| Hotline: 0983.970.780

Lạm dụng thuốc trừ cỏ 'đầu độc' ruộng đồng

Thứ Sáu 11/01/2019 , 13:30 (GMT+7)

Những cánh đồng chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới, khi gốc rạ, cỏ đang xanh tươi bỗng bị “cháy” khô chỉ sau “một nốt nhạc”; trâu bò lỡ xổng chuồng, ra đồng ăn cỏ là ỉa chảy. Ước tính mỗi năm nông dân tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mua thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để "đầu độc" ruộng đồng…

Nói đến Yên Định, người ta nghĩ ngay tới một vùng sản xuất rau màu trù phú của tỉnh Thanh Hóa. Đã có nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn xuất hiện tại vùng đất này. Tuy nhiên, cũng tại đây, việc sử dụng các loại thuốc BVTV một cách tùy tiện, bất chấp khuyến cáo của nhà sản xuất khiến ruộng đồng, con người phải hứng chịu những hệ lụy lâu dài.

Thực tế này còn diễn ra tại một số huyện khác của tỉnh Thanh Hóa dù tính chất, mức độ thấp hơn.

10-05-15_1
Cánh đồng lúa bị đầu độc bằng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat

Cánh đồng lúa xã Định Hưng (Yên Định) những ngày cuối năm 2018. Nhiều thửa ruộng bỗng “cháy trắng” cỏ, gốc rạ. Lọ, vỏ thuốc BVTV vất bừa bãi trên khắp những con đường nhỏ dẫn ra ruộng; nổi lềnh bềnh, dồn về cuối các con kênh. Nhiều nông dân dọn ruộng chuẩn bị vụ mới còn vất lên bờ cả những chai lọ, vỏ thuốc BVTV đã nằm dưới lòng đất bấy lâu. Những vại cỏ ven đường cũng “cháy” khô. Thi thoảng lại xuất hiện những thửa ruộng đan xen còn màu xanh của cỏ. Nhiều hộ đã xuống giống mạ chuẩn bị cấy lúa vụ chiêm xuân.

Với nhiều nông dân, chuyện ấy chẳng có gì lạ bởi năm nào cũng như năm nào, họ đều sử dụng các loại thuốc trừ cỏ với tên thường gọi “cỏ cháy” hoặc “cỏ già”. Loại thuốc trừ cỏ này thông thường có chứa hoạt chất Paraquat, một hoạt chất được nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng đối với đất khai hoang, đất không trồng trọt; thường có thời gian cách ly không xác định; có nguy cơ gây hại cho đất và con người rất lâu dài.

Chúng tôi gặp bà Phạm Thị Đường, trú tại thôn Lý Yên, xã Định Tường (Yên Định) đang gieo mạ để chuẩn bị cấy vụ chiêm xuân 2018-2019. Toàn bộ diện tích 4 sào ruộng lúa cánh đồng Quán bà thuê lại của một hộ dân tại thôn Vệ 1, xã Định Hưng để sản xuất. Tất cả đều được bà phun bằng thuốc “cỏ cháy”. Buổi sáng bơm thuốc, buổi chiều toàn bộ gốc rạ, tất tần tật các loại cỏ đều “chết cháy”. Theo bà Đường, không chỉ gia đình bà mà rất nhiều hộ dân tại Định Hưng đều sử dụng phương pháp này để đỡ tốn công làm cỏ.

“Thuốc này chúng tôi chỉ quen gọi là thuốc cỏ cháy nhanh và cháy chậm chứ không nhớ tên gì. Hầu hết các cửa hàng BVTV trên địa bàn đều có bán loại thuốc này. Làm như thế này vừa nhanh lại vừa đỡ tốn công, không ảnh hưởng gì đến năng suất lúa cả. Chính quyền địa phương cũng không khuyến cáo gì nên chúng tôi thấy phương án nào thuận lợi thì làm thôi” – bà Đường cho biết.

10-05-15_3
Nông dân xứ Thanh chưa bỏ được thói quen lạm dụng thuốc BVTV

Bà Trương Thị Thoa, thôn 2, xã Định Hưng đang lấy nước vào ruộng mạ cũng khẳng định, gia đình bà vừa phun thuốc diệt cỏ cháy nhanh và cháy chậm lên toàn bộ cánh đồng nên cỏ mới chết nhanh như vậy. Theo lời bà Thoa thì cả làng, cả xã sử dụng loại thuốc trừ cỏ này chứ không riêng gì gia đình bà. Bản thân bà cũng không biết loại thuốc này độc hại thế nào, chỉ biết rằng, hễ trâu bò thả ra đồng, ăn phải cỏ đã phun thuốc thì về nhà bị đau bụng, ỉa phân non mấy ngày liền.

“Chúng tôi mua ở Hợp tác xã Nông nghiệp Định Hưng, họ cũng không khuyến cáo gì, chỉ hướng dẫn về phun cho chết cỏ nên hầu như mùa nào gia đình tôi cũng phun. Nếu độc hại lâu dài, ảnh hưởng đến đất đai thì HTX phải khuyến cáo khi bán thuốc, thậm chí thông tin trên loa truyền thanh để bà con biết chứ? Lâu nay, trâu bò có ai dám thả ra đồng ăn cỏ đâu. Trâu bò nhà tôi mấy hôm trước xổng chuồng ra đồng có một lát mà đau bụng đi ỉa phân non mấy ngày” – bà Thoa cho biết.

Theo một số người dân xã Định Hưng, không chỉ phun trên ruộng lúa, nhiều nông dân còn phun cả trên ruộng màu trước khi vào vụ sản xuất. Chị Minh, một người dân thôn Diên Hy 1 có nhà ở gần cánh đồng màu khẳng định, những cánh đồng ớt xanh tốt kia, trước khi được trồng ớt đều được bà con phun thuốc “cỏ cháy”. Ngay cả thửa đất màu vừa thuê được sát nhà, chị Minh cũng đã phun thuốc “cỏ cháy” và dự định phun tiếp 1 lần nữa trước khi trồng dây khoai lang và các loại rau để sử dụng.

“Phun lần 1 nhưng cỏ chưa chết hết. Ít bữa nữa tôi lại thuê người phun tiếp để diệt cỏ, trồng rau ăn. Tôi cũng chẳng biết thuốc gì và độ độc hại của nó thế nào, chỉ nghe nói là “cỏ cháy” thôi” – chị Minh phân trần.

Theo chỉ dẫn của chị Minh, chúng tôi đi ra phía sau thửa đất và tìm thấy 3 lọ thuốc. Trên nhãn ba lọ thuốc có ghi các thông tin: Thuốc trừ cỏ NIMAXON 20SL; thành phần có hoạt chất Paraquatdichloride 276g/l, là thuốc trừ cỏ tiếp xúc không chọn lọc, được đăng ký để trừ cỏ trên đất không trồng trọt, thời gian cách ly không xác định…

Đi qua các cánh đồng của xã Định Tăng, Yên Ninh… cũng xuất hiện nhiều cánh đồng bỗng dưng “chết cháy”. Tình trạng này cũng xuất hiện tại những cánh đồng màu của huyện Hoằng Hóa, những ruộng lúa của các huyện Như Thanh, Triệu Sơn, Đông Sơn...

10-05-15_4
Thuốc trừ cỏ có hoạt chất Paraquat được sử dụng vô tội vạ

Tuy nhiên, ở những địa phương này, mức độ “cháy” ít hơn và thường “cháy” theo một cách có chủ đích. Tức là, chúng chỉ cháy khu biệt theo lề, lối. Hai thửa ruộng sát nhau nhưng chỉ khoảng một nửa bờ cỏ của một thửa bị “cháy”. Thi thoảng có những thửa ruộng, cỏ “cháy” xuống cả mép ruộng. Cũng gặp không ít thửa ruộng, bèo dại chết trắng xóa nổi lềnh bềnh trên mặt nước nhưng những thửa cạnh bên vẫn xanh tốt.

Ông Lê Văn Vương, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Thanh Hóa không tin người dân đã sử dụng thuốc có hoạt chất Paraquat để phun trên ruộng lúa, màu. “Có chăng họ chỉ dùng để phun bờ vùng, bờ thửa để trừ cỏ dại chứ chắc không phun lên ruộng đâu. Nhưng phun trên bờ vùng, bờ thửa với hoạt chất Paraquat là cũng không hợp lý; nhiều thiên địch có lợi, nhiều loại côn trùng sẽ chết, ruộng sẽ hỏng mất. Thuốc nào có hoạt chất Paraquat thì chỉ được khuyến cáo dùng trong khai hoang, vỡ hóa thôi. Ngay cả phun bờ vùng, bờ thửa, phun lề đường thì cũng phải có chỉ đạo cho phép. Thực tế là không nên dùng trong trồng trọt vì sẽ phá đất và cũng sẽ vi phạm 4 đúng là đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng phương pháp” – ông Vương cho biết.

Ngày 8/2/2017, Bộ NN-PTNT ra Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm sau khi quyết định trên ra đời. Toàn bộ các thủ tục đưa vào danh mục đối với các hồ sơ đăng ký thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat cũng ngừng kể từ ngày ra quyết định.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.