Phương tiện gây tai nạn nhiều nhất là ô tô và xe máy. Mỗi ngày, có hàng chục vụ tai nạn do hai loại phương tiện đó gây ra được báo chí phản ánh. Đặc biệt, những vụ ô tô “điên” gây tai nạn liên hoàn khiến nhiều người thương vong, xảy ra liên tiếp. Trước tình hình đó, một câu hỏi đã được đặt ra là: Các lái xe của ta được đào tạo như thế nào?
Một số nhà báo đã thâm nhập vào những cơ sở đào tạo lái xe ô tô đó, và đã thấy một sự thật kinh hoàng. Bắc Ninh, một địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng mỗi năm, tỉnh này đã dạy, sát hạch và cấp bằng cho trên 40.000 lái xe đủ các hạng, tại 6 trung tâm đào tạo, tức là mỗi quý, tỉnh này cấp ra trên 10.000 bằng lái. Với số lượng đào tạo khổng lồ như vậy, cần phải có hàng ngàn giáo viên. Nhưng thực tế, mỗi cơ sở đào tạo lái xe của tỉnh này chỉ có vỏn vẹn... 10 giáo viên cơ hữu.
Việc đào tạo hoàn toàn trông vào đội ngũ dạy lái tự do, gọi là những cộng tác viên. Những ông “thày” này làm tất cả các việc, từ A đến Z, tức là từ chiêu sinh, giấy tờ, hồ sơ thủ tục, giáo án, phương pháp giảng dạy... Các trường không có trách nhiệm giảng dạy, không hề bận tâm. Nói như một giáo viên tự do, thì “các trường chỉ làm bình phong thôi, chứ làm gì có người học. Học viên đều do các thày tự do kéo về. Nhà trường sẽ hợp lí hóa hồ sơ và tổ chức các kỳ thi, cứ đến hẹn lại thi, chỉ cần dạy 4 buổi là vào thi được. Thi không được thì đã có cách... chống trượt. Tất nhiên, là chống trượt bằng tiền”.
Để tăng thêm sự giản tiện để thuyết phục nhằm thu hút người học, những ông thày tự do này còn hướng dẫn người học chỉ cần gửi ảnh chân dung và ảnh chứng minh thư qua điện thoại. Thế là xong. Mọi thứ hồ sơ đã có thày hoàn chỉnh, kể cả giấy khám sức khỏe cũng đã được kí khống rồi, người học không cần phải đến bệnh viện khám. Bắc Ninh đã thế, còn các tỉnh thành khác, tình hình chắc cũng tương tự.
Lái xe là nghề nguy hiểm. Bởi mỗi khi cầm vô lăng, là người lái xe không chỉ cầm tính mạng mình trong tay, mà còn cầm cả tính mạng của rất nhiều người tham gia giao thông khác. Chính vì vậy, mà công tác đào tạo lái xe phải được tiến hành hết sức cẩn thận, bài bản, giáo trình giáo án phải được soạn thảo rất nghiêm túc, công phu. Học viên cần có sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, mới có thể đảm đương được công việc, cần có thời gian đào tạo đủ dài, cần được trang bị những kĩ năng ứng xử rất thành thạo trong mọi tình huống, bởi vì “tai nạn đối với người lái xe, bao giờ cũng là tai nạn đầu tiên, đồng thời cũng là tai nạn cuối cùng”. Đào tạo như thế, thảo nào tai nạn nhiều đến thế.