| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/12/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 17/12/2015

Lại nóng chuyện quà Tết

Còn hai tháng nữa mới đến Tết âm lịch. Nhưng chuyện quà Tết đã “nóng” ngay từ bây giờ.

Ngày 15/12/2015, trao đổi với báo chí, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, cho biết: Cục đã công khai 3 số điện thoại của đường dây nóng, để tiếp nhận những tố cáo của người dân về tham nhũng, trong đó có việc tặng quà Tết trái quy định.

Ngoài ra, Cục cũng sẽ có văn bản gửi các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, các địa phương trên cả nước để nhắc nhở việc thực hiện đúng các quy định về việc tặng quà Tết. Cũng theo ông Cục trưởng thì các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng sẽ phải theo dõi, nắm bắt tình hình và có báo cáo về cục.

Thật là “chuẩn” hết chỗ nói, chu đáo hết chỗ nói. Còn việc có ngăn chặn được việc tặng quà Tết trái quy định hay không, lại là chuyện khác.

Dùng tiền ngân sách làm quà biếu Tết hay mua sắm quà biếu Tết là trái quy định. Nhưng xin hỏi: Nếu một ông chủ tịch huyện lấy tiền ngân sách đem biếu cấp trên nhân dịp Tết, thì phòng kế toán của UBND huyện có dám hạch toán vào mục chi ngân sách là “quà biếu” hay không? Câu trả lời là có trời bảo họ cũng không dám ghi như thế. Họ phải nghĩ ra một mục chi nào đó đúng với Luật Ngân sách, để hợp lý hóa số tiền đó.

Đến bà hiệu trưởng một trường phổ thông THCS ở Vĩnh Phúc, khi mang 10 triệu đồng lên chúc mừng một ông tân chủ tịch UBND huyện khi ông mới nhận chức, còn biết hạch toán số tiền đó vào mục “xây dựng cơ bản”, cụ thể là sửa chữa một đoạn tường bao quanh trường, dù nó chẳng hề đổ hay hư hỏng gì cả, nữa là.

Thứ hai, dù biết mười mươi số tiền mà lãnh đạo mang biếu cấp trên nhân dịp Tết là tiền ngân sách, tức là “của dân nhưng phúc ta”, chứ chẳng đời nào ông lại bỏ tiền túi của mình ra cả, thì liệu có cán bộ, công chức nào trong cơ quan dám tố cáo không? Chắc chắn không, vì tố cáo để rồi sau đó về “đuổi gà cho vợ” à? Cán bộ, công chức đã không dám tố cáo, thì người dân sao biết được mà tố cáo?

Thứ ba, việc đưa tiền biếu cấp trên nhân dịp Tết thường diễn ra vô cùng kín đáo, không một ai có thể biết được: Hoặc ở phòng làm việc của cấp trên, hoặc cử một nhân viên mang đến chỗ làm việc của vợ cấp trên để đưa. Rồi đến ngày Tết, lãnh đạo cấp dưới có lên chúc Tết lãnh đạo cấp trên, thì chỉ đi tay không.

Thật là trong sạch nhé, liêm khiết nhé. Thế nên mới có một năm, sau Tết Nguyên đán, kẻ trộm đột nhập phòng làm việc của vợ một sếp lớn ở một tỉnh, khoắng cả trăm cái phong bì mà vợ sếp không kịp mang về, mang ra bờ sông bóc lấy tiền, bỏ lại cả đống phong bì trắng xóa .

Cơ quan công an đã thu lại đống phong bì đó, thấy toàn là tên của các cơ quan và cá nhân cấp dưới. Nhưng vì vợ của sếp lớn kia không có đơn trình báo mất trộm (vì lý do gì, chắc ai cũng hiểu) nên vụ trộm bị chìm vào quên lãng.

Thế nên dù có công khai số điện thoại của đường dây nóng, dù có văn bản nhắc nhở, thì cũng chỉ là một biện pháp tuyên truyền hơn là có tác dụng thực, khi mà Tết đã trở thành “mùa thu hoạch” của những người có chức, có quyền rồi.