng trồng đầu năm mà đến tận tháng 2 mới thấy công ty nhận bao tiêu đến thu mua nên sương xuống, cây thối hết.

Không biết gốc cây đâu mà đào nữa chúng tôi phải dùng trâu cày lên mà nhặt, năng suất giảm không biết bao nhiêu mà kể. Giá theo hợp đồng là 5.000đ/kg nhưng công ty cứ lý do này nọ để chủ yếu nhập 4.000đ.

Sau thất bại của chương trình bò hỗ trợ đợt trước nay lại đến chương trình hỗ trợ gừng, tính riêng với gia đình anh thì nhà nước mất 28 triệu đồng còn cá nhân anh lỗ mất vài triệu tiền công, tiền vật tư chăm sóc.

Cay còn hơn cả ăn gừng sống bởi anh Thiện là hộ cận nghèo đang phấn đấu thoát nghèo nhưng sau hai cú ngã liên tiếp anh lại định xin vào hộ nghèo. Hai vợ chồng anh từ thân phận tự do trở thành người đi bốc hàng gạo, lợn thuê nơi biên giới. Ngày ngủ, đêm bốc, lấy tiền về đủ nuôi cái mồm.

Cũng tương tự, Long Văn Hòa nhận 330 kg giống gừng mới trị giá trên giấy tờ 12 triệu về trồng đầu năm 2016. Cây mọc không đều đã đành còn thu hoạch muộn bởi công ty ký hợp đồng cứ lần lữa mãi nên bị thối, hỏng rất nhiều, chỉ bán được 2,4 tạ, tổng thu 1 triệu.

Để có cái ăn qua ngày anh phải đi bốc hàng ở vùng giáp biên. Mỗi tối bốc vài chục bao hàng nặng è cổ, nặng sụn lưng qua đường mòn, qua khe, qua suối, mỗi bao được trả 8.000đ. Toàn là bốc xuyên màn đêm trong nơm nớp lo sợ vì công an, bộ đội Trung Quốc mà bắt được không biết hậu quả sẽ thê thảm ra sao.

Trưởng xóm Lũng Rỳ, ông Nông Văn SLổng thống kê trong 41 hộ nhận hỗ trợ từ dự án gừng trị giá 360 triệu không một ai thành công. Tính ra sau 1 năm đầu tư cả xóm bán tất gừng đi cũng chỉ thu được vài chục triệu.

15-44-40_dsc_7907
15-44-40_dsc_7908
Nhà một người dân

Vậy là con số 360 triệu tiền nhà nước hỗ trợ đổ sông đổ bể đã đành còn hàng trăm triệu tiền vật tư, công sức dân bỏ ra cũng tiêu tan như bọt sóng: Tiền hỗ trợ nhà nước cũng là từ tiền thuế của dân mà ra. Sau vụ gừng này có khả năng số hộ nghèo trong xóm sẽ tăng lên. Hiện có khoảng 30% dân đã phải đi bốc hàng ban đêm còn ngày về trồng ngô, nuôi lợn, chăn bò.

Các dự án hỗ trợ hạ tầng ở xã Nội Thôn đáng kể nhất là đường sá nhưng cứ rải mành mành, chẳng đoạn nào ra hồn. Ví như đường vào xóm Rủ Rả, mới bắn tí mìn, nhiều cục đá bên đường vẫn còn to như cả cái bàn đã hết tiền, bỏ đấy. Trời mưa thì đường lầy lội, trời nắng thì đường bụi mù, nhiều chỗ cua cắt quá gấp nên không một xe ô tô tải nào có thể bò lên, đến mùa vụ toàn sức người nai lưng ra mà thồ gánh.

Chuyện đường đã thế, chuyện hồ bê tông dung tích 2.000m3 ở xóm Lũng Rỳ để trữ nước cũng buồn không kém. Nó là một cái hồ được xây khá chắc chắn nhưng lại không được thiết kế làm đường dẫn nước từ nguồn trên núi vào nên mùa này đã cạn trơ gần tới đáy. Không chỉ cây cối khô khát mà con người cũng chịu chung số phận khi mỗi m3 nước sạch chở lên trên này có giá không dưới 60.000đ, không phải nhà nào cũng có điều kiện để mua.

Cái nhà văn hóa của Lũng Rỳ dạo này đã ọp ẹp lắm rồi nên xóm mới xin bán cái cây nghiến cổ thụ chu vi gốc 6 người ôm đi để lấy tiền làm nhà mới. Cái cây đã già lắm rồi, đang chết dần từ ngọn, 1 cành chính đã mục nhưng xã bảo xin huyện, huyện bảo chờ tỉnh nên đã mấy năm rồi vẫn đành để đấy cho chết.
 

Nỗi buồn nơi ngày hai bữa cháo bẹ

Xóm Rủ Rả nhỏ bé, chỉ có 15 hộ, tất cả đều nghèo, nhiều hộ như Đinh Văn Thàm và Đinh Văn Việt còn đang đứng trước nguy cơ đói vàng mắt. Đất trong xóm toàn đá đen nên trồng ngô không hợp, năng suất rất thấp mà tìm kiếm đối tượng cây trồng khác để thay thế mãi cũng không ra.

Thông thường mùa đói kéo dài từ tháng 2, tháng 3 âm lịch đến tháng 6 âm lịch khi ngô đã lên gác bếp mới chấm dứt. Cả xóm hầu như không sót nhà nào không phải cắm sổ đỏ nương rẫy mà vay tiền sinh hoạt hay sản xuất.

Hiếm có một Bí thư chi bộ nào còn mặc quần áo rách như ở Rủ Rả. Tất cả những ngôi nhà trong xóm từ nhà Bí thư đến nhà dân vách đều kết bằng những thân cây nhỏ hay thậm chí che tạm bằng vài tàu lá, không có lấy một cái cửa sổ, lúc nào bên trong cũng âm âm như trong hang.

15-44-40_dsc_7924
Chuồng bò nhà ông Bí thư nay rỗng không.

100% không có nhà vệ sinh, trời nắng thì đi vệ sinh trên núi, trời mưa hay đêm hôm khuya khoắt buồn đi ngoài chỉ việc rút cái tấm ván trong nhà ra mà thải xuống ngay bên dưới. Lợn, bò, trâu đón đớp tợp tợp sát mông người bởi đa số còn chăn nuôi nơi gầm sàn,

Trước tình trạng giá cả các thứ được hỗ trợ thường đắt đỏ và chất lượng không được như mong muốn nên kiến nghị của đa số người dân là được nhận tiền mặt để họ chủ động mua, chủ động giám sát chất lượng cũng như giá cả.

Cũng có chương trình hỗ trợ mỗi nhà được 3 triệu đồng để làm chuồng di dời gia súc ra khỏi gầm sàn. Số tiền ấy được quy đổi ra mái lợp, xi măng, bột đá, gạch nhưng do không có đường để chở lên xóm đành phải gùi, vác từng thứ như kiến tha tổ, 1 tháng ròng mới xong. Vật liệu được cho ít quá nên chỉ đủ làm mỗi nhà một cái chuồng rộng như chuồng gà, nhốt gầm sàn vẫn hoàn nhốt gầm sàn.

Nhà anh Thàm có 3 lao động và 1 bà già. Ngô trên gác bếp đã gần hết, chắc chỉ đủ ăn được 1 tháng nữa là cùng. Lúc tôi đến thì mẹ anh Thàm, một bà cụ răng móm mém đang cố nuốt bát cháo bẹ (cháo ngô) nghẹn bứ nơi cổ họng.

Trên bếp nồi cám lợn mà bà đang nấu và nồi cháo bẹ bà đang ăn thành phần cũng không khác nhau là mấy, của lợn thì rau nhiều hơn còn của người thì ngoài ngô xay nhỏ ra còn có lẫn vài hạt cơm. Hỏi thì bà bảo gạo cứu đói đã hết nên ngày chỉ có 2 bữa cháo bẹ. Bà không còn răng nên ăn cháo còn tạm chứ các con bà đã ngán cháo đến tận cổ mà vẫn cứ phải ăn vì có thứ để bỏ vào mồm giờ đã là tốt lắm rồi.

Trong ngôi nhà mới dựng ở dưới chân núi, vợ anh Đinh Văn Việt đang ngồi ôm đứa con nhỏ, bón cơm cho nó ăn. Vách nhà thống thếnh nên gió thổi ù ù chẳng khác gì ngoài trời. Chị bảo đang còn mắc nợ trên 30 triệu khi dựng nhà nên không có tiền để mua trâu, bò hay lợn gì mà thịt thà cả ½ tháng may ra mới vay mượn mua một lần.

Mấy miếng thịt mỡ mà chị đang cất cẩn thận trong xô kia là phần quà đám đầy tháng con của người anh trai. Ba lạng thịt được kho mặn, người lớn chẳng dám ăn mà để dành mớm cho con nhỏ. Lâu rồi mới biết đến vị thịt, đứa trẻ như một con chim non cứ liên tục há mồm chờ mẹ mớm.

Về chương trình 135, trên hướng dẫn ưu tiên dành cho các hộ đăng ký thoát nghèo với mức hỗ trợ 7 triệu cho 1 hộ/lần tính cho chu kỳ 5 năm. Việc này có mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là thúc đẩy các hộ dân không được dựa dẫm vào nhà nước và phải thoát nghèo. Tiêu cực là nhiều địa phương dựa vào đó để “đẩy” các hộ này ra khỏi danh sách hộ nghèo dù họ chưa thực sự thoát với mục đích làm đẹp lòng cấp trên khi đủ “chỉ tiêu thoát nghèo”.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm