| Hotline: 0983.970.780

Kỳ lạ ngôi làng người dân giao tiếp với nhau bằng hệ thống 'mật ngữ' độc nhất vô nhị

Thứ Tư 25/01/2017 , 07:45 (GMT+7)

Tôi có ông bạn đam mê nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc Việt Nam. Có lần, gã thao thao bất tuyệt kể về một ngôi làng mà ở đó, người dân giao tiếp với nhau bằng hệ thống “mật ngữ” độc nhất vô nhị. Bán tín bán nghi, tôi tìm về làng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Thường Tín (Hà Nội) để chứng thực.

14-39-56_lng-mt-ngu-1
Người làng Đa Chất nói chuyện với nhau bằng một hệ thống "mật ngữ" đặc biệt
 

Tại sao họ mang dòng máu của người Kinh, nhưng lại giao tiếp với nhau bằng một hệ thống “mật ngữ” lạ lùng? Câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi.
 

Giữa Thủ đô gọi điện thoại là "sưỡng tõi"

Tôi có ông bạn đam mê nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc Việt Nam. Có lần, gã thao thao bất tuyệt kể về một ngôi làng mà ở đó, người dân giao tiếp với nhau bằng hệ thống “mật ngữ” độc nhất vô nhị. Bán tín bán nghi, tôi tìm về làng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Thường Tín (Hà Nội) để chứng thực.

Chủ tịch Hội nông dân xã Đại Xuyên Nguyễn Văn Phường (là người làng Đa Chất) bảo rằng: Nói đến kho ngôn ngữ đồ sộ của làng tôi thì chẳng khác nào lấy lá rừng mà kể, lấy nước suối mà tính. Bởi, hầu hết từ ngữ tiếng Việt có trong từ điển, người làng Đa Chất đều vận được vào mật ngữ của mình.

Thấy vẻ mặt nghi hoặc của tôi, ông Phường thẳng thắn: - “Nếu không tin, anh chị cứ hỏi tôi bất cứ từ nào”. - “Từ “điện thoại” dịch là gì?” (tôi hỏi) - “Điện thoại nôm na là cái máy nói, mà máy nói gồm 2 từ “sưỡng” (máy) và “tõi” (nói), ghép lại với nhau gọi là “sưỡng tõi”.

“Xã Đại Xuyên có 6 làng, nhưng chỉ Đa Chất là có mật ngữ. Nó là hệ ngôn ngữ độc nhất vô nhị trên thế giới và được người dân bản địa gìn giữ như một báu vật thiêng liêng”, ông Phường nói.

Vừa nói, ông Phường vừa lật tập bản thảo từ điển ngôn ngữ của làng Đa Chất do ông Chu Huy (Hội viên Hội Ngôn ngữ Việt Nam) và Nguyễn Dấn (Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) biên soạn năm 2008 để làm bằng chứng. Từ ngữ rất phong phú và đậm chất liên tưởng. Thậm chí, chưa biết nhưng người ta có thể đoán một số từ mà người Đa Chất đang muốn nói. Ví dụ từ “nhỏ, bé, ít” dịch ra mật ngữ là “ỏn”; “trời” là “xì thiên”; “nắng” là “trảng”…
 

Khách phát hoảng vì được mời... uống trà

Theo chân cán bộ xã Đại Xuyên đến thăm cụ Nguyễn Ngọc Đoán, 77 tuổi (là thủ từ đình Đa Chất), người am tường về mật ngữ của làng, tôi mới thấy mình là một kẻ ngoại đạo. Vừa gặp, cụ Đoán đã cất lên những câu nói khó hiểu: “Khênh để xì pha mận thu các cháu thít”. Cán bộ “phiên dịch” cười phá lên bảo: “Đây là nhà báo ở Hà Nội xuống. Cụ cứ nói tiếng phổ thông đi để anh ấy nắm tình hình”.

Lúc này, cụ Đoán mới chuyển ngữ: “Ý tôi là các anh vào đây để tôi pha trà cùng uống”. Cụ cho biết, ngôn ngữ làng Đa Chất được lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối. Nghĩa là những người cùng huyết thống tự dạy nhau. Tuyệt đối không được dạy cho con dâu, con rể. Nó cũng có thể coi là mật mã hay ký hiệu riêng của những người dân nơi đây, vừa phong phú nhưng cũng rất kín đáo.

14-39-56_lng-mt-ngu-2
Người làng Đa Chất nói chuyện với nhau bằng một hệ thống "mật ngữ" đặc biệt
 

Vị thủ từ chia sẻ, việc sử dụng mật ngữ có nhiều ích lợi, đặc biệt là trong giao dịch khi đối ngoại. Ví dụ, có một lái buôn ở làng ngoài đến nhà tôi mua trâu. Vì không am hiểu giá cả thị trường nên tôi nhờ người trong xóm đến tư vấn. Nếu thợ buôn trâu trả giá thấp, anh ta sẽ nói bâng quơ: “đừng cháp” (đừng bán) để tôi biết. Ngược lại, nếu được giá thì người tư vấn sẽ nói “cong đấy, cháp đi” (đắt đấy, bán đi).

Kể đến đây, đồng hồ điểm 10 giờ. Cụ Đoán đứng dậy rồi đi ra thềm gọi với xuống nhà dưới: “Nhát đi đào ủng để hối thít”. Cô con gái đáp “Thít bằng gì?” Ông lão nói: “Ra chác nhào đạng”. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của chúng tôi, người “phiên dịch viên” hiểu ý liền thuật lại rằng, cụ Đoán kêu con nấu cơm mời khách. Cô con gái hỏi bố chồng ăn cái gì. Cụ bảo là đi mua thịt gà. Chắc là ngại khách nên mới nói tiếng của địa phương.
 

Nguồn gốc “mật ngữ” vẫn là ẩn số

Nhiều người cho rằng, ngôn ngữ lạ của làng Đa Chất chỉ là tiếng lóng như nhiều vùng miền khác. Tuy nhiên, kết luận như vậy là phiến diện. Bởi lẽ, mỗi địa phương chỉ có một số lượng từ lóng nhất định và mang tính phạm trù lịch sử (có thể mất đi, biến đổi theo thời gian). Còn ngôn ngữ làng Đa Chất vô cùng phong phú. Không chỉ dừng lại ở những ngôn ngữ hình tượng, hệ số đếm của làng Đa Chất cũng phong phú. Ví dụ “lái” (hai); “thâm” (ba); lạp (mười); “lái lạp” (hai mươi); “thâm lạp” (ba mươi)…

Do đó, có thể khẳng định, người làng ĐaChất từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nay đã tự sáng tạo và không ngừng phát triển hệ thống ngôn ngữ riêng biệt của mình.

14-39-56_lng-mt-ngu-3
Đình làng Đa Chất có niên đại trên 500 năm
 

Thời điểm này, các nhà ngôn ngữ học cũng manh nha một giả thiết táo bạo, đó là mật ngữ của làng Đa Chất là một thứ tiếng cổ có gốc gác từ thời Văn Lang, Âu Lạc. Bởi, đình làng Đa Chất có niên đại hơn 500 năm, đang thờ vị Thành hoàng làng là Trung Thành Đại Vương.

Theo cuốn Thần tích đình làng Đa Chất thì vị thánh nói trên sinh ra và trưởng thành thời Hùng Duệ Vương thứ 18, năm 258 trước công nguyên. Tính đến nay đã có 2.280 năm. Thế nhưng, chưa có một công trình khoa học cấp quốc gia nào khẳng định điều này, và hệ thống ngôn ngữ thời Văn Lang, Âu Lạc vẫn là một ẩn số.

Lội ngược dòng về những năm 90 của thế kỷ XX trở về trước, Đa Chất là một làng có nghề đóng cối xay thóc truyền thống. Đã là đàn ông của làng thì ai cũng phải biết đóng cối. Có một điều đặc biệt, cối xay thóc của làng làm ra không được mang ra chợ bán, mà khoảng 5 người con trai lập thành một đội thợ rồi đi khắp nơi hành nghề.

Có thể, vì không muốn bí quyết đóng cối của làng lọt ra ngoài, nên những người thợ đóng cối đã sáng tạo ra hệ thống mật ngữ đặc biệt này để trao đổi nghiệp vụ với nhau. Sau đó, những biệt ngữ này được bảo lưu, phát triển và ngày càng hoàn thiện qua nhiều thế hệ để được như ngày hôm nay.

14-39-56_lng-mt-ngu-4
Đình làng Đa Chất có niên đại trên 500 năm
 

Theo ông Nguyễn Dấn, Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ngôn ngữ làng Đa Chất có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt, âm thông dụng và âm nói tắt, nói gọn và âm dân dã. Vậy thì, một giả thiết mang tính logic hơn được đặt ra, đó là ngôn ngữ làng Đa Chất hình thành từ thời kỳ Bắc thuộc. Vì không muốn trở thành nạn nhân trong công cuộc xâm lăng văn hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc, nên ông cha ta đã tự sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng?

Tuy nhiên, dù có nguồn gốc thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, ngôn ngữ làng Đa Chất đã được hình thành, tồn tại và phát triển qua hàng trăm, hàng ngàn năm lịch sử. Việc lưu truyền hệ thống mật ngữ này đã làm phong phú thêm văn hóa ngôn ngữ dân gian làng, xã Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết: “Ngoài tiếng Việt, người làng Đa Chất vẫn lưu giữ được một hệ thống ngôn ngữ riêng từ nhiều đời để lại. Họ vẫn sử dụng ngôn ngữ đặc biệt này để giao tiếp với nhau hàng ngày. Bản thân tôi là người trong xã cũng không thể hiểu được. Đơn giản vì không ai dám dạy ngôn ngữ của làng cho người ngoài, nếu trái lệnh sẽ bị các cụ phạt”.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất