Lái lúa bỏ cọc
Một số tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau thu hoạch lúa hè thu 2021 trễ hơn các tỉnh đầu nguồn. Hiện nay do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc thu hoạch lúa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện và nhân công.
Ông Đoàn Văn Dự, ngụ ấp Trung Hưng I, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cho biết: Vụ lúa hè thu 2021, gia đình gieo sạ 2ha giống Đài Thơm 8, khi lúa gieo sạ được 2 tháng thì thương lái đến hỏi mua với giá 6.000 đồng/kg và được gia đình nhận cọc trước 6 triệu đồng (khoảng 300.000 đồng/công).
Tuy nhiên, đã đến gần thời điểm thu hoạch lúa, gia đình đã nhiều lần chủ động gọi điện thoại liên hệ hẹn ngày gặt nhưng không thể liên hệ được phía thương lái.
Ông Dự đã liên hệ một số thương lái quen biết truyền thống trước đây để bán lúa. Tuy nhiên, đều nhận chung một câu trả lời, là họ có thể thu mua lúa gống Đài Thơm 8 chỉ với giá 5.000 đồng/kg.
Hiện nay, giá bán các giống lúa khác nhau giảm từ 200 - 600 đồng/kg so thời điểm đầu vụ (trong đó, giống lúa Đài Thơm 8 và RVT giá bán giảm nhiều nhất với 600 đồng/kg). Nguyên nhân do ít người mua, trong khi chi phí vận chuyển tăng cao, nhất là chi phí ghe vận chuyển từ ruộng đến chốt kiểm soát giáp ranh và phí bốc vác sang ghe tại chốt kiểm soát. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, giá lúa có xu hướng tiếp tục giảm.
Anh Dương Văn Ngay, ngụ ấp Trung Hưng I A, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho hay: Do quen biết thương lái nên anh không nhận tiền đặt cọc. Đến khoảng 15 ngày trước khi cắt, anh Ngay mới gọi điện thông báo cho lái mua. Lúc đầu họ còn hứa hẹn nhưng sau đó thì gọi toàn là “thuê bao”. Lúc này, anh Ngay mới tá hỏa vì giá lúa chỉ còn 5.000 đồng/kg, nhưng thực tế chưa có ai đến hỏi mua.
Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu cho biết: Một phần nguyên nhân thương lái chấp nhận bỏ cọc là chi phí đi lại tốn kém, thông qua chốt gặp nhiều khó khăn, mỗi địa phương mỗi quy định khác nhau… Vụ hè thu này, sản lượng lúa của tỉnh Bạc Liêu ước đạt trên 346 nghìn tấn nhưng có đến trên 60% sản lượng lúa cần được hỗ trợ tiêu thụ của các doanh nghiệp, thương lái ngoài tỉnh.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp các huyện trong tỉnh nắm bắt tình hình nhân công, phương tiện vận chuyển thu hoạch. Nếu địa phương nào không có nhân công hay phương tiện vận chuyển thì phải xác định ngay địa điểm, sản lượng vận chuyển cụ thể để Sở NN-PTNT phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu và BCH Quân Khu 9 kịp thời điều động, hỗ trợ vận chuyển lúa cho bà con nông dân.
Máy gặt lúa khó đi liên tỉnh
Tỉnh Sóc Trăng hiện đang chính vụ thu hoạch lúa hè thu 2021. Do dự liệu trước khả năng thu hoạch lúa sẽ bị động về máy gặt và khâu tiêu thụ lúa cho nông dân nên từ ngày 19/7, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã có công văn gửi Sở NN-PTNT TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Sóc Trăng đề nghị các tỉnh bạn hỗ trợ, tạo điều kiện đưa các tổ máy gặt đập và các doanh nghiệp (DN), thương lái về địa bàn Sóc Trăng gặt lúa và tiêu thụ. Trong đó, TP Cần Thơ là nơi tập trung hơn 40 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, một số tổ máy gặt đập tỉnh Hậu Giang giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng hiện đã đưa máy về gặt lúa. Trong tình hình lúa thu hoạch rộ, tỉnh tổ chức thu hoạch theo cách “cuốn chiếu” trên từng cánh đồng lớn để giảm áp lực thiếu máy gặt.
Tại Sóc Trăng, Thị xã Ngã Năm hiện đang thu hoạch rộ lúa hè thu, đã gặt trên 60% diện tích, huyện Mỹ Tú đạt trên 40%, huyện Thạnh Trị và huyện Châu Thành mỗi huyện có trên 30% diện tích. Các tổ máy gặt đập thời gian tới sẽ di chuyển tiếp đến các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và Kế Sách.
Mặc dù bị động về máy gặt do các địa phương lân cận thực hiện giãn cách xã hội, khó đưa máy về đồng xa, nhưng giá công gặt hiện vẫn giữ mức ổn định 260.000 - 280.000 đồng/công. Tuy nhiên, thương lái và DN dù có về thu mua nhưng vẫn chưa nhiều. Do đó giá lúa tiêu thụ đang ở mức thấp.
Từ sau ngày 19/7, giá lúa tại một số địa phương trong tỉnh giảm tùy theo từng loại giống lúa. Nhất là tùy vào thời điểm có thương lái, nếu thương lái đến được địa bàn thu mua thì giá lúa mới khá hơn. Hiện lúa tươi bán tại ruộng có mức dao động bình quân 5.200 - 5.500 đồng/kg, giống lúa chất lượng cao khoảng 5.800 đồng/kg, giảm bình quân so trước khi vào vụ thu hoạch từ 300 - 500 đồng/kg.
Vụ lúa hè thu 2021, Sóc Trăng có trên 141.000ha, đến nay diện tích lúa đã thu hoạch khoảng 25%. Vì vậy, rất cần thiết các tỉnh thành lân cận tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi đưa máy gặt đập cùng với doanh nghiệp và thương lái về tỉnh Sóc Trăng thu mua lúa trong thời gian tới.
Trái cây vẫn tắc tiêu thụ
Anh Lâm Hoàng Anh, nông dân trồng cam tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, Hậu Giang cho biết, hiện vườn cam của gia đình đang tới đợt thu hoạch, sản lượng còn tại vườn khoảng hơn 10 tấn nhưng rất khó tiêu thụ. Hiện giá cam mật tại vườn thương lái chỉ trả 8.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với bình thường.
Theo anh Hoàng Anh, do nhà ở trong ấp, cách Quốc lộ 61 khoảng 1km nên việc vận chuyển gặp khó khăn, thương lái cũng không muốn vào mua nên trả giá thấp. Nếu tự thu hoạch, vận chuyển bằng xe máy ra tới quốc lộ, xe luồng xanh chở nông sản đi lại được, thì giá thương lái mua 10.000 đồng/kg.
Để giảm bớt thiệt hại, thời gian qua anh Hoàng Anh đã sử dụng mạng xã hội để đăng bán cam nhưng mức độ tiêu thụ cũng không nhiều. Theo đó, anh Hoàng Anh sử dụng dịch vụ Viettel post để gửi hàng cho khách. Tuy nhiên, giờ cũng không gửi được nữa do nhân viên của dịch vụ này bị dịch bệnh, hàng bị tồn đọng.
Còn ông Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho hay, thị trường giao hàng của HTX chủ yếu tại TP. HCM nhưng bắt đầu từ 0h ngày 23/8, các xe không vào được nội thành, kể cả xe luồng xanh. Vì vậy, HTX tạm nghỉ một vài ngày để chờ chỉ thị mới.
“Hôm nay (23/8), HTX đã bắt đầu nghỉ giao hàng ở TP.HCM. Hồi khuya, các xe quay đầu hết, kể cả xe luồng xanh cũng không vào được TP.HCM. Bây giờ hàng hoá của HTX, nhất là trái khóm chỉ giao được thị trường Bình Dương, Bến Tre và tiêu thụ nội địa trong tỉnh”, ông Khải cho biết.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang cho biết, hiện nay hầu hết các địa phương đều tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua nông sản, số lượng thương lái đi thu mua có tăng lên, tuy nhiên sản lượng đi mua vẫn thấp do thương lái đi test Covid-19 nhưng không có thiết bị testm hoặc phải chờ rất lâu.
Đi lại phải tuân thủ “quy định địa phương”
Vấn đề lưu thông qua các trạm liên tỉnh, rồi vào địa bàn mỗi địa phương quản lý một kiểu tại ĐBSCL vẫn chưa được khắc phục. Tại Vĩnh Long, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Công ty Bánh kẹo Sơn Hải (Song Phú, Tam Bình, Vĩnh Long) thông tin: “Mấy ngày nay, trong tỉnh thì vùng xanh là khó đến nhất. Kế đến vùng đỏ không có vô giao hàng được. Bây giờ, ai tới công ty mua thì bán".
Ông Hồ Minh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Nông nghiệp Việt (tại tỉnh Trà Vinh) chuyên cung cấp các loại vật tư nông nghiệp, chủ yếu là phân bón cho các khách hàng tại ĐBSCL cho biết thêm: "Để lưu thông qua các tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu, TP Cần Thơ, tài xế chuẩn bị các giấy tờ như giấy đi đường, giấy xét nghiệm hoặc test nhanh, thực hiện 5K… Tuy nhiên, vùng xanh đã khó vào, vùng đỏ càng khó. Nói chung đến địa phương nào thì tuân thủ theo quy định của địa phương đó”.
Để lưu thông trên TP Cần Thơ, người đi đường phải có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cấp giấy cho các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TP Cần Thơ. Tỉnh Tiền Giang cấp hai loại giấy công tác hai màu cho cán bộ, người lao động tham giam chống dịch….