| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để ngành tôm tăng sức cạnh tranh? [Bài 1]: Chất lượng con giống vẫn là dấu hỏi lớn

Thứ Ba 23/05/2023 , 13:29 (GMT+7)

ĐBSCL Ngoài yếu tố về thời tiết, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, chất lượng con giống đang là dấu hỏi lớn cho ngành tôm Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

LTS: Vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Đây là khu vực tập trung nhiều vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến, ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre...

Tuy nhiên hiện nay, trong vùng vẫn chưa có nhiều vùng nuôi tôm tập trung, chưa có cảng biển đón tàu container cũng như hệ thống cung ứng, phân phối vật tư, nguyên liệu phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh. Loạt bài “Làm gì để ngành tôm tăng sức cạnh tranh?” ghi nhận thực tế tình hình sản xuất của nông dân trong vụ tôm 2023, đồng thời đưa ra những giải pháp từ các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, để giải quyết những trở ngại trên.

Tỷ lệ thành công trong nuôi tôm đạt thấp

Là một trong những địa phương đóng góp lớn vào tỷ trọng xuất khẩu tôm của cả nước, năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu giữ vững kim ngạch xuất khẩu tôm khoảng 1 tỷ USD, tương đương với năm 2022.

Thời tiết bất lợi, khiến nông dân vùng ĐBSCL lo ngại xuống giống vụ tôm năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Thời tiết bất lợi, khiến nông dân vùng ĐBSCL lo ngại xuống giống vụ tôm năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Có mặt ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng trong những ngày đầu mùa hè, do địa phương giáp biển, nên thời tiết nơi đây nắng nóng khá gay gắt. Cù Lao Dung là một trong những khu vực nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với một số hộ nuôi tôm của HTX thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3. Nghe bà con than rằng chỉ vào đầu vụ tôm, nhiệt độ giữa ngày và đêm đã có sự chênh lệch lớn, ngày thì nắng nóng, ban đêm và sáng sớm lại lạnh, lo ngại dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi.

Đến với huyện Trần Đề, chúng tôi được anh Nguyễn Quốc Huy ở xã Liêu Tú cho biết, vụ tôm đầu năm 2023, anh thả trên 1 triệu con giống trong 3 ao nuôi. Anh Huy tính toán, trung bình với số lượng thả nuôi trên, chi phí đầu tư con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, chi phí xử lý ao, điện nước, nhân công đã lên tới con số tiền tỷ, tuy nhiên, dù điều kiện thời tiết thuận lợi, tỷ lệ sống của tôm sau khi thả nuôi cũng chỉ đạt khoảng 70%.

"Đầu vụ tôm năm nay dịch bệnh nhiều, nếu tôm đạt trọng lượng khoảng 40-50 con/kg, diện tích ao nuôi của tôi dự kiến thu hoạch có thể đạt 14 tấn, như vậy mới có lời nhiều. Còn tôm đạt khoảng 100 con/kg xem như huề vốn, thậm chí dịch bệnh mà phát sinh nhiều có thể mất trắng”, anh Huy bộc bạch.

Còn đối với ông Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, là người có thâm niên trong nghề nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm mang lại thu nhập rất tốt cho gia đình ông cũng như bà con trong vùng. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển nghề này lâu dài và bền vững, kinh nghiệm ông đúc kết được đó là phải quản lý tốt yếu tố môi trường nước ao nuôi, điều chỉnh cách thức, cân đối thời gian cho tôm ăn, đặc biệt nhất là lựa chọn con giống đầu vào đảm bảo chất lượng.

Theo thống kê của Cục Thủy sản, chi phí thức ăn chiếm tới 65% giá thành sản xuất trong nuôi tôm, ngoài ra chi phí con giống cũng rất cao do chủ yếu tôm bố mẹ phải nhập khẩu. Chi phí đầu vào cao cộng với tỷ lệ thành công trên tôm nuôi đạt thấp dẫn đến giá thành sản xuất đội lên cao.

Kiên Giang là một trong những địa phương ở khu vực ĐBSCL có thế mạnh phát triển mô hình tôm - lúa với diện tích trên 110.000 ha, chiếm khoảng 79% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Đây là mô hình đặc thù của tỉnh có tính bền vững cao và phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân.

Tuy nhiên, tương tự tỉnh Sóc Trăng, người nuôi tôm ở Kiên Giang cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về điều kiện thời tiết, đặc biệt mô hình tôm - lúa chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường tự nhiên. Đầu vụ tôm năm 2023, nước mặn đến trễ hơn so với cùng kỳ năm trước, cộng thêm nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, khiến nguy cơ bình phát dịch bệnh trên tôm nuôi dễ xảy ra.

Nông dân kiểm tra độ mặn nguồn nước trước khi quyết định thực hiện thả tôm giống. Ảnh: Văn Vũ.

Nông dân kiểm tra độ mặn nguồn nước trước khi quyết định thực hiện thả tôm giống. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết, yếu tố thời tiết và dịch bệnh trên tôm nuôi đã khiến tỷ lệ sống trên tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang chỉ đạt từ 40-50%.

Bên cạnh đó, với diện tích thả nuôi lớn, kéo theo nhu cầu về con giống của Kiên Giang rất lớn, tuy nhiên khả năng sản xuất con giống tại chỗ của tỉnh lại còn hạn chế, không đáp ứng được.

Theo ông Minh, mỗi năm tỉnh Kiên Giang cần đến 8 - 9 tỷ con giống phục vụ sản xuất. Trong khi đó, thực tế chỉ đáp ứng khoảng 450 - 500 triệu con giống, đa phần con giống đều phải nhập ngoài tỉnh, vì thế khâu kiểm soát chất lượng con giống còn gặp nhiều khó khăn.

Một khó khăn nữa cho ngành tôm tỉnh Kiên Giang khi giá vật tư đầu vào về con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… tăng cao trong những năm gần đây, trong khi đó tỷ lệ sống của tôm nuôi đạt thấp, giá tôm thương phẩm không theo kịp, dẫn đến lợi nhuận người nuôi gặp khó. Ông Minh tính toán hiện nay giá thành để sản xuất 1 kilogam tôm (kích cỡ 30 con/kg) ở tỉnh Kiên Giang dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Yếu tố trung gian đẩy chi phí đầu tư con giống tăng 30 - 40%

Ông Lục Thanh Tùng, phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận cho biết, thay vì đến trực tiếp các doanh nghiệp hoặc trang trại sản xuất giống để mua con giống, hiện nay người nuôi tôm đa phần thông qua một đội ngũ trung gian là các đại lý hoặc cộng tác viên. Đội ngũ này thường có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn để thu hút bà con. Chính điều này đã đẩy chi phí đầu tư con giống đội lên từ 30 - 40% so với thực tế. Điển hình tại Công ty Huy Thuận hiện nay số lượng con giống được cung cấp trực tiếp đến hộ nuôi chỉ khoảng 20%, còn lại đều phải thông qua trung gian.

Ông Lục Thanh Tùng, phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận cho biết, người nuôi tôm đa phần thông qua một đội ngũ trung gian là các đại lý hoặc cộng tác viên để mua con giống, đẩy chi phí đầu tư tăng lên 30 - 40% so với thực tế. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lục Thanh Tùng, phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận cho biết, người nuôi tôm đa phần thông qua một đội ngũ trung gian là các đại lý hoặc cộng tác viên để mua con giống, đẩy chi phí đầu tư tăng lên 30 - 40% so với thực tế. Ảnh: Kim Anh.

Rõ nhất, ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê ở huyện Mỹ Xuyên cho biết, một số đại lý mua bán con giống lại thông qua trung gian khác, vận chuyển con giống đến tận ao nuôi cho người dân kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Thậm chí hiện nay, nhiều đại lý kinh doanh tôm giống áp dụng một số hình thức khuyến mãi hấp dẫn khi mua con giống từ 20%, 30%, mua 1 tặng 1… chất lượng con giống thế nào là vấn đề rất khó kiểm soát, nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng rất cao.

Ông Hồng cho biết, để ổn định chất lượng con giống, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền để bà con nuôi tôm hiểu cách tiếp cận con giống chất lượng, cần thiết phải thực hiện niêm yết công khai giá thức ăn thủy sản tại các đại lý kinh doanh để kiểm soát giá cả.

Khoảng 2 năm trở lại đây, HTX Nông ngư Hòa Đê cũng đã vận động bà con xã viên giảm mật độ nuôi từ 30 con/m2 đến nay còn khoảng 20 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng, để đảm bảo an toàn, giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh.

Để đảm bảo việc xuống giống tôm nuôi có hiệu quả, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng lưu ý bà con nông dân cần lựa chọn các cơ sở cung ứng giống uy tín, chất lượng, có đăng ký rõ ràng. Về lựa chọn con giống cũng phải đảm bảo đồng đều kích cỡ, màu sắc, tăng cường xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh thông thường, đảm bảo việc thả giống hiệu quả.

Riêng đối với mô hình nuôi tôm trong ao đất, bà Bình cho rằng, người nuôi nên liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống để mua được nguồn giống kích cỡ lớn để thả nuôi, hạn chế được thời gian rủi ro. Đặc biệt là thả nuôi với mật độ phù hợp, bình quân từ 30-50 con/m2.

Ngoài ra, để phòng một số bệnh trên tôm, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến khích nông dân tính đến phương án nuôi cá để trữ nước, lấy nguồn nước này tuần hoàn lại để phục vụ việc nuôi tôm hoặc áp dụng một số giải pháp sinh học để đảm bảo sự phát triển đa dạng sinh học, ức chế một số dịch bệnh trên tôm. (còn nữa)

Đối với mô hình tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang, để khắc phục những hạn chế, đặc biệt về thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung xây dựng các công trình thủy lợi, cống điều tiết nguồn nước phù hợp với các vùng nuôi. Đồng thời, thí điểm xây dựng các mô hình ương dưỡng tôm giống khoảng 20 ngày trước khi thả nuôi trên ruộng để góp phần tăng tỷ lệ sống cho tôm nuôi.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm