| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu nhờ bưởi Năm Roi

Thứ Tư 17/03/2010 , 10:51 (GMT+7)

Từ những đặc tính và ưu điểm của bưởi Năm Roi, nhiều nhà vườn ở miền Tây đã ăn nên làm ra và diện tích trồng mỗi năm một tăng lên...

Cù lao Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn - Vĩnh Long từng nổi tiếng là vùng đất trù phú, quê hương của nhiều cây lành trái ngọt như xoài, mít, mận, nhãn, sầu riêng, chôm chôm… gần đây lại có thêm giống bưởi ngon giúp cho nhiều nhà vườn có cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

BƯỞI NĂM ROI TRÊN VÙNG ĐẤT HỨA

Nước ta, mỗi vùng miền đều có những loại trái ngon độc đáo. Riêng về bưởi, nếu như miền Bắc có bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch thì Đồng bằng sông Cửu Long lại có bưởi Năm Roi, một trong những giống bưởi ngon nhất của Việt Nam, có nguồn gốc từ xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành - Hậu Giang. Hiện nay giống này được trồng phổ biến ở nhiều nơi, nổi tiếng nhất là xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh - Vĩnh Long.

Bưởi Năm Roi thường cho năng suất cao, thích nghi được nhiều vùng sinh thái khác nhau. Hai anh em Hồ Văn Hữu và Hồ Văn Triệu quê ở Lục Sĩ Thành, nay là ấp Phú Hưng, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn - Vĩnh Long đã sống với nghề vườn từ hơn 20 năm qua và từng gắn bó với nhiều loài cây ăn trái như mận, chôm chôm, sầu riêng…nhưng đến khi chuyển dịch sang cây bưởi họ mới nhận ra rằng tính bền vững và hiệu quả kinh tế từ cây bưởi cao hơn nhiều so với các loài cây khác.

Nhiều nhà vườn ở Bình Minh cho biết trong những năm gần đây, đa số khách hàng đều ưa chuộng bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Đặc điểm của bưởi Năm Roi là da màu hồng, vỏ mỏng, ruột trắng, ít hạt hoặc không hạt, nhiều nước, vị chua ngọt, thơm, để càng lâu càng ngon (có thể bảo quản được 2 tháng). Còn bưởi da xanh thì lại ruột hồng, không hạt, múi bưởi hơi khô nhưng độ đường rất cao, giá bán rất đắt. Bưởi Năm Roi ngoài ăn tươi còn dùng để chế biến thành nhiều món ngon.

Sau khi tìm hiểu kỹ về giá cả, giống và kỹ thuật chăm sóc, bước sang năm 2000, anh Hữu và anh Triệu đã quyết tâm cải tạo toàn bộ trên ba mươi công vườn để chuyển sang trồng bưởi đặc sản, hầu hết là bưởi Năm Roi và chỉ sau 3 năm là bắt đầu thu hoạch. Một cây bưởi trưởng thành mất khoảng 5 – 6 năm, năng suất bình quân 150 kg/cây/năm và có thể khai thác liên tục từ 15 – 20 năm, tùy theo cách chăm sóc và mật độ trồng thưa hoặc dầy.

Anh Hữu phấn khởi cho biết: So với cam quít, xoài và sầu riêng thì cây bưởi có nhiều ưu điểm hơn. Một là bưởi cho trái quanh năm, sống dai bền, dễ chăm sóc vì ít bị sâu bệnh. Thời gian thu hoạch cũng khá lâu, thị trường tiêu thụ lại rất mạnh. Tại Hợp tác xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh nơi có diện tích trồng bưởi Năm Roi lớn nhất, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm tấn sang các nước châu Âu. Hiện Hợp tác xã đang ký kết với Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn Eurep GAP.

THÀNH CÔNG NHỜ KỸ THUẬT

Nhờ chịu khó mày mò học hỏi và kịp thời nắm bắt những kinh nghiệm và kỹ năng làm vườn, hai anh em Hồ Văn Hữu đã áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất một cách tự tin. Ngoài kỹ thuật chăm sóc cho cây phát triển, anh Hữu còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm xử lý cho cây ra trái nghịch mùa. Theo kinh nghiệm của các anh, muốn cho cây bưởi Năm Roi phát triển tốt, trái sai, lớn đều, da bóng đẹp và chất lượng thơm ngon, người trồng phải chú ý đến việc đào mương, lên liếp, tạo nguồn nước thông thương, nhất là khi trồng không được quá dầy, lý tưởng nhất là 60 cây/công. Bưởi Năm Roi thích hợp với loại đất nhiều mùn, hoặc cát pha, nơi có phù sa lâu năm như ở cù lao Lục Sĩ Thành mà anh đang trồng.

Từ những đặc tính và ưu điểm của bưởi Năm Roi, nhiều nhà vườn ở miền Tây đã ăn nên làm ra và diện tích trồng mỗi năm một tăng lên. Như gia đình anh em Hồ Văn Hữu với trên 2.000 gốc bưởi (30 công), mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí, còn lời trên nửa triệu đồng.

Một trong những bí quyết giúp hai anh em họ Hồ thành công là quá trình chăm sóc từ lúc mới đặt cây cho tới lúc cây ra trái. Theo anh, khi trái bắt đầu phát triển nên tuyển chọn giữ lại những trái đẹp, tròn đều và khi hái trái cần cắt cuống sát cành. Mỗi lần thu hoạch xong đều phải cắt tuyển nhánh cho cây mau ra đọt non và nhận được đầy đủ ánh sáng mặt trời.

Việc xử lý phân thuốc cũng là một khâu vô cùng quan trọng. Tốt nhất là luôn giữ đất cho có độ xốp thích hợp, nước tưới đầy đủ và phân bón phải đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc. Về phân bón, các anh thường dùng phân chuồng kết hợp với lân, kali và vôi bột để bón lót cho gốc và NPK (20-20-15) trong thời gian cây nuôi trái. Anh ít khi nào dùng đến thuốc bảo vệ thực vật để phun vào cây khi hoa đang kết trái mà dùng biện pháp tuyển chọn bằng cách tỉa bớt những trái xấu, trái hư, chỉ giữ lại những trái nguyên vẹn. Nhờ vậy mà chùm trái luôn phát triển tốt, to đều, lại tiết kiệm được thuốc và bảo đảm vệ sinh an toàn cho cây trái.

Đối với cây bưởi, người trồng cũng phải đối phó với nhiều loại sâu bệnh như nhện đỏ, nhện trắng, chảy mủ nhưng đáng ngại nhất là rệp sáp, kẻ thù có thể tấn công vào bộ rễ làm cho cho cây khô héo và vàng lá. Do đó, khi phát hiện rệp sáp là phải tận diệt ngay để tránh lây lan.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.