| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để tránh bẫy bảo hiểm nhân thọ từ câu chuyện của PVcomBank

Thứ Tư 10/11/2021 , 13:00 (GMT+7)

Từ câu chuyện PVcomBank “bán bia kèm lạc” tại chung cư Thụy Vân, người dân cần làm gì khi bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ.

Cơ quan chức năng liên tục “tuýt còi”

Thời gian qua, không ít vụ khách hàng tố bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi vay vốn. Ngay cả khách gửi tiết kiệm cũng được nhân viên chào mời mua bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần “tuýt còi” yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng rà soát lại quy trình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng “đua nhau” ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn, nhằm gia tăng nguồn thu phí bán chéo sản phẩm bảo hiểm, bù đắp cho tín dụng tăng thấp trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.

Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Theo đó, để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên của tổ chức tín dụng tham gia bán bảo hiểm, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.

Trước đó, vào tháng 11/2020, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu như trên trong văn bản 7928 quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm vừa gửi đến các ngân hàng.

Vay tiền mua nhà ở xã hội của ngân hàng PVcomBank, người dân khu chung cư Thụy Vân phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ.  

Vay tiền mua nhà ở xã hội của ngân hàng PVcomBank, người dân khu chung cư Thụy Vân phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ.  

Người dân cần làm gì

Dù các cơ quan chức năng liên tục có những chính sách nhằm chấn chỉnh việc các ngân hàng cho vay tiền theo kiểu mua kèm bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có ngân hàng bất chấp “lách” được các quy định này chỉ cần không có bằng chứng chứng minh rõ ràng việc ngân hàng ép khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ, cùng với đó việc người dân đến vay tiền tiếp xúc và thỏa thuận với nhân viên ngân hàng nên khi có chuyện xảy ra, các ngân hàng này dễ dàng “phủi” trách nhiệm.

Mặt khác, các gói bảo hiểm nhân thọ thường không lớn so với nhu cầu của khoản vay. Do đó, nhiều người đã "tặc lưỡi" mua cho qua chuyện, lợi dụng những sơ hở này mà  ngân hàng PVcomBank đã sử dụng nhiều chiêu trò dồn ép khách hàng vào thế bí như những người ở chung cư Thụy Vân mà báo Nông nghiệp Việt Nam đã nêu.

Thực tế, đã có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh người dân ở chung cư Thụy Vân nhưng do thiếu thông tin, không nhận thức rõ các quy định của pháp luật nên đành "ngậm đắng nuốt cay".

Để đối phó với các chiêu trò của ngân viên ngân hàng “ép” phải mua bảo hiểm nhân thọ khi đến vay tiền hoặc gửi tiết kiệm người dân cần tỉnh táo, xử lý tình huống.

Cần phải biết rằng, tất cả những trường hợp buộc khách hàng phải mua BHNT thì mới được giải ngân đều không được Nhà nước cho phép dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, khi xuất hiện dấu hiệu “ép buộc” mua bảo hiểm nhân thọ thì trong quá trình làm việc với cán bộ ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay hay gửi tiết kiệm, người dân cần  báo cáo ngay sự việc đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và để  ngăn chặn và xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm.

Mặt khác, nếu hồ sơ pháp lý tốt, tài sản đảm bảo phù hợp, thì không nhất thiết phải chọn một ngân hàng chuyên "bán bia kèm lạc" như PVcomBank. Trên thực tế, các ngân hàng có vốn nhà nước sẽ ít khi "ép" khách hàng mua BHNT. 

Trong trường hợp bất khả dĩ, bạn không thể chọn một ngân hàng khác để vay vốn (có thể do hồ sơ pháp lý yếu, giá trị tài sản đảm bảo, khả năng chứng minh thu nhập thấp,..). Khi rơi vào trường hợp bị “ép”, người dân cứ việc chấp thuận việc mua BHNT để việc giải ngân được hoàn tất. Sau khi, nhận được tiền vay vài ngày, người dân có thể yêu cầu ngân hàng hủy hồ sơ tham gia BHNT để nhận lại tiền phí đã nộp. Do theo quy định của pháp luật, tất cả các hợp đồng BHNT đều có quy định 21 ngày cân nhắc, trong khoảng thời gian này, khách hàng có thể hủy hợp đồng, không tham gia bảo hiểm nhân thọ mà không mất bất kỳ chi phí nào trừ trường hợp có chi phí khám sức khỏe.

Việc tham gia BHNT là một quá trình lâu dài nên phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của khách hàng chứ không phải vì lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, người dân cần phải biết tự bảo vệ mình, dám mạnh mẽ đấu tranh với các hành vi sai trái của ngân hàng khi bị ép mua BHNT. Đặc biệt, các ngân hàng hãy nâng cao chất lượng phục vụ, hành xử trong kinh doanh BHNT một cách văn minh thì mới gây được thiện cảm đối với khách hàng từ đó nâng cao chất lượng tín dụng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.