Thay nilon bằng lá chuối
Gần một tháng nay, những chiếc túi nilon đựng rau củ quả dần biến mất khỏi khu vực đóng gói nông sản của HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh. Thay vào đó là những tàu lá chuối xanh mướt, vài bó rơm và cả dây chuối khô.
Thu hoạch rau cải tại HTX Vân Hội Xanh |
Chị Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang phối hợp với siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc thử nghiệm phương pháp đóng gói bằng lá chuối thay túi nilon. Lá chuối được lựa chọn kỹ càng, không quá non cũng không quá già, tuyệt đối không dùng lá rách hoặc bị sâu bệnh. Dây chuối khô cũng được tận dụng để làm lạt buộc.
“Hiện tại, do mới thử nghiệm nên số lượng còn ít, chúng tôi vẫn huy động các xã viên đi tận dụng cắt lá chuối trong vùng về làm. Ngoài ra HTX đã liên hệ được một đại lý chuyên cung cấp lá chuối để gói giò chả. Nếu mua số lượng lớn thì 7 nghìn đồng/kg, mua lẻ thì 8 nghìn”, chị Liên cho biết.
Đại diện HTX cho biết, trên thực tế, việc dùng lá chuối không rẻ hơn là bao so với túi nilon truyền thống trước đây. Lá chuối muốn theo chân nông sản vào siêu thị cũng không hề đơn giản. Sau khi chọn và cắt, lá được đem về làm sạch. Quá trình đóng gói phải thực hiện nhẹ nhàng, tránh lá bị rách nên hiệu suất công việc bị giảm. Theo chị Liên, cùng một khối lượng nông sản hằng ngày xuất đi, bọc lá chuối sẽ tốn thêm một giờ đồng hồ so với đóng túi nilon.
Công đoạn dùng lá chuối để đóng gói sản phẩm |
Đại diện siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc cho biết, phương thức đóng gói này bước đầu cho kết quả rất khả quan, được khách hàng đánh giá cao, thể hiện thông qua sản lượng tiêu thụ cao hơn hẳn so với trước đây. Trước mắt, siêu thị mới chỉ thực hiện thí điểm trên các sản phẩm của Vân Hội Xanh. |
Mỗi ngày, Vân Hội Xanh cung ứng ra thị trường 4 – 5 tấn với hàng chục loại rau, củ quả các loại. Lượng hàng bọc lá chuối đưa vào siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc khoảng 1 – 1,5 tạ/ngày. Ngoài ra, HTX cũng duy trì hai cửa hàng rau sạch tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
“Tại hai cửa hàng của HTX, những người mua đa phần là khách hàng thân thiết. Khi chúng tôi áp dụng việc bọc lá chuối, nhiều người thấy lạ, thậm chí ngần ngại vì nhìn rau không tươi bằng. Thậm chí có người bảo, bọc thế này khác gì mấy bà hàng xén ngoài chợ. Nhưng dần dần, người mua đã quen và hào hứng tiếp nhận sản phẩm”.
Chị Liên cho biết, việc dùng lá chuối bọc với được áp dụng trên các loại rau và rau thơm. HTX đã nghĩ tới việc mở rộng ra nhiều sản phẩm củ quả như bắp cải, cà rốt thậm chí bí xanh, bí ngô. “Theo tìm hiểu, ở Thái Lan họ đã áp dùng bẹ chuối để bọc các loại củ quả to, khối lượng lớn. Sau đó sẽ dùng màng sinh học để bọc phía trên sản phẩm. Nhưng ở đây chúng tôi chưa tìm được nguồn cung cấp bẹ chuối to, đạt chất lượng nên chưa thể áp dụng”.
Sản xuất thông minh
Không chỉ thử nghiệm phương thức đóng gói nông sản mới, HTX Vân Hội Xanh tiếp tục áp dụng nhiều công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất.
Đại diện siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc trực tiếp kiểm tra lấy mẫu để test nhanh sản phẩm của HTX |
Thành lập từ tháng 1/2017, cơ sở vật chất ban đầu là căn nhà sơ chế “thừa kế” từ HTX cũ. Người dân Vân Hội trước nay vẫn trồng rau nhưng chưa có thương hiệu, đầu ra phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh. Từ khi HTX Vân Hội Xanh ra đời, nhiều thứ đã biến chuyển. Sau một năm hoạt động, HTX đã tích tụ được 17,5 ha đất, cùng với 60 hộ dân góp đất tham gia sản xuất. Ngoài ra có khoảng 70 hộ dân đăng ký liên kết sản xuất.
Do số hộ dân tương đối nhiều, việc quản lý sản xuất trước đây gần như phải làm trực tiếp trên ruộng đồng, ghi chép sổ sách nên rất vất vả. Nhưng giờ đây, việc quản lý dần chuyển sang phần mềm thông qua một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh (Smart phone).
Vân Hội Xanh đang phối hợp Cty CP Chứng nhận và giám định Vinacert sử dụng phầm mềm để quản lý sản xuất. Mỗi hộ dân sẽ được cung cấp miễn phí một Smart phone cài sẵn ứng dụng. Khi vào vụ hoặc trồng cây mới, HTX sẽ khởi tạo một nhiệm vụ trên phần mềm cho người dân. Phần mềm sẽ thông báo trước công việc hằng ngày cần phải làm như bón phân, tưới nước, kiểm tra sâu bệnh… Khi làm việc, người dân cần phải chụp ảnh, định vị vị trí và gửi thẳng lên phần mềm để xác nhận hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu hộ nào không thực hiện nhiệm vụ 1, 2 lần, phần mềm sẽ gửi thông báo về điện thoại cảnh báo. Nếu quá 3 lần, tài khoản đó sẽ bị đẩy khỏi hệ thống”, chị Liên cho biết.
Các mặt hàng nông sản được bọc lá chuối trong siêu thị của Co.opmart |
Chị Nguyễn Thị Kim Hiền, xã viên HTX Vân Hội Xanh cho biết, ban đầu dùng phần mềm quản lý sản xuất chưa quen, đi làm mang theo điện thoại chụp ảnh, nhiều người tưởng bị… hâm. “Giờ dùng quen thấy hay quá. Tôi có thể xem trước công việc cả tuần, thậm chí cả tháng để chủ động thực hiện. Nếu như có thông tin thời tiết hoặc dịch bệnh, HTX cũng sẽ thông báo qua phần mềm, không phải xuống tận nơi hay gọi điện” – chị Hiền nhận xét.
HTX Vân Hội Xanh hiện có 5 ha rau được chứng nhận VietGAP từ năm 2017. Năm 2019 HTX cố gắng đăng ký thêm 7ha có chứng nhận. “Nếu như việc đăng ký hoàn tất, cộng với việc quản lý chứng nhận bằng phần mềm điện tử, cơ hội để chúng tôi đưa thẳng nông sản của mình vào các siêu thị lớn của Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác là rất cao”, chị Liên chia sẻ. |