Em Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội, vừa giành giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 (2022) tại Việt Nam với bức thư gửi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Tôi cũng như nhiều người đọc bức thư ấy, thật sự thấy khâm phục em.
Nhưng hình như không nhiều người hiểu điều em muốn nói (!?). Họ thể hiện sự không hiểu ấy qua nhìn nhận, đại loại như sau: “Thông qua lời nhắn nhủ tới nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, Bình Nguyên gửi gắm thông điệp: "Quyền lực mềm" có thể giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường sống, âm nhạc sẽ làm dịu bầu không khí căng thẳng về khủng hoảng khí hậu” (báo Vnexpress).
Không phải! Đó không phải là điều mà học sinh lớp 9 Nguyễn Bình Nguyên muốn nói. Hãy đọc lại lá thư của cậu ấy. “Ông vẫn nói: "Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!". Cháu cảm biết được tấm lòng của ông với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông - mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm họa thiên nhiên và gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến”. Xin hãy lưu ý, bạn ấy viết “ông và âm nhạc của ông”, chứ không phải chỉ một vế. Lưu ý, cách nói này được lặp lại không chỉ một lần. Bạn ấy phân biệt Đặng Thái Sơn và âm nhạc của Đặng Thái Sơn, chứ không nhập làm một.
Hãy đọc Nguyễn Bình Nguyên viết: "Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!". Hỡi nhạc sĩ tài ba! Cháu khẩu thiết ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!”. Rồi cậu ấy lại lặp lại điều đó: “Ông ơi! Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng rằng: "Tôi, và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!".
“Hãy lên tiếng”, đó là điều cậu ấy muốn. Ông cứ chơi nhạc đi, cứ đam mê đi, cứ cống hiến bằng âm nhạc của mình đi; nhưng khi “khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng”. Chàng trai ấy không đồng ý, không chấp nhận việc cho rằng chỉ âm nhạc là đủ, dù cậu đề cao sức mạnh của âm nhạc. Với cậu, người nghệ sĩ cần hành động bằng tiếng nói trực diện của mình với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Nói theo ngôn ngữ của chúng ta, chàng trai ấy đang phê phán nghệ thuật tháp ngà; người nghệ sĩ không thể chỉ trú thân trong ngôi đền nghệ thuật của mình mà bưng tai bịt miệng trước những vấn nạn của xã hội.
Cũng chính với cái quan điểm ấy, cậu, bằng một cách nói khiêm nhu, ý nhị mà không kém phần “khó nghe” nhưng phải tinh ý mới nhận ra được, đã chỉ ra cho người nghệ sĩ thấy rằng “Nhưng hơn ai hết, ông – một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng nhìn từ một phía nào đó, mọi ranh giới đều không tồn tại phải không?”. Không chỉ âm nhạc của ông là không ranh giới mà “trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm họa diệt vong cũng sẽ không ranh giới?”. Nguyễn Bình Nguyên đòi hỏi trách nhiệm của một người có tầm ảnh hưởng, vì cậu hiểu rõ, âm nhạc thôi chưa đủ, nếu âm nhạc không biên giới thì cái ác cũng không biên giới, cái ác không nghe nhạc!
Là một học sinh lớp 9, Nguyễn Bình Nguyên khó mà viết thẳng thắn, gai góc trước một danh nhân; nhưng cậu đã nói được điều quan trọng nhất.
Tôi cho rằng, bức thư này đã chạm đến những vấn đề lớn của xã hội, đặc biệt là đối với nhân sinh quan của rất nhiều người trong giới có học, rằng họ - những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những người của công chúng - không thể chỉ viện đến cái thế riêng của mình để tự miễn trừ trách nhiệm xã hội. Tiếc thay, điều này lại tìm được minh chứng hùng hồn là xã hội Việt Nam, nơi mà phần lớn đang lấy đời sống cá nhân làm cứu cánh và biện minh.
Khi một cánh rừng đang bị ngang nhiên tàn phá, ông không thể mang đàn ra đó ngồi chơi và chờ đợi mọi thứ sẽ dừng lại; khi núi bị đào, sông bị lập khiến lũ lụt trở thành quỷ dữ trên đầu người dân, anh không thể mang giá vẽ ra đó để họa một bức về tình yêu cuộc sống; trước những thiếu niên nhảy lầu, nhà thơ không thể đứng trong sa-lông mà ngâm thơ… Đó mới là điều mà Nguyễn Bình Nguyên muốn nói và muốn mọi người hiểu.
“Khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng”! Tiếc thay, tôi có cảm giác rằng chàng trai ấy cô đơn trong thế giới của người lớn, vì họ luôn có lý do để không muốn hiểu điều chàng nói.
Bức thư đoạt giải nhất của Bình Nguyên
HÀ NỘI…
Đêm trở gió, 20-1-2022
Gửi danh cầm Đặng Thái Sơn với đôi bàn tay kì diệu!
Ông có bất ngờ khi nhận lá thư được tạo nên từ những tiếng xào xạc? Là cháu đây, ngọn gió lành, gửi đến ông những lời khẩn thiết.
Cháu đang ở đây, ngay bên cửa sổ! Còn ông ngồi trầm tư bên phím đàn. Ông vừa trở về từ lễ trao giải Vin Future. Ở sân khấu quốc tế với những tên tuổi lừng danh ấy, âm nhạc của ông tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho hy vọng tương lai của nhân loại.
Ông vẫn nói: "Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!". Cháu cảm biết được tấm lòng của ông với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông – mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm họa thiên nhiên mà gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến.
Từ khi được sinh ra từ cơn cựa mình của Mẹ, cháu dã du hành khắp thế gian. Những điều ấm áp cho cháu hạnh phúc và cũng có nhiều điều khiến cháu trăn trở.
Cháu băn khoăn: Một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối diện – Có một ranh giới con người giữa sạch sẽ riêng mình.
Cháu lo lắng: Cũng con phố ấy, ngày hè oi ả, trong khi ai đó nằm điều hòa mát lạnh, thì dưỡi gầm cầu, góc chợ tạm… còn bao người thở nghẹn trong lồng ngực - Có một ranh giới con người giữ tiện nghi riêng mình.
Cháu hoang mang: Dòng sông phía thượng nguồn đắp đập làm thủy điện, tiện dụng triệt để sức nước; thì dưới hạ lưu, tập quán của một dân tộc bị tước đi, hoặc cảnh quan của một vùng bị biến đổi - Có một ranh giới con người giữ lợi ích cho riêng mình.
Nhưng hơn ai hết, ông - một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng, nhìn từ một phía nào đó, mọi ranh giới đều không tồn tại, phải không?
Trái đất đang nóng lên! Ở châu Phi, châu Mĩ, châu Âu… mùa hè ngày càng khắc nghiệt. Năm nào cũng có kỷ lục mới được xác lập về nhiệt độ cao hoặc số ngày nắng nóng kéo dài… Họ nhà gió lên cơn sốt trong khí quyển, trong đại dương, trên biển băng và khắp các lục địa.
Có ngọn gió hoảng loạn lao qua những cánh rừng cuốn theo ngọn lửa tự bùng lên như mất trí. Amazon, Úc châu, Đông Nam Á… tiếng rít lên thê thảm của những loài vật thét gào.
Có ngọn gió điên cuồng giật cấp 16, 17 - siêu bão chồng siêu bão, lũ lụt, sóng thần, nhà sụp, người chết, cả một vùng đô thị, làng mạc bị xóa sổ.
Có ngọn gió oằn xuống trước người đàn ông quỳ lạy dòng nước lũ trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời; chẳng khác nào sự hủy diệt của chiến tranh, những đứa trẻ ngơ ngác tìm người thân trong đổ nát… liệu còn ranh giới nào cho những ngôi nhà, vùng miền, quốc gia, phe phái…?
Ông đã nghe về tất cả những điều này? Ông cũng biết, trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm họa diệt vong cũng sẽ không ranh giới?
"Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!".
Hỡi nhạc sỹ tài ba! Cháu khẩn thiết ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!
Cháu đã thấy bao trái tim rung lên trước âm nhạc của ông. Bao nhà khoa học, bao chính khách nghiêng mình trước tài năng và nhân cách của ông. Cháu hiểu rằng, ông với âm nhạc của ông mang một tầm ảnh hưởng lạ kỳ; và cháu hy vọng từ ảnh hướng ấy, hàng triệu người sẽ thay đổi!
Ông ơi, cùng "tầm ảnh hướng" với ông là những người nắm trong tay khả năng thay đổi thế giới. Các nguyên thủ, tỷ phú, các nhà khoa học, nghệ sĩ có khả năng định hướng tinh thần thời đại… họ đã cùng ông xuất hiện trong những sự kiện giống như Vin Future, ông hãy lên tiếng nới rộng vòng tay tạo nên điều kỳ diệu cứu lấy tương lai của Trái đất này.
Ông không phải người đầu tiên, nhưng có thể trở thành người quyết định tạo nên thay đổi. Còn cháu - Ngọn gió không biên giới - nguyện sẽ cùng ông đưa bản "thiên ca - Lời đất mẹ" này tới muôn nơi.
"Hãy để gió hát ca giữa rừng xanh. Rừng không phải để chặt phá!
Hãy để gió đùa vui với sóng biển. Biển không phải để xả rác hay chôn giấu nguồn nước thải.
Hãy để gió sải cánh giữa không gian. Không gian không phải để xe cộ, ống khói túa ra nguồn khí cặn.
Hãy để gió ru trên cánh đồng, vuốt ve mái tóc bầy trẻ nhỏ; hãy để gió yêu thương…".
Ông ơi!
Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng rằng: "Tôi và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!".
Người bạn của ông - Cơn gió lành từ Đất mẹ!