Báo Hồng Kông SCMP dẫn lời Mnuchin nói: "Chúng tôi sẽ có thêm 30 ngày sau cuộc hội đàm cấp cao lần này dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Tư và thứ Năm tại thủ đô Washington. Vì vậy tôi hy vọng rằng sẽ đạt được bước tiến đáng kể trong các cuộc hội đàm này nhưng tôi xin nhấn mạnh, đây là những vấn đề phức tạp”.
Trước đó, cả hai bên đã nhất trí lấy ngày 1/3 sẽ là hạn chót cho vòng đàm phán hiện tại, sau đó Mỹ có thể tăng khoản thuế trị giá 200 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận. Phát biểu tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Mnuchin cho biết, ông và vị đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang “hướng tới cuộc đàm phán” trong tuần này. Theo đó, phía Trung Quốc sẽ do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu chủ trì.
Các nguồn tin Mỹ tiết lộ, chương trình nghị sự của sự kiện sắp tới sẽ là những vấn đề phức tạp chưa được giải quyết trong thời gian qua. Cụ thể là việc các công ty Mỹ bị ép buộc phải bàn giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, thực thi bất kỳ thỏa thuận môi giới nào và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ …Ngoài ra, còn có cam kết của Bắc Kinh về việc mua một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ.
Theo Reuters, các cuộc thảo luận cấp trung giữa đôi bên vẫn được tiến hành liên tục kể từ khi một phái đoàn Mỹ tới Bắc Kinh trong tháng 1. Và theo như lời ông Mnuchin nói thì đó là “sự chuyển động đáng kể”, tuy nhiên Washington vẫn đang nỗ lực giải quyết “những vấn đề còn rất phức tạp”.
Dự kiến, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Năm tại Nhà Trắng. Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sarah Huckabee Sanders thì đây là cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo đầu tiên sau 41 ngày. “Tổng thống Trump sẽ vẫn cam kết được tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng xuất khẩu của Mỹ và nông dân, các chủ trang trại và doanh nghiệp của chúng tôi được đối xử tốt hơn” bà Sanders phát biểu trong cuộc họp báo.
Trong khi đó, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump, Larry Kudlow cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ đã bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán trong tuần này. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, ông Trump lại tiết lộ rằng, Washington đang thực hiện rất tốt các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, nhưng cũng “không quan tâm” liệu các cuộc đàm phán sắp tới có dẫn đến một thỏa thuận hay không…
Cuộc đàm phán trong tuần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi xảy ra scandal “Washington theo đuổi vụ kiện tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei”. Trước đó, hôm đầu tuần này, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiết lộ một loạt cáo trạng chống lại công ty Huawei, bao gồm cả hành vi trộm cắp bí mật thương mại từ công ty điện thoại di động Mỹ T-Mobile. Quyền Tổng chưởng lý Mỹ Matthew Whitaker cũng cho biết, Washington sẽ sớm đưa ra yêu cầu dẫn độ sang Canada đối với vị giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu.
Hiện bà Mạnh đã được tại ngoại ở Vancouver sau khi bị bắt giữ hồi tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ về các cáo buộc gian lận tài chính nhằm thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã kêu gọi vụ bắt giữ bà này là vô lý và là một hành động bá quyền của Mỹ.
Theo BBC, ngày 28/1, tòa án ở bang Washington đã cáo buộc tập đoàn Huawei đánh cắp công nghệ robot của công ty di động Mỹ T-Mobile. Cáo trạng gồm 10 tội danh khác được các công tố viên chỉ ra bằng chứng, vào tháng 7/2013, Huawei đã gửi email nội bộ cho nhân viên, với nội dung “khuyến khích hành động đánh cắp công nghệ tiên tiến của đối thủ”. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho hay, cáo buộc trên đã phơi bày những hành động trơ tráo và dai dẳng của Huawei và đe dọa thị trường toàn cầu tự do và công bằng. “Huawei không ngừng vi phạm luật pháp Mỹ nhằm thu lợi kinh tế một cách không công bằng. FBI không tha thứ cho những hành động đe dọa đến các công ty Mỹ”, ông Wray tuyên bố. |