Th.S, BS Trần Thanh Bình, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc cho biết, ngày 15/9 bệnh nhân Ng.T.Th. L. (SN 1988, nguyên quán Vũng Liêm, Vĩnh Long) có thai 29,5 tuần được đưa vào hồi sức cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Theo người nhà cho biết, chị gọi điện thoại kêu đau đầu dữ dội, khi người nhà về tới thì chị đã hôn mê.
Bệnh nhân Ng.T.Th. L. đã phục hồi đang được anh trai chăm sóc |
Kết quả chụp MRI cho thấy chị bị xuất huyết não thùy chẩm trái, dưới màng cứng nhiều máu tụ, chị được phẫu thuật cấp cứu giải áp ngay. Cuộc phẫu thuật thành công nhưng tổn thương não quá nặng trên phụ nữ có thai nên việc hồi sức vô cùng vất vả. Bệnh nhân vẫn hôn mê, sốt cao, có đợt tim lên nhanh, tình trạng tổn thương não kéo theo tổn thương các cơ quan khác như có biêu hiện phù phổi, dấu hiệu tim xấu. Quá trình hồi sức phải tập hợp nhiều chuyên khoa, thậm chí các bệnh viện viện khác như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Huyết học… Việc phẫu thuật bắt con để cứu mẹ được đặt ra.
Tuy nhiên, tình trạng mẹ lúc đó cũng khó chịu được cuộc phẫu thuật bắt con. Việc ưu tiên cứu mẹ vẫn giữ em bé trong bụng được cố gắng sử dụng các loại thuốc men ít tổn hại thai nhi. Cuộc chiến kéo dài suốt từ 15/9 đến 19/10 thai nhi được 36 tuần, sau khi hội chẩn, quyết định mổ bắt con với sự chuẩn bị hồi sức sơ sinh thật kỹ. May mắn thay, bé gái 2,3 kg chào đời và khóc ngay, sau đó bú được sữa...
BS Lê Thể Đăng, Phó khoa Ngoại thần kinh cho biết, thai phụ bị xuất huyết não thùy chẩm là do bị huyết khối xoang tĩnh mạch. Bệnh có nhiều nguyên nhân, thường do phụ nữ dùng thuốc ngừa thai hoặc do cơ chế đông máu khi có thai.
Bé con đã khỏe mạnh và đã được xuất viện (hình lấy trên trang FB của chồng bệnh nhân L.) |
BS Nguyễn Tiến Minh, trưởng khoa sản Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ, hơn 30 năm làm việc trong khoa sản, đây là ca đầu tiên nặng đến vậy trong tình trạng mang thai mới 29 tuần. Nếu không có sự phối hợp giữa các khoa để giữ bé trong bụng mẹ lâu hơn thì việc cứu cả 2 mẹ con đều khó.