Bởi tôi có bà nội. Bà nội thuộc nhiều ca dao, thành ngữ, thuộc nhiều tích chuyện xưa… Bà hay kể những câu chuyện về làng, những câu chuyện trong ảo mờ sương khói nhớ thương, cuối cùng là kết lại bằng một câu ca dao nào đó, rồi bà thở dài. Tôi nghe mà ám ảnh mãi cái làng Phú La ở nơi vùng trũng đồng bằng Bắc bộ…
Năm ấy, vừa tuổi lớn dậy, đã biết kín đáo ngắm nhìn con gái, đỗ đại học nhập trường rồi, tôi tự tìm đường về quê.
Bà ngoại nhìn cháu trai cao lớn, trắng trẻo, rõ ra người thành phố, chiều đến thấy cháu đi tắm, liền bảo: “Xuống ao mà tắm, mọi người đều tắm thế cả. Nhưng tắm xong thì lấy nước mưa trong chum tráng qua người, kẻo không quen nước thì ngứa, con nhé”.
Lu chứa nước mưa ở vùng nông thôn (Ảnh minh họa). |
Nhà bà ngoại tôi có mấy cái chum đại, dành để hứng nước mưa từ tán những cây cau. Nước ấy chỉ dùng để nấu ăn, đun sôi hãm chè xanh và uống lúc khát sau khi đi làm đồng về. Hôm tôi mới về làng, có ông thợ mộc rong gánh đồ lề đi qua ghé vào xin bà tôi nước uống. Ông ấy làm một hơi ừng ực hai đài nước mưa múc trong chum ra. Thấy tôi nhìn, ông đưa cho tôi cái đài, ý bảo tôi uống. Tôi cầm cái đài kết bằng mo cau, có nơi gọi là cái bồ đài, cũng vục nước mưa uống. Chao ôi là mát và ngọt đến vậy. Bà ngoại phải quý và xót cháu thế nào mới bảo cháu lấy nước mưa mà tráng người sau khi tắm ao chứ.
Lại nhớ bà nội kể chuyện đôi vợ chồng trẻ mới cưới, chàng trai múc mấy bồ đài nước mưa ở chum nước đầu hè dội cho vợ tắm trong đêm trăng sáng, rồi mới đi nằm với nhau. Sao mà thơ mộng thế.
Từ đấy, tôi quan sát, trong nhà bà ngoại, có rất nhiều chum, to nhỏ khác nhau. Mấy cái chum to hứng nước mưa. Có cái chum đựng nước ao kín lên để góc sân, đầu hè. Cái ở góc sân có cái gáo nhỏ, đôi khi tiện tay múc ra quẩy tưới cho mấy cây ớt, vạt rau thơm, nếu mua được mớ cá tươi mà chưa kịp làm, thì thả vào đấy. Cái chum đầu hè thì để rửa mặt, rửa chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Còn có cả mấy cái chum nhỏ hơn để trong buồng đựng thóc lúa, ngô đậu…
Và nhà bà ngoại tôi, cũng như bao nhà khác trong làng, không chỉ có chum, còn có bao nhiêu thứ vật dụng khác bằng sành, bằng đất nung, như vại, ang, chũm, hũ, niêu nồi, ấm đun nước, sắc thuốc…
Ngày ấy đã xa đây mấy chục năm rồi còn gì nữa…
Bà ngoại dẫn tôi đi thăm khắp làng. Làng nghèo, chưa mấy nhà xây, chỉ mái rạ, sân đất nện, nhưng cây trái xum xuê, ao sâu nước cả, cá tôm đủ đầy…
Có ông giáo, từng đi dạy học khắp nơi, nay về ở lại làng. Nhà ông là nhà xây, sân gạch phong quang, rõ ra nền nếp. Phía sau nhà có mấy cái chum vừa vừa, trước hè trên cái chõng tre có bộ kỷ trà chạm khắc tinh xảo. Đằng trước nhà có hai cái chum to hơn của nhà bà ngoại tôi đặt dưới hàng cau liên phòng, hoa đang nở bung đầu mùa, thơm dịu dàng.
Tôi tinh lắm, phát hiện nhà có cô con gái tuổi cập kê, má cứ hồng dậy, thẹn thùng mang trà lên cho cha tiếp khách. Nói chuyện, ông giáo có vẻ mến tôi. Tôi ngỏ ý muốn đi thăm thú quanh nhà, thật đúng ý tôi, ông giáo gọi cô con gái bảo dẫn tôi đi, còn ông ngồi lại trò chuyện với bà ngoại tôi.
Tôi hỏi cô gái, sao nhà em nhiều chum to chum nhỏ thế, dùng sao hết được. Duyên, tên cô gái, nghiêng nghiêng vạt tóc nhìn nhanh tôi, rồi quay đi nơi khác mà rằng, thầy em gọi đấy là cái lu, đựng bao nhiêu nước cũng không thừa anh ạ. Có lúc hết nước, bọn chúng em còn nhảy vào trong chum, vào lu để chơi trốn tìm nữa mà, vui lắm…
Ký ức một thời chum lu (Ảnh minh họa). |
Một tối sáng trăng, tôi nhập với tụi trai làng đi hát đối ngoài gò đồng. Hồi ấy, trai gái làng tán nhau cứ đi hàng đoàn, trai riêng, gái riêng, rồi hát đối, thăm dò nhau. Tôi thích thú nhận ra, trong đám gái làng có Duyên. Thế là được một đêm lâng lâng... Bên trai này, anh nào lên tiếng ca một câu thăm dò, thì bên gái ấy, đối tượng của chàng ấy lại hát đáp lại. Cứ thế lần lượt hát cho đến tận khuya, không dứt ra được…
Tôi vẫn nhớ những câu hát đối đáp với Duyên đêm ấy. Đầu tiên tôi mượn cảnh nhà em: “Ngó ra đằng sau thấy hai chum nước/Ngó về đằng trước thấy bộ kỷ trà/Anh đi lâu mới về nhà/Liệu em có cho ở, hay là ngại xa?”. Hát xong, tôi nín thở chờ đợi… Và Duyên bước lên, tiếng hát em cất lên: “Anh vừa mới ghé lại nhà/Nhà nghèo em chịu, ruột rà nhớ ai?”. Tôi dấn lên: “Đôi ta như cá trong chum/Như cau mới nở một chùm trên cây”. Duyên hát đáp: “Bây giờ mới gặp anh đây/Mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Tôi hát: “Đôi ta như chum nước đầy/Không khi nào cạn, không ngày nào vơi”. Duyên lại đáp: “Một lu mà để hai đài/Một chàng hai thiếp ai hoài liệu sao?”.
Đám trai gái hát đối đêm ấy, có ai biết chuyện tôi và Duyên mới gặp nhau hôm trước, đã ngại ngùng rồi mạnh dạn trò chuyện với nhau bên những chum lu ấn tượng của nhà em?
Mới thế mà đã xa lắc xa lơ… Những cái chum, cái lu ngày ấy cũng dần vắng bóng. Nó được thay bằng những thùng phuy, bể xây, rồi đến thời bể thép, bể inox… Nước giếng, nước máy giờ đã thay thế nước mưa…
Nước mưa tinh khiết ngọt ngào, làm nên những câu ca trữ tình, đầy ắp trong những chum lu ngày xưa, bây giờ theo mùa, vẫn cứ đổ không ngớt từ trời xuống, chảy tràn trên mặt đất, mà chẳng còn ai hứng lấy…
Thật xa xót tiếc nuối!