| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để ngành tôm tăng sức cạnh tranh? [Bài 2]: Tỷ lệ nuôi thành công thua xa Ecuador, Ấn Độ

Thứ Tư 24/05/2023 , 13:10 (GMT+7)

ĐBSCL Tối ưu hóa sử dụng đất đai, quy hoạch lại vùng nuôi, xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản... là những vấn đề cấp thiết cho ngành tôm ĐBSCL.

Thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu còn bỏ ngỏ

Tại tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá, từ khi Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" ra đời, đã mang lại luồng sinh khí mới, tạo sự quan tâm sâu rộng cũng như tạo tiếng nói chung cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Bạc Liêu chú trọng phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia. Ảnh: Kim Anh.

Bạc Liêu chú trọng phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia. Ảnh: Kim Anh.

Trên cơ sở đó, tỉnh Bạc Liêu xác định, trọng tâm ngành nông nghiệp của tỉnh là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng, 3 vùng sinh thái (mặn, lợ, ngọt) rất thuận lợi cho tỉnh phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản, với diện tích trên 140.000 ha, trong đó có nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.

Tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Định hướng nơi đây sẽ trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm và là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Bài liên quan

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, diện tích nuôi tôm của tỉnh đạt 147.900 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh là 35.900 ha. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và trở thành một trong những địa phương có doanh thu từ con tôm cao nhất cả nước.

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường, hướng đến tạo thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu.

Thế nhưng, theo ông Cận, môi trường nước hiện có nguy cơ ô nhiễm cao, do việc xả thải trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nguồn nước bị nhiễm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ việc sản xuất nông nghiệp vùng ngọt và ảnh hưởng của việc xả thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng nhiều.

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung, trong nuôi tôm nói riêng, nhất là trang bị đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo theo quy định trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn yếu, thiếu, hệ thống thủy lợi gồm kênh cấp và kênh thoát không thể tách riêng.

Việc quy hoạch kênh cấp, thoát nước là cần thiết và phải từng bước thực hiện. Bởi thực tế việc tổ chức sản xuất ở vùng ĐBSCL hiện chỉ ở mức độ nông hộ. Để hình thành vùng nuôi tập trung quy mô lớn cần thiết phải có quy hoạch rõ ràng của địa phương và đi kèm đầu tư về hạ tầng. Từ đó, mới có thể cải thiện được vấn đề về môi trường, dịch bệnh, và cốt yếu là chất lượng con giống.

Tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư cùng với địa phương xây dựng thương hiệu 'tôm sạch Bạc Liêu'. Ảnh: Văn Vũ.

Tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư cùng với địa phương xây dựng thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”. Ảnh: Văn Vũ.

Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp dù đã được triển khai nhưng vẫn còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhất là quy mô sản xuất chủ yếu là kinh tế hộ, còn manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng chưa đủ lớn và tập trung.

Trong công tác quản lý ngành công nghiệp phụ trợ về giống, thức ăn, thức ăn bổ sung, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, sản phẩm xử lý môi trường,… tỉnh Bạc Liêu cũng đang gặp khó khi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng thường xuyên xảy ra, gây nguy hại cho người tiêu dùng và thiệt hại đối với sản xuất của người nuôi.

Chính những yếu tố trên khiến tỉnh Bạc Liêu đến nay vẫn chưa xây dựng và phát triển được thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu. Hiện nay, sản lượng chế biến của tỉnh Bạc Liêu đạt khoảng 80.000 tấn/năm, chiếm 30% sản lượng tôm toàn tỉnh. Để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực chế biến, tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư cùng với địa phương xây dựng thương hiệu tôm sạch Bạc Liêu.

Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất chưa cao

TS. Trần Hữu Lộc, chuyên gia Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đánh giá, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế, khi xây dựng được chuỗi cung ứng tốt, vì thế nông dân rất thuận lợi trong việc xây dựng ao nuôi tôm.

Nhưng vấn đề ông Lộc đặt ra là làm sao sử dụng đất hiệu quả, đối với quốc gia Ecuador, tỷ lệ sử dụng đất cho nuôi tôm đến trên 90%, trong khi đó tại Việt Nam, những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghiệp, tỷ lệ diện tích sử dụng mặt nước chỉ khoảng 20%.

“Ở Ecuador, muốn mở một trang trại nuôi tôm, diện tích tối thiểu là 50 ha mới được cấp giấy phép, các nhà máy thức ăn thủy sản cũng liên kết chặt chẽ với trang trại vì trang trại lớn có sức mạnh để đàm phán. Nhờ hợp nhất được chuỗi sản phẩm, ngành tôm Ecuador giảm được các chi phí trung gian, đồng thời, hiệu quả sử dụng nước và năng lượng của họ cũng rất cao”, ông Lộc chỉ ra lợi ích của việc xây dựng vùng nuôi tập trung lớn tại Ecuador.

TS. Trần Hữu Lộc, chuyên gia Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đánh giá, việc sử dụng đất hiệu quả, sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành và tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm. Ảnh: Kim Anh.

TS. Trần Hữu Lộc, chuyên gia Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đánh giá, việc sử dụng đất hiệu quả, sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành và tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, các chi phí cố định của Ecuador thấp hơn so với Việt Nam nhờ thiết kế và hạ tầng nuôi đơn giản. Trong khi đó tại Việt Nam, bà con nông dân chủ yếu tính toán chi phí sản xuất dựa trên chi phí đầu tư trực tiếp như: Con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, nhân công lao động, điện, nước… nhưng lại quên đi chi phí cố định thông qua khấu hao trang thiết bị, máy móc, ao nuôi…

"Mật độ nuôi tôm cao, quá trình tự làm sạch của môi trường không diễn ra, tất cả chất thải trong nuôi tôm phải thải ra, dẫn đến ban đầu nuôi rất tốt, nhưng sau một thời gian các chất thải tích tụ dẫn đến tỷ lệ nuôi  thành công không còn nhiều”, ông Lộc phân tích.

Để có thể sản xuất tôm với giá thành rẻ hơn, đủ sức cạnh tranh, ông Lộc cho rằng bà con nông dân cần thiết kế trang trại nuôi đơn giản hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng, mật độ thả nuôi thấp và thực hiện tốt các chương trình quản lý rủi ro về dịch bệnh sẽ tăng khả năng mở rộng sản xuất.

Mô hình sử dụng đất hiệu quả trong nuôi tôm được ông Lộc điển hình trên quy mô 10 ha, nông dân có thể bố trí 4-5ha diện tích hữu dụng để nuôi tôm với mật độ thấp. Khoảng 20% diện tích còn lại xây dựng hệ thống xử lý nước, bởi khi nuôi tôm với mật độ thấp sẽ giảm được mức độ thay nước hàng ngày, kéo theo giảm chi phí.

Để sản xuất tôm với giá thành rẻ hơn, chuyên gia cho rằng bà con nông dân cần thiết kế trang trại nuôi đơn giản để tăng khả năng mở rộng sản xuất. Ảnh: Văn Vũ.

Để sản xuất tôm với giá thành rẻ hơn, chuyên gia cho rằng bà con nông dân cần thiết kế trang trại nuôi đơn giản để tăng khả năng mở rộng sản xuất. Ảnh: Văn Vũ.

Một phần diện tích sẽ được tận dụng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, theo phương án sử dụng hệ thống những ao liên hoàn với nhau, nuôi cá rô phi đen, cá đối… để biến chất thải thành sinh khối, vừa bán được, vừa giải quyết được vấn đề môi trường. Nhất là tôm nuôi dễ dàng đạt được các chứng nhận quốc tế.

Ông Lộc đưa ra lời khuyên, bà con nông dân cần tính đến phương án sử dụng đất để trồng rừng ngập mặn, tạo vùng đệm an toàn trong nuôi tôm. Nếu xây dựng được các trang trại nuôi theo hướng không còn chất thải, sẽ giảm được nhiều xung đột lợi ích giữa người nuôi tôm xung quanh. Ngoài ra, có rừng ngập mặn, sẽ là nơi ương dưỡng các loài thủy sản tự nhiên, giảm được nguy cơ dịch bệnh, giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh cho con tôm.

TS. Trần Hữu Lộc, đánh giá chất lượng nguồn gen của con tôm Việt hiện đang rất tốt, sức tăng trưởng của con tôm gần như vượt mong đợi. Vấn đề còn lại là khâu quản lý dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để kiểm tra độ sạch bệnh của con tôm, góp phần tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm.

Hiện Ecuador có tỷ lệ nuôi tôm thành công đạt tới 90%, Ấn Độ cũng đạt từ 60 - 70%, trong khi đó tại Việt Nam tỷ lệ này chỉ mới đạt khoảng 40%.

Các chuyên gia cho rằng, chất lượng con giống là yếu tố quyết định trên 60% tỷ lệ nuôi tôm thành công. Vì thế, vấn đề đặt ra cho ngành tôm Việt Nam là làm sao có được con giống kháng bệnh, chứ không đơn thuần là sạch bệnh.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.