| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng 'bùng nổ' thị trường tôm cuối năm

Thứ Hai 15/11/2021 , 11:04 (GMT+7)

Tỉnh Bạc Liêu xác định mục tiêu xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 850 triệu USD trong năm 2021 nên những tháng cuối năm là thời điểm vàng để tăng tốc.

Tình hình xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trong 9 tháng đầu năm đạt trên 527 triệu USD. Ảnh: Trọng Linh.

Tình hình xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trong 9 tháng đầu năm đạt trên 527 triệu USD. Ảnh: Trọng Linh.

Điểm tựa thủy sản

Bước vào năm 2021, tình hình nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, do chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ chủ động, linh hoạt ứng phó nên năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng, xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững đã góp phần cho những thành công ngoài mong đợi của ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu trong năm qua.

Đây cũng là năm thứ 4, tỉnh Bạc Liêu thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong những năm thực hiện Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã có những chuyển biến, đột phá tích cực. Đặc biệt, tỉnh đã xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế nhiệm kỳ qua.

Theo đó trong năm 2021, Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Thứ nhất, phát triển nông nghiệp trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao sản xuất tôm và lúa gạo.

Thứ hai, phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí. Thứ ba, là phát triển du lịch, thương mại, và dịch vụ. Thứ tư, phát triển y tế chất lượng cao. Thứ năm, là phát triển kinh tế biển gắn liền với an ninh quốc phòng.

Trong đó, Bạc Liêu xác định đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là một trong những trụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể, ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 1 USD. Tuy nhiên do đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, nên mục tiêu xuất khẩu thủy sản của tỉnh cũng bị tác động không nhỏ, cho nên tỉnh Bạc Liêu quyết tâm với mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 850 triệu USD trong năm 2021.  

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa giữ vững tăng trưởng kinh tế, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Ngoài ra, Bạc Liêu đã nhận thức được những tác động, thách thức của biến đổi khí hậu, từ đó chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng BĐKH. Đồng thời, xây dựng các kịch bản dựa trên tình hình của địa phương để chủ động ứng phó.

Những năm qua, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm Bạc Liêu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã có đủ cơ hội để tiếp tục đầu tư phát triển ngành tôm thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhất là trong điều kiện tỉnh Bạc Liêu chịu tác động mạnh bởi BĐKH.

Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân nuôi tôm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân nuôi tôm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Trọng Linh.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phạm Văn Thiều, cho biết: Trong thời gian phòng chống dịch, kể cả thực hiện theo Chỉ thị 15, 16 thì tỉnh Bạc Liêu đã xem xét doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên, vì đây được xem mũi nhọn một trong năm trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu.

Trong đó, ưu tiên cho ngành thủy sản trong điều kiện dịch bệnh Covid là đảm bảo tiêm ngừa 2 mũi Covid cho công nhân làm việc các công ty, doanh nghiệp thủy sản. Đồng thời, phải đảm bảo số lượng công nhân làm việc tối đa có thể, khi các công nhân vào nhà máy sản xuất thủy sản đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối, để các công ty, doanh nghiệp thủy sản có lao động tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường cuối năm. Các doanh nghiệp thủy sản đã đóng góp cho xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 527 triệu USD, đạt trên 62% trong 9 tháng đầu năm và phấn đấu đến cuối năm xuất khẩu thủy sản đạt 850 triệu USD.

Hiện nay, giữa vùng nuôi và các chuỗi cung ứng về nuôi trồng thủy sản, sẽ tạo điều kiện cho thông thoáng. Đặc biệt là kịp thời để người nuôi tôm có thể tiêu thụ tôm, cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm. Đồng thời xuất khẩu được giá trị con tôm ra thị trường nước ngoài đạt mục tiêu đề ra đến cuối năm.

Năm 2021, Bạc Liêu thả nuôi gần 140.000 ha tôm nuôi, trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 9.000 ha. Các đơn vị đi đầu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là Tập đoàn Việt - Úc, Công ty TNHH MTV Long Mạnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Công ty TNHH Huy Long An - Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu... 

Mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản sang Australia

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ; trong đó, việc sản xuất, chế biến xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa gặp nhiều rủi ro, khó khăn; chi phí cho hoạt động thương mại gia tăng, vận tải đường bộ, đường hàng không bị thu hẹp, thiếu lao động... Tuy nhiên, với những nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt của của ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, đã tháo gỡ những khó khăn trong thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Qua đó, lĩnh lực xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu dẫn tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng số lượng. Bạc Liêu cũng chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản,  trong đó Australia đang được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều đơn vị doanh nghiệp, nông dân được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo yêu cầu và chất lượng nguyên liệu phục vụ cho lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sản xuất nông nghiệp tuy giữ được tăng trưởng, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bạc Liêu phải thực hiện giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất, nhất là khâu thu hoạch lúa hè thu và giúp nông dân bao tiêu hàng nông - thủy sản.

Nhằm chia khó cùng nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, góp phần làm giảm sự gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất.

Cụ thể, phối hợp với các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương lái thu mua, người tham gia vận hành máy gặt đập ngoài tỉnh làm thủ tục để vào tỉnh. Theo đó, có hơn 6.100 lượt ghe/xe đủ điều kiện hoạt động và huy động được 466 máy cắt (bao gồm 301 máy trong tỉnh và 165 máy được huy động ngoài tỉnh vào hỗ trợ).

Hiện đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu với tổng diện tích gần 59.000ha và 100% sản lượng được thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua.Với quyết tâm giữ vững tăng trưởng cao và góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", ngành nông nghiệp sẽ tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt công tác phối - kết hợp với các ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành và nỗ lực vượt các chỉ tiêu mà UBND tỉnh đã đề ra.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.