| Hotline: 0983.970.780

Ký ức người mẹ & lá thư hẹn ước ngày thống nhất trở về

Thứ Năm 05/09/2019 , 09:12 (GMT+7)

Trước ngày nhập ngũ, người lính đã viết vội lá thư mẹ ở quê nhà nhắn nhủ: “Mẹ hãy vui lòng để con an tâm chiến đấu, hẹn ngày thống nhất sẽ trở về”, nhưng sự ác liệt của chiến tranh khiến anh không thể giữ trọn lời hứa.

Ký ức của mẹ

Đầu năm 1965, cả tuần Đài phát thanh xã Hải Anh phát đi phát lời kêu gọi, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Buổi sáng, mẹ Phúc chuẩn bị gánh hàng rau từ nhà ra đến chợ Đình (Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định). Khi đó, cả miền Bắc đang gồng mình chuẩn bị chi viện cho miền Nam ruột thịt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mẹ Trần Thị Phúc bên mộ của liệt sĩ Trần Đức Hán tại nghĩa trang xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Mấy năm gần đây, cũng có nhiều đợt huyện gọi quân nhưng chưa có lần nào khẩn thiết như lần này. Mẹ Phúc nghĩ bụng: “Có vẻ tình hình đang nguy cấp. Tháng trước họp thôn, ông Trưởng thôn thông báo: Có thể, đế quốc Mỹ đang chuẩn bị một cuộc rải bom đánh phá ra tận miền Bắc này”.

Mẹ mải mê với dòng suy nghĩ chạy loạn của những năm kháng chiến chống Pháp. Mẹ nghĩ: “Hòa bình lập mới lại ở miền Bắc chưa lâu. Thế mà, giờ lại đến bọn đế quốc Mỹ”.

Căn nhà tranh vách đất chỉ có 2 mẹ con nằm ngủ. Mẹ Phúc vẫn nhớ, buổi sáng hôm đó mùa hè nên trời khá oi bức. Anh Hán bật dậy rất sớm, không kịp ăn cơm. Gần trưa, khi về đến nhà thì anh gọi mẹ Phúc về nói chuyện với giọng rất gấp gáp, nghiêm trọng: “Mẹ, chắc sắp tới con phải nghỉ học. Cả lớp con chúng nó xin nghỉ để chuẩn bị đi bộ đội rồi. Mỹ lại chuẩn bị đánh bom bắn phá miền Bắc nên phải có nhiều người vào để chi viện cho miền Nam”.

Mẹ Phúc bảo: ‘Mày đi thì còn ai ở nhà với mẹ?”. “Mỹ nó ngang ngược như vậy, con không đi sao được”, khi trả lời mẹ anh Hán mới chỉ 16 tuổi.

Chồng mất sớm nên mẹ Phúc chỉ có một người con trai duy nhất là anh Trần Đức Hán. Theo đúng quy định của Nhà nước ta thời kì đó, anh Hán sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự vì là độc đinh.

“Sau hôm thông báo với tôi, nó xin nghỉ học thật. Nó viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Hàng ngày, nó ra UBND xã làm thủ tục và nghe phổ biến nội quy. Hôm đi khám sức khỏe, nó nghe người ta bày cách nhét đá vào quần áo. Nó chạy ra bờ ao, lấy hòn đất đập ra làm đôi nhét vào 2 túi quần. Thấy túi phồng to, nó sợ bị phát hiện nên lại đập hòn đất cho nhỏ hơn lẳn vào cả cạp quần.

Đêm trước khi nó đi, tôi có khóc khuyên con suy nghĩ lại nhưng chẳng lay chuyển được. Nó dặn tôi yên tâm giữ gìn sức khỏe. Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ không còn xa. Khi ấy, mẹ nhớ ra UBND huyện đón con về”.

Đó chính là lần đầu tiên tôi nghe mẹ Phúc kể lại câu chuyện về người con trai duy nhất của mình chuẩn bị dăng kí ra chiến trường trong một trương trình “Tri ân các anh hùng liệt sĩ”. Chương trình do UBND huyện Hải Hậu tổ chức tuyên truyền truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thanh, thiếu niên khoảng những năm 2005. Khi ấy, mẹ Phúc 80 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn khá minh mẫn.
 

Lời hẹn ước trở về

Đầu năm 2018, hơn chục năm sau, trong lần quay phim tư liệu về kỷ vật chiến tranh ở bảo tàng Nam Định, tôi nhìn thấy một bức thư tay khá kỳ lạ. Đó là một tờ giấy viết vội của một chiến sĩ gửi mẹ trước lúc lên đường.

Lá thư gửi mẹ năm 1965 của liệt sĩ Trần Đức Hán.

Mảnh giấy đã ngả màu ố vàng, những dòng chữ trên đó không còn nguyên vẹn. “Con gửi mẹ giấy chứng nhận này, về mẹ nhớ cầm lấy không được làm mất... Khi nào huyện gọi thì mẹ mang lên. Mẹ không được đưa cho ai không có trách nhiệm. Mẹ mà làm mất thì coi như không có giá trị. Mẹ hãy vui lòng an tâm để con làm nhiệm vụ của Đảng giao cho, ngày thống nhất con sẽ trở về quê hương”.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định giới thiệu: “Kỷ vật ấy là của một bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống duy nhất ở huyện Hải Hậu gửi tặng khi đơn vị khi chúng tôi có chương trình kêu gọi người nhà, thân nhân các quân nhân, anh hùng liệt sĩ quyên góp kỷ vật để lưu giữ, trưng bày”.

Nhìn cuối lá thư có chữ ký tên Trần Đức Hán, tôi nghĩ mình đã đoán chính xác bức thư đó là của con trai mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Phúc, nhân vật trong câu chuyện mà tôi đã có dịp may mắn nghe mẹ kể cách đây hơn chục năm về trước.

Để xác minh thông tin chính xác về bức thư, chúng tôi đã xin địa chỉ về nhà mẹ Phúc. Gần 15 năm sau ngày gặp mẹ tại buổi giao lưu, mẹ Phúc giờ đã ngoài 90 tuổi nên ký ức chẳng còn nhiều. Khi hỏi lại bức thư tại bảo tàng Nam Định mẹ còn không nhớ nổi. Thế nhưng, ông Trần Văn Khanh, người cháu họ của mẹ xác nhận, đúng là gia đình có gửi cho bảo tàng một bức thư của anh Trần Đức Hán.

12-50-16_me_trn_thi_phuc_v_chu_ho_ong_trn_vn_khnh
Mẹ Trần Thị Phúc và cháu họ Trần Văn Khanh.

Khi nhìn lại hình ảnh chúng tôi chụp lại bức thư, ông Khanh không giấu nổi cảm xúc: “Bức thư này của anh Hán viết khoảng tháng 3 năm 1965, gửi cho bác tôi trước lúc lên đường đi bộ đội. Ngày ấy, tôi còn nhỏ nhưng nhớ rất rõ. Nhà tôi cạnh nhà bác Phúc. Trước lúc đi, anh chạy qua nhà dặn dò bố mẹ tôi nhiều thứ.

Anh dặn mọi người ở nhà chăm sóc mẹ anh vì bác Phúc chỉ sống có một mình. Anh xoa đầu tôi bảo: Khanh ở nhà ngoan, học giỏi, thỉnh thoảng sang ngủ với bác, khi nào anh đi bộ đội về sẽ mua sẽ mua cho quà.

Bà nội của tôi với anh Hán còn đóng cửa giận không cho anh qua chào bà trước khi đi. Sau này, lớn lên tôi mới hiểu. Không phải bà giận anh mà vì bà sợ phải nhìn thấy cảnh chia ly, lại không nỡ để đứa cháu trai lớn của mình đi đến nơi bom đạn khốc liệt, chưa biết sống chết ra sao”.

Ông Khanh quay sang hỏi mẹ Phúc: “Bà có còn nhớ hình dáng anh Hán lúc đó không?”. Khuôn mặt mẹ Phúc sắt lại…Mẹ lấy khăn lau mắt. Đôi mắt đỏ hoe nhưng chẳng còn nước mắt còn để khóc khi người ta nhắc đến người con trai duy nhất của mình.

“Con tôi nó ngoan ngoãn lắm, nó thương tôi lắm! Ngày bé suốt ngày nó thích theo mẹ đi chợ. Ngày xưa đi chợ ai cũng khen tôi khéo đẻ thằng con đẹp trai. Nó đi học về là nấu cơm, vớt bèo, nuôi lợn, trồng rau… không thiếu việc gì. Lúc nó đi bộ đội tôi không cản được. Nó hẹn sẽ về mà cũng không về”. Dù chúng tôi có hỏi bất cứ câu gì về anh Hán thì mẹ Phúc cũng chỉ lắc đầu và trả lời được từng đó nội dung.

Mẹ chỉ tay lên bàn thờ anh Hán bảo chúng tôi lấy một thứ gì đó. Lật sau tấm Huân chương kháng chiến của anh Hán, chúng tôi thấy một tờ giấy báo tử từ năm 1972. Giấy báo tử ghi rõ, liệt sĩ Trần Đức Hán hy sinh ngày 01/12/1968. Mẹ cầm tờ giấy báo tử úp lên mặt, chân tay run lên bần bật. Mẹ nói điều gì đó nghẹn trong cổ họng mà chúng tôi không thể nghe rõ.

Sự ác liệt của chiến tranh đã cướp đi người con trai duy nhất của mẹ Trần Thị Phúc. Tại chiến trường Tây Nam, liệt sĩ Trần Đức Hán đã chiến đấu anh dũng và hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.

Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp mẹ Trần Thị Phúc. Ngày 1/1/2019, mẹ Phúc đã về bên kia thế giới cùng với những hồi ức đẹp nhất về người con trai duy nhất của mình.

Khi báo tin buồn của gia đình với chúng tôi, ông Trần Văn Khanh nhắn nhủ: “Gia đình chúng tôi đã tìm được phần mộ của anh Hán và đưa anh về nghĩa trang xã Hải Anh hương khói, coi như cũng hoàn thành tâm nguyện của mẹ Phúc trước nhắm mắt xuôi tay. Cả cuộc đời mẹ chỉ có một người con duy nhất đã cống hiến cho cách mạng".

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào

Sáng 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đi cạo rong mứt, 1 người tử vong, 1 người mất tích

Quảng Ngãi 2 phụ nữ trong lúc cạo rong mứt thì bị sóng đánh, trượt chân rơi xuống biển. 1 người sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong, người còn lại vẫn đang mất tích.