| Hotline: 0983.970.780

Lai Châu: Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ trong rừng già

Thứ Hai 14/10/2019 , 10:45 (GMT+7)

Trong chuyến khảo sát con đường đá cổ Pavi ở Sàng Mà Pho (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) với những vị khách mời, chúng tôi vô tình đi qua nơi lâm tặc vừa đốn hạ những cây rừng.

18-52-39_gobp8
Một đoạn thân gỗ lâm tặc chưa kịp chuyển đi.

Khi chúng tôi có mặt ở đây, tất cả đều bàng hoàng bởi nơi này giống như một công trường đang khai thác gỗ.
 

Cây gỗ 2 người ôm không xuể

Ở đó, những cây rừng lớn bị chặt hạ không thương tiếc khiến khu vực này tan hoang như vừa đi qua một cơn bão. Cành lá của những cây gỗ lớn bị cắt bỏ và vứt lại nằm rạp ven đường. Gần đó là những gốc cây cỡ 2 người ôm được che chắn bằng lá dương xỉ song vẫn dễ dàng nhận ra vì dấu vết cây đổ, và vì những khoảng trống được tạo ra giữa rừng già.

Theo quan sát của chúng tôi, lâm tặc sau khi đốn hạ cây bằng cưa máy, gỗ được xẻ ngay tại chỗ để lấy đi phần giá trị nhất là thân cây. Còn lại phần vỏ bắp (phần gỗ vỏ cây) bị bỏ lại, xếp chồng chéo lên nhau.

Ở khu vực này, hầu hết những cây gỗ bị đốn hạ đều đường kính lớn từ 0,8 đến 1m. Có lẽ lâm tặc phải có rất nhiều thời gian mới có thể hạ những cây gỗ này và xẻ chúng ra để tiện bề vận chuyển.

Sự xuất hiện bất ngờ của nhóm chúng tôi và khách du lịch có thể là nguyên nhân khiến lâm tặc không kịp tẩu tán một số tang vật. Trong đó, có một thân gỗ lớn với đường kính khoảng 1m, dài khoảng 3m.

Rất may cùng đi với chúng tôi, có những người hiểu biết sâu sắc về những loại cây trong rừng già nên có thể xác định nhanh một số loại cây. Từ quan sát bên ngoài, những chuyên gia này còn vò lá, ngửi mùi, xem quả và cho biết, cây gỗ lớn bị đốn hạ còn tươi rói là gỗ sồi, và với kích thước lớn như trên nó có thể đã 100 năm tuổi.

Ông Trần Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ (Lai Châu) - đã ra quyết định xử phạt ông Chang A Di và Sùng A Tủa khai thác rừng trái phép lần lượt 30 triệu đồng và 15 triệu đồng.

Cũng từ địa điểm này đi xuống Sàng Mà Pho (xã Sin Suối Hồ), ấn tượng nhất không chỉ có những phần gỗ lâm tặc không sử dụng bị bỏ lại mà là lớp mùn cưa còn thơm mùi gỗ, phủ đỏ một đoạn đường. Không chỉ vậy, rải rác dọc con đường tới trung tâm bản Sàng Mà Pho cũng tồn tại nhiều dấu vết của lâm tặc.
 

Chỉ xử lý hành chính

Liên quan vấn đề trên, ông Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ - cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin chính quyền xã, huyện đã phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý tìm ra 2 đối tượng khai thác rừng trái pháp luật và xử lý vụ việc.

Ông Hòa cũng đề nghị PV trao đổi với ông Vưa Sĩ Hồ - Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ - để thông tin chi tiết hơn.

Ảnh: Hải Đăng.

Ông Hồ cho biết, các đối tượng này khai thác gỗ về làm nhà và là người dân trong bản Sàng Mà Pho. “Cơ bản vụ việc tới nay đã được xử lý xong”, ông Hồ nói.

Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Phong Thổ (Chi cục Kiểm lâm Lai Châu) sau khi nắm bắt được thông tin đã tổ chức đoàn kiểm tra tại rừng tự nhiên phòng hộ thuộc tiểu khu 57, lô 4, khoảnh 8 bản Sàng Mà Pho và lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với ông Chang A Di và Sùng A Tủa - cùng trú ở Sàng Mà Pho.

Thời điểm kiểm tra, ông Di đã cưa được 64 tấm gỗ và 10 thanh xà có tổng khối lượng là 1,854m3 (gỗ xẻ thông thường thuộc nhóm VI); ông Sùng A Tủa đã cưa 11 thanh, hộp gỗ xẻ tương đương 1,127m3 gỗ xẻ (quy đổi ra gỗ tròn là 1,803m3, gỗ nhóm VI).

“Ngoài việc huyện Phong Thổ xử phạt hành chính thì chúng tôi cũng tích cực giáo dục tuyên truyền cho bà con dân bản về việc cần thiết phải bảo vệ rừng và các quy định của pháp luật có liên quan”, ông Hồ nhấn mạnh.

Về công tác kiểm tra rừng địa bàn, theo ông Hồ, ủy ban xã cũng có quy chế phối hợp các ban ngành, đoàn thể như lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ để kiểm tra rừng, tuyên truyền cho bà con hàng năm. Ngoài ra, ở bản còn có tổ quản lý, tổ xung kích phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng do khu vực các đối tượng khai thác trái phép khá xa nên không quán xuyến được hết.

Cũng theo ông Hồ, một số gỗ đã cưa đã bị thu hồi và niêm phong chờ cấp trên thẩm định để thanh lý. Còn số gỗ trong rừng do xa quá nên giao cho tổ xung kích quản lý, theo dõi để tìm phương án xử lý.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất