Ảnh minh họa |
Theo đại diện của khoa Luật, thì chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam như các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp...
Nhưng, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, đòi hỏi phải được giải đáp thỏa đáng. Thứ nhất là theo quy định của Bộ GD-ĐT, thì cử nhân ngành nào sẽ nghiên cứu, làm luận án thạc sỹ, tiến sỹ ngành đó. Vậy chỉ có những người có bằng cử nhân phòng chống tham nhũng mới đủ tiêu chuẩn để nghiên cứu, làm luận án thạc sỹ phòng chống tham nhũng. Lấy đâu ra những cử nhân đó mà đào tạo, khi từ trước đến nay chưa có trường nào đào tạo loại cử nhân này?!
Thứ hai, không phải công chức nào cũng có thể tham nhũng. Phải là những công chức giữ những chức vụ rất cao, có đủ thẩm quyền ban phát, mới có thể và có điều kiện để tham nhũng, như ký cho cấp dưới lên chức, lên cấp, ký tiếp nhận người vào cơ quan, ký duyệt chi, ký thu hồi đất, giao đất, ký duyệt dự án, thậm chí ký ban hành những chính sách... Tóm lại là chữ ký của người đó có thể đẻ ra hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ, mang lại lợi ích khổng lồ cho nhóm này, nhóm nọ. Nay một thạc sỹ về phòng chống tham nhũng, nếu được nhận về làm cấp dưới những người “ngất ngưởng ngôi cao” như thế, liệu có dám đối mặt với họ để vạch tội họ, nếu họ tham nhũng, hay không?!
Thứ ba, tham nhũng là một tội hình sự, có mức án cao nhất lên đến tử hình. Một khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, thì điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự, đưa kẻ tham nhũng ra trước pháp luật là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Chỉ cơ quan này mới có đủ thẩm quyền và đủ nghiệp vụ để làm việc đó. Một thạc sỹ phòng chống tham nhũng làm gì có thẩm quyền đó, và làm gì có nghiệp vụ mà làm việc đó?!
Thứ tư, là cơ quan nào sẽ nhận những thạc sỹ phòng chống tham nhũng này, khi mà ngoài Cục Phòng chống tham nhũng trực thuộc Thanh tra Chính phủ ra thì chẳng cơ quan nào có một phòng hay một ban chuyên về phòng chống tham nhũng cả. Hơn thế nữa, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân, của toàn thể hệ thống chính trị xã hội, chứ đâu phải việc của mấy ông thạc sỹ.
Tóm lại, nói như luật sư Nguyễn Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì “Tôi không hiểu tại sao lại có chương trình đào tạo thạc sỹ phòng chống tham nhũng? Đào tạo để làm gì? Họ sẽ giữ vị trí gì?”.