Tạp bút do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành đầu xuân Canh Tý; hơn 400 trang sách là những ký ức vừa rộn ràng vừa xôn xao về đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn. Sau khi trở thành một tác giả chuyên viết trào phúng với bút danh Hai Cù Nèo, nhà văn Lê Văn Nghĩa chuyển sang viết thể loại văn chương ít chất hài hước hơn để ghi lại những kỷ niệm đời mình.
Chắt chiu năm tháng tuổi thơ, Lê Văn Nghĩa viết được 3 truyện dài “Mùa hè năm Petrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy” và “Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”. Cảm thấy vẫn chưa đủ để cảm tạ mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, nhà văn Lê Văn Nghĩa viết thêm những tạp bút nhằm hé lộ những buồn vui với Sài Gòn.
Đầu tiên phải khẳng định, giá trị vượt trội của “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ” là tư liệu. Thế nhưng, ngoài tư cách một người sưu tầm cẩn trọng, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn thể hiện đầy đủ phẩm chất một nhân chứng tha thiết yêu Sài Gòn.
Mỗi tạp bút của ông luôn cho thấy sự cộng hưởng giữa hai yếu tố ấy, nên dễ dàng thuyết phục được độc giả. Đọc “Rạp hát - những thiên đường tuổi nhỏ”, người ta ngỡ ngàng vì bây giờ Sài Gòn đang mất dần các địa chỉ văn hóa lừng lẫy một thời như Vĩnh Khánh, Nam Quang, Thủ Đô, Lệ Ngọc, Đại Đồng, Long Vân…
Đọc “Mua một giấc mơ”, người ta thích thú vì hiểu thêm về nghề bán vé số ở Sài Gòn từ ngày nghệ nhân Trần Văn Trạch còn hát “triệu phú đến nơi, chỉ mươi đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi”…
Đọc “Đi ngược về những cái tên”, người ta bồi hồi về những địa danh đang phai mờ theo tốc độ công nghiệp hóa, từ Xóm Lách, Xóm Cải, Xóm Chỉ, Xóm Củi đến Lò Siêu, Lò Gốm, Lò Lu, Lò Than…
Lối viết tạp bút sở trường của nhà văn Lê Văn Nghĩa là nhân sự kiện đang diễn ra mà khơi gợi lại những điều chìm khuất trong quá khứ. Ví dụ, khi có hầm vượt sông Sài Gòn thì “Nhớ lại một con phà” để kể chuyện đi lại của người dân Thủ Thiêm trước đây, khi thịt heo tăng giá vì dịch tả lợn châu Phí thì nhắc “Có thời kỳ thịt heo bị cấm bán” vào tháng 11/1961 tại Sài Gòn để ổn định thị trường vì… vùng nuôi heo cần phục hồi sau trận lũ lụt.
Vốn quen nghề báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa có phương pháp sưu tầm tài liệu khá chỉnh chu và lớp lang. Cho nên, từ tài liệu riêng, ông triển khai thành đề tài hấp dẫn như “Phở trong văn chương và báo chí Sài Gòn”, “Quảng cáo - rao vặt trên báo Sài Gòn xưa”, “Giai phẩm xuân học trò” hoặc “Tuần báo Nhân Loại trong dòng văn học Sài Gòn”, “Thuở ban đầu của nhạc nước ngoài lời Việt”.
Mặt khác, nhà văn Lê Văn Nghĩa biết đối chiếu các nguồn tài liệu, để tài liệu báo chí và tài liệu văn học được tương tác và tôn vinh nhau. Chẳng hạn, để chứng minh “Sài Gòn từng có cao su”, ngoài việc đưa ra nghị định khuyến khích trồng cao su tại Sài Gòn của toàn quyền Đông Dương vào năm 1897, ông còn diễn giải cây cao su từng xuất hiện trong các tác phẩm viết về Sài Gòn của Nam Cao, Nguyễn Xuân Hoàng và Triệu Từ Truyền.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa cảm thán: “Ngồi ngẫm lại, không lẽ không có cái gì ở Sài Gòn là không có? Rồi tự hỏi khơi khơi, không biết có người Sài Gòn nào buổi sáng, buổi chiều tập thể dục, hít thở, những người yêu nhau ngồi ngắm tầng cây xanh công viên Gia Định có biết rằng đây đã từng là một đồn điền cao su đầu tiên lớn nhất Việt Nam?”.
Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh lần nữa, tạp bút của nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ thực sự phô diễn hết bản sắc khi giá trị tài liệu được kết hợp với giá trị nhân chứng. Tạp bút nào chỉ đơn thuần giá trị tài liệu thì khô khan (như “Về một bài thơ gây chấn động”), còn tạp bút nào chỉ đơn thuần giá trị nhân chứng thì lãng đãng (như “Cơn mưa trong đời”). Khép cuốn “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ”, độc giả chắc chắn vẫn bâng khuâng về vẻ đẹp năng động và hào hiệp của Sài Gòn khi cùng nhà văn Lê Văn Nghĩa hoài niệm “Hương gây mùi Tết” hoặc “Bữa cơm bình dân”.