| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu bên kênh thủy lợi [Bài 3]: Nguồn nước mát phát triển ba ba

Thứ Hai 20/11/2023 , 18:05 (GMT+7)

Từ nghề đánh cá trên lòng hồ Dầu Tiếng bấp bênh, sau khi lên bờ, nhiều người dân Tây Ninh tận dụng nguồn nước sạch ở hồ để nuôi ba ba thương phẩm, làm giàu.

Đến với xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) hỏi thăm mô hình nuôi ba ba thương phẩm của ông Phạm Văn Toại, nông dân xuất sắc Việt Nam 2023 ai cũng biết, bởi dù đã ngoài tuổi 60 nhưng ông vẫn không ngừng mày mò nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi ba ba hiệu quả.

Hệ thống trại nuôi ba ba liên hoàn của ông Toại tại xã Phước Minh. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống trại nuôi ba ba liên hoàn của ông Toại tại xã Phước Minh. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Đến thăm trang trại ba ba của ông Toại, chúng tôi choáng ngợp trước cơ ngơi khang trang của lão nông này. Từ con đường hành lang đến các ao nuôi đều được bê tông hóa nối đuôi nhau thẳng tắp, ven bờ thấp thoáng cây xanh tỏa bóng che mát cho đàn vật nuôi. Cầm trên tay con ba ba nặng gần 1kg, ông Toại cho biết, trước đây cuộc sống của ông cũng như bao người dân nơi đây chỉ biết đánh cá trên lòng hồ Dầu Tiếng, cuộc sống cứ bấp bênh như chiếc thuyền lênh đênh trên mặt nước.

Sau khi chính quyền địa phương vận động, ông là một trong những hộ đầu tiên rời hồ Dầu Tiếng lên bờ mưu sinh. Sau khi lên bờ, nhận thấy ba ba dễ nuôi, ít công chăm sóc, ăn tạp, ông Toại không ngần ngại đầu tư vào loài vật nuôi này. Từ 5.000m2 đất đào ao ban đầu, đến nay, ông đã có 1,5ha với 50 hồ nuôi ba ba trong bể xi măng, có thời điểm tổng số lượng ba ba lên đến hơn 100.000 con (cả giống và thịt), trừ chi phí, bình quân mỗi năm ông lãi bạc tỷ.

Ba ba dễ nuôi, ít công chăm sóc, ăn tạp, lãi cao. Ảnh: Trần Trung.

Ba ba dễ nuôi, ít công chăm sóc, ăn tạp, lãi cao. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo ông Toại, đa phần người nuôi ba ba trong ao đất thất bại vì số lượng thất thoát nhiều trong lúc nuôi. Vì vậy, ông xây bể bằng xi măng để tránh ba ba đào hang đi nơi khác. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình nuôi ba ba của ông luôn đạt hiệu quả cao.  

Ông Toại chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi ba ba thất bại hay thành công đều phụ thuộc vào nguồn nước. Tuy nguồn nước lấy từ hồ Dầu Tiếng cơ bản là sạch nhưng không vì thế mà ông chủ quan. Hiện tại, ông sử dụng thành thạo kính hiển vi hiện đại để phân tích mẫu nước mỗi ngày 3 lần. Ngoài ra, bể nuôi ba ba được xây xi măng có cống tràn và cống tháo nước ở đáy bể giúp tạo oxy cũng như cấp và thoát nước mỗi khi cần.

“Ba ba có thời gian nuôi khá lâu, từ lúc nuôi đến lúc xuất bán hơn 14 tháng, tuy nhiên, thịt ba ba giàu dinh dưỡng nên được thị trường ưa chuộng, giá ba ba ổn định trên 300.000 đồng/kg, đảm bảo người nuôi có lợi nhuận, nhiều hay ít tùy thuộc và kỹ thuật chăm sóc của mỗi người nuôi”, ông Toại nói.

Nhiều hộ dân Tây Ninh đã đổi đời từ nuôi ba ba nói riêng, thủy sản nói chung. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều hộ dân Tây Ninh đã đổi đời từ nuôi ba ba nói riêng, thủy sản nói chung. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự tại xã Tân Hòa, huyện Tân Châu (Tây Ninh) hiện đã có hơn 200 hộ xây hồ, xây bể nuôi ba ba. Nhờ nuôi ba ba, nhiều hộ dân nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Các hợp tác xã, tổ liên kết nuôi ba ba ở đây lần lượt ra đời và hoạt động có hiệu quả, tiếp tục thu hút được nhiều thành viên tham gia, cùng hỗ trợ nhau phát triển.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển nuôi ba ba thương phẩm, nhất là nguồn nước sạch và nguồn thức ăn dồi dào từ hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt, nuôi ba ba không tốn nhiều đất, với giá cả như hiện tại chỉ cần diện tích 200m2, nuôi đúng mật độ 10 con/m2 (khoảng 2.000 con), trong 24 tháng nuôi người dân sẽ có lãi từ 200đến 250 triệu đồng - rất cao so với thu nhập từ nuôi trồng các loài cây, con khác.

“Từ những mô hình đầu tiên tại xã Phước Minh, đến nay, Tây Ninh đã hình thành được những vùng nuôi ba ba tập trung như xã Tân Hòa, Suối Dây của huyện Tân Châu; xã Phước Ninh, Phước Minh của huyện Dương Minh Châu; xã Hiệp Tân của huyện Hòa Thành.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên xây dựng mô hình nuôi thâm canh ba ba nhằm khuyến khích mở rộng, giúp người dân nuôi có hiệu quả”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.