| Hotline: 0983.970.780

Đòi can thiệp vụ Huawei, Trump đẩy đàm phán Mỹ - Trung vào thế khó

Thứ Năm 13/12/2018 , 13:40 (GMT+7)

Các cố vấn muốn tách vụ Mạnh Vãn Chu khỏi đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhưng tuyên bố của Trump phá hỏng tất cả.

Bộ Tư pháp Mỹ gửi công văn khẩn cho nhà chức trách Canada đề nghị bắt Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei của Trung Quốc, vào ngày 1/12, đúng ngày Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Argentina.

Giới quan sát cho rằng vì thời cơ để bắt bà Mạnh khi bà quá cảnh ở Vancouver, Canada là rất ngắn, Bộ Tư pháp Mỹ nhiều khả năng đã không thông báo trước cho Tổng thống Trump và các cố vấn của ông. Theo chuyên gia an ninh Steven Arrigg Koh, Bộ Tư pháp Mỹ thường tiến hành các hoạt động điều tra và hành pháp tương đối độc lập với Nhà Trắng và trong vụ bắt bà Mạnh, họ có thể đã thực hiện quy trình tố tụng của mình mà không xin phê chuẩn trước từ Trump.

Tin tức về việc giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ lập tức đẩy đội ngũ cố vấn kinh tế của Trump vào thế khó, trong bối cảnh họ đang phải "đấu trí" với phía Trung Quốc trên bàn đàm phán thương mại sau thỏa thuận "đình chiến" mà lãnh đạo hai nước đạt được tại cuộc gặp ở Argentina, theo Business Insider.

Các cố vấn này đã nỗ lực hết mình để chứng minh rằng vụ bắt bà Mạnh chỉ đơn thuần là một tiến trình tố tụng hình sự theo quy định của luật pháp Mỹ, không liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington với Bắc Kinh. Thế nhưng, công sức của họ trở nên công cốc khi Trump tung ra tuyên bố đầy bất ngờ trong cuộc phỏng vấn hôm 11/12 với Reuters.

"Nếu tôi nghĩ nó giúp ích cho việc hiện thực hóa một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, điều vô cùng quan trọng, hoặc tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu cảm thấy cần thiết", Trump khẳng định khi được hỏi rằng ông liệu có can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu hay không.

Tuyên bố này của Trump hoàn toàn trái ngược với những gì mà các cố vấn kinh tế thân cận của ông từng đưa ra, trong đó có Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, những người đang phụ trách cuộc đàm phán quan trọng với Trung Quốc.

"Đây chỉ đơn thuần là vấn đề về tố tụng hình sự, hoàn toàn tách biệt với những gì tôi đang làm hay những điều mà các quan chức về chính sách thương mại ở Nhà Trắng đang tiến hành", Lighthizer khẳng định trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 9/12. "Vụ bắt Mạnh Vãn Chu không liên quan gì tới chúng tôi, đó là một vụ án hình sự".

Kudlow trong hôm đó cũng đưa ra đánh giá tương tự. "Tôi không thể đoán trước được tương lai của vụ này, nhưng có nhiều kênh khác nhau và tôi tin rằng quan điểm này sẽ được duy trì". Các quan chức Trung Quốc cũng tìm cách tách biệt hai vấn đề, khi tung những lời chỉ trích chủ yếu nhắm vào Canada mà không trực tiếp lên án Mỹ trong vụ bà Mạnh bị bắt.

Bình luận viên Bob Bryan của Business Insider cho rằng chiến lược mà các cố vấn kinh tế của Trump vạch ra là rất rõ ràng. Họ muốn tách bạch vụ bắt bà Mạnh ra khỏi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, nhằm đạt được một số thành công về thương mại trong khi vẫn tiếp tục gia tăng sức ép đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn về công nghệ và địa chính trị của Bắc Kinh. Nhưng tính toán của họ đã bị phá sản khi Trump gộp cả hai vấn đề vào làm một, khiến các cố vấn khó có thể tập trung hoàn toàn vào vấn đề thương mại khi đàm phán với Trung Quốc.

Sau tuyên bố của Trump, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể cho rằng Washington đang muốn dùng Mạnh Vãn Chu như một "con tin" để giành lợi thế trong đàm phán thương mại. Điều đó có thể dẫn tới lập trường cứng rắn hơn từ phía Trung Quốc, khi họ quyết không để bị "mất mặt" trước Mỹ và sẽ tung ra các biện pháp đáp trả.

Kịch bản này có thể khiến các nhà đàm phán Mỹ gặp rất nhiều khó khăn để thuyết phục đối tác Trung Quốc hạ nhiệt chiến tranh thương mại. Nếu Bộ Tư pháp Mỹ vẫn quyết tâm dẫn độ và đưa bà Mạnh ra tòa, đàm phán để giảm nhiệt chiến tranh thương mại có thể lâm vào thế bế tắc.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia phân tích và nhà quan sát cho rằng tuyên bố của Trump đồng nghĩa với việc ông sẵn sàng đưa vấn đề an ninh quốc gia và luật pháp ra làm con bài mặc cả trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Điều này có thể hủy hoại hệ thống tư pháp Mỹ cũng như uy tín thượng tôn pháp luật của quốc gia này, làm gia tăng hoài nghi trong các đồng minh, đối tác và cộng đồng quốc tế.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal hôm qua tuyên bố việc Trump ám chỉ sẽ can thiệp vào vụ bắt Mạnh Vãn Chu là "rất đáng lo ngại". "Điều đó khiến hệ thống hành pháp như một công cụ để phục vụ mục đích thương mại, chính trị hay ngoại giao của Mỹ. Nó có thể đúng ở nhiều nước khác, nhưng không phải ở quốc gia này", Blumenthal nhấn mạnh tại phiên điều trần về hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ.

Cũng trong phiên điều trần này, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers khẳng định bộ này không phải là "một công cụ thương mại" của chính quyền Tổng thống Trump. "Những gì chúng tôi làm ở Bộ Tư pháp là thực thi pháp luật, chúng tôi không thực thi thương mại", Demers nói khi được thượng nghị sĩ Blumenthal yêu cầu bình luận về tuyên bố của Trump.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tỏ ra quan ngại khi được hỏi về tuyên bố của Trump. "Dù các nước khác đang xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, Canada đang và sẽ luôn là một quốc gia thượng tôn pháp luật", ông nói với các phóng viên.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland thậm chí còn phản ứng gay gắt hơn với phát ngôn của Tổng thống Mỹ. "Các đối tác dẫn độ của chúng tôi không nên tìm cách chính trị hóa quy trình dẫn độ hay lợi dụng nó cho các mục đích khác ngoài công lý", bà nói.

Trước những phản ứng quyết liệt từ cả trong và ngoài nước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm qua bắt đầu nỗ lực "kiểm soát thiệt hại" khi nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng Tổng thống Trump chưa đưa ra quyết định can thiệp hay không vào vụ Mạnh Vãn Chu.

"Hãy chờ xem ngài ấy sẽ quyết như thế nào", Ross nói. "Hãy xem chúng ta sẽ đi tới đâu, còn bây giờ đây hoàn toàn là vấn đề tố tụng". Trump cũng chưa có thêm tuyên bố nào làm rõ phát ngôn hôm 11/12 của ông về vụ Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh bị bắt tại sân bay Vancouver với cáo buộc lừa gạt các ngân hàng quốc tế để sử dụng công ty con Skycom của Huawei nhằm thực hiện các giao dịch bán thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran, khiến các ngân hàng này vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận thương mại Washington áp đặt với Tehran. Mỹ có 60 ngày để gửi yêu cầu dẫn độ tới Canada nhằm đưa bà Mạnh về xét xử. Nếu bị kết tội lừa gạt các tổ chức tài chính, bà Mạnh có thể phải ngồi tù tới 30 năm.

Tòa án Canada hôm 11/12 đã đồng ý cho bà Mạnh được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và phải chịu các biện pháp giám sát đặc biệt để ngăn bà trốn về Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng quyết liệt với quyết định bắt người của Ottawa, cho rằng bà Mạnh không có bất cứ vi phạm và yêu cầu trả tự do cho bà ngay lập tức.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất