| Hotline: 0983.970.780

Trăm tỷ từ WB8 giúp phục hồi hồ đập xuống cấp ở Phú Thọ

Thứ Ba 30/11/2021 , 16:22 (GMT+7)

Sau khi phục hồi hồ Ban, tỉnh Phú Thọ tiếp tục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 13 hồ chứa nước từ nguồn vốn Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8).

                                                     

Nhiều công trình hồ đập thủy lợi ở Phú Thọ đã xuống cấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhiều công trình hồ đập thủy lợi ở Phú Thọ đã xuống cấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Hoàng Anh.

Tình trạng cấp bách

Phú Thọ là tỉnh có hệ thống hồ đập khá lớn, không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, các công trình hồ đập còn đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài trong việc đảm bảo tưới, tiêu, thoát lũ và góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh có 365 công trình đập, hồ chứa thực hiện quan lý an toàn đập theo Nghị định 114 của Chính phủ, trong đó có 230 hồ chứa, 135 đập dâng.

Một vấn đề nan giải đối với ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ trong nhiều năm là có những hồ chứa nhỏ được xây dựng từ thế kỷ trước, đã xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro. Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ chia sẻ, đó là những hồ đập được xây dựng từ những năm 1970 – 1980, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư ít nên việc khảo sát, thiết kế, thi công còn hạn chế. Chính vì vậy, từ nhiều năm trước phần lớn các hồ đập đã bị xuống cấp, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ thường xuyên rà soát để đầu tư nâng cấp, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp dẫn đến việc tu sửa, phục hồi gặp nhiều khó khăn.

Các nội dung thực hiện để đảm bảo an toàn đập như lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn tập cho vùng hạ du đập, kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp... cần nguồn kinh phí lớn nên phải có lộ trình triển khai, chưa thể đáp ứng yêu cầu của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ, do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, kinh phí thực hiện lại quá lớn nên các công trình chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiết bị lạc hậu, chắp vá. Hậu quả đã có những sự cố xẩy ra như đập Đầm Thìn bị vỡ vào năm 2020, mặc dù đã được khắc phục sau đó nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 93 hồ, đập hư hỏng đang có nguy cơ gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Sự cố vỡ đập Đầm Thìn năm 2020. Ảnh: Hoàng Anh.

Sự cố vỡ đập Đầm Thìn năm 2020. Ảnh: Hoàng Anh.

Có thể kể kể đến như hồ Tải Giang, Ðá Mài, Khoang Tải (huyện Thanh Sơn), hồ Suối Rồng, Phượng Mao (huyện Thanh Thủy), hồ Trầm Sắt (huyện Thanh Ba), hồ Suối Ðẫu (Ðoan Hùng), hồ Dộc Giang, hồ Kén (huyện Yên Lập), hồ Ðá Trắng, hồ Ðát Ðội, hồ Khán Thanh (huyện Cẩm Khê)...

Khảo sát cho thấy, những hồ đập nêu trên có dung tích từ hơn 425 nghìn m3 đến 1,6 triệu m3 nước với vai trò cung cấp nước tưới cho 300 ha/năm đến 1.200 ha/năm diện tích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do những nguyên nhân như đã phân tích ở trên nên xuất hiện những hiện tượng mái đập đất hạ lưu bị sụt lún tạo thành hố sâu, khớp nối cống lấy nước dưới đập bị hở, không đóng được van hạ lưu để tích nước, có hồ bị sụt lún thành hố sâu từ 1,2 đến 3 m2...

“Hệ thống các hồ phân tán trên địa bàn rộng, Phú Thọ lại nằm vị trí hạ lưu các tỉnh miền núi phía Bắc nên mỗi khi có lũ ống, lũ quét, hầu hết các huyện miền núi thường phải chịu ảnh hưởng nặng do thiên tai gây ra như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa…”, ông Trần Quốc Bình chia sẻ.

Trước thực trạng đó, hàng năm Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ đều phải sử dụng những giải pháp cấp bách để sửa chữa hồ đập, đặc biệt là trước mùa mưa lũ.

Ví dụ năm 2020 phê duyệt xử lý khẩn cấp sự cố vỡ đập Ðầm Thìn tại xã Cấp Dẫn (huyện Cẩm Khê), khắc phục sạt lở kè Xuân Huy đê tả Thao, khắc phục sạt lở kè Bản Nguyên đoạn Km84+250 - Km84+500 đê tả Thao (huyện Lâm Thao), xử lý 12 cống dưới đê, 900m kè, 500m mặt đê, khắc phục sự cố tràn đê tả sông Thao đoạn từ Km11,0 - Km15,0 (huyện Hạ Hòa), đắp mái đê bị sạt lở của đê tả, hữu sông Bứa (huyện Tam Nông và Cẩm Khê), nâng cấp hệ thống tiêu ngòi Hiêng (huyện Hạ Hòa), trạm bơm tiêu Ðoan Hạ (huyện Thanh Thủy)…

Mặc dù vậy, về lâu dài, ông Trần Quốc Bình phân tích, để ứng phó thiên tai phục vụ sản xuất cần phải tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước một cách tổng thể. Đặc biệt là cần có những dự án, những nguồn kinh phí đủ lớn để “cấp cứu và phục hồi chức năng” cho hệ thống hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Phải triển khai những dự án như Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Phú Thọ (WB8), hiệu quả rất rõ ràng, hồ Ban ở xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê là một ví dụ”, ông Bình nói.

 "Phương thuốc" từ Dự án WB8

Tiểu dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập tại tỉnh Phú Thọ (thuộc dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8, vay vốn Ngân hàng Thế giới) được Bộ NN-PTNT phê duyệt báo cáo kinh tế khả thi từ năm 2015 với tổng mức đầu tư 216,830 tỷ đồng (tương đương 9,64 triệu USD, phần vốn WB là 9,13 triệu USD, phần vốn đối ứng là 0,15 triệu USD).

Tiểu dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập tại tỉnh Phú Thọ được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp hồ Ban, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê với số vốn đầu tư 25,1 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn ổn định đập và phục hồi các chức năng thiết kế thông qua sửa chữa, nâng cấp, chủ động cấp nước tưới cho 150 ha đất canh tác thuộc xã Tiên Lương.

Theo ông Lâm Việt Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Thọ, hồ Ban có dung tích trữ thiết kế 1,3 triệu m3 nước, tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án WB8 hồ chứa này đã xảy ra tình trạng thấm thân đập và thấm nền, sập cống và hư hỏng tràn, gây nguy cơ mất an toàn.

Từ nguồn vốn đầu tư 25,1 tỷ đồng của dự án WB8, dự án đã đắp lại, nâng cấp 3 đập chính, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục còn lại và làm 1,6km đường quản lý và vận hành bằng bê tông. Nhờ đó, đảm bảo an toàn ổn định đập và phục hồi các chức năng thiết kế thông qua sửa chữa, nâng cấp, đến thời điểm hiện tại đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Những hiệu quả nhìn thấy rõ từ tiểu dự án giai đoạn 1, hiện tỉnh Phú Thọ đang gấp rút triển khai tiểu dự án giai đoạn 2 với mức đầu tư 191 tỷ đồng.

Quy mô của giai đoạn 2 nhằm cải tạo, nâng cấp và sửa chữa 13 hồ chứa nước trên địa bàn các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba, Hạ Hòa. Mục tiêu nhằm sửa chữa, nâng cấp công trình nhằm phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Thời điểm này tỉnh Phú Thọ đã thực hiện xong việc rà phá bom, mìn, vật nổ, đang giải phóng mặt bằng để lựa chọn nhà thầu thực hiện.  

Như vậy, trong năm 2021, thông qua các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ Dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập (WB8), Phú Thọ đã bố trí để tu sửa và chuẩn bị tu sửa 31/93 hồ chứa hư hỏng, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Đối với các công trình chưa kịp sửa chữa, ngoài giải pháp tình thế, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ xác định thứ tự công trình, hạng mục công trình cần ưu tiên nguồn lực để báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thủy lợi tăng kinh phí đầu tư, đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá năng lực tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.