Quảng Trị có 131 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho 25.000 ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, phần lớn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, biện pháp thi công chủ yếu bằng thủ công, các tiêu chuẩn thiết kế áp dụng chưa phù hợp, tần suất thiết kế phòng lũ và xả lũ còn thấp.
Đến nay các hồ chứa lớn cơ bản đã và đang được nâng cấp, sửa chữa, nhưng phần lớn các hồ chứa nhỏ chưa được đầu tư nâng cấp, các hồ này đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão. Tổng nguồn vốn cần để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa lớn và kiên cố các hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh lên tới trên 820 tỷ đồng.
Thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn trước diễn biến thiên tai ngày càng khắc nghiệt.
Tiểu dự án nâng cấp, sửa chữa đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước đảm bảo các yêu cầu về an toàn đập của Ngân hàng Thế giới và nâng cấp đường thi công kết hợp quản lý, làm mới nhà quản lý phục vụ công tác quản lý, vận hành 12 công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là tiểu dự án thuộc dự án lớn Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) với tổng mức đầu tư 226.710 triệu đồng. Chủ đầu tư là Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị.
Dự án đặt mục tiêu khôi phục và đảm bảo an toàn công trình thông qua sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập đã bị xuống cấp hoặc thiếu năng lực xả lũ; cải thiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành và cơ chế thông tin phối hợp trên lưu vực; nâng cao năng lực quản lý và thực thi dự án, quản lý môi trường, xã hội.
Cụ thể 12 hồ chứa được đầu tư nâng cấp gồm: Hồ Kinh Môn (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh); Hồ Khe Muồng (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng); Hồ Km6 (phường 4, thành phố Đông Hà); Hồ Cổ Kiềng 2 (xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh); Hồ Khóm 7 (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa); Hồ Trằm (xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh); Hồ Khe Ná (xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh); Hồ Khóm 2 (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh); Hồ Đập Hoi 1 & Đập Hoi 2 (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh); Hồ Dục Đức (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh); Hồ Tân Vĩnh (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) và Hồ Đá Cựa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ).
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị (đơn vị trực tiếp quản lý dự án), tổng khối lượng khối lượng toàn bộ dự án đạt 95%. Dự kiến được bàn giao và đưa vào vận hành vào giữa năm 2022.
Nhận thức được việc bảo đảm an toàn hồ, đập có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là để ứng phó trong mùa mưa bão. Ngoài dự án WB8 đang được triển khai, trong khuôn khổ Dự án tăng trưởng xanh, thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện nâng cấp thêm 5 hồ chứa, nâng tổng số các công trình thuỷ lợi đang được triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 17 hồ chứa.
Đến nay, theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, hầu hết vác công trình bảo đảm tiến độ thi công vượt lũ chính vụ; đồng thci thực hiện đồng bộ các quy trình vận hành cửa van, bảo trì cho từng hạng mục công trình; phương án ứng phó thiên tai cho hồ, đập vùng hạ du trong quá trình thi công.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Sở đã kiến nghị Trung ương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí kịp thời giúp ngành bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; hoàn thiện thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước; quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng cũng như nâng cấp và sửa chữa các công trình đầu mối, các hồ chứa lớn và kiên cố các hồ chứa nhỏ, với tổng kinh phí 331 tỷ đồng”.