| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Bình Phước chuyển mình: [Bài 1] Hiệu quả từ du lịch sinh thái rừng

Thứ Ba 02/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đầu tư bài bản, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái rừng hấp dẫn.

Bình Phước hiện có tổng diện tích hơn 171.000ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng hơn 31.000ha, rừng phòng hộ gần 44.000ha, rừng sản xuất gần 97.000ha. Xen trong các khu vực rừng còn có khá nhiều danh lam, thắng cảnh. Đây là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch, trong đó có du lịch sinh thái rừng.

Trong đó, phải kể đến VQG Bù Gia Mập (nằm trên địa bàn 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) nổi bật với những cảnh quan sinh thái như giếng Trời, thác Đak Bô, Đắk Sam, suối Đak Ka, hang Dơi, thác Lưu Ly, thác Đắk Rốt; Khu di tích lịch sử kho xăng dầu dẫn từ Bắc vào miền Đông Nam bộ nằm trong lõi VQG Bù Gia Mập. Ngoài ra, nơi đây còn có 37 cây săng lẻ, 1 cây sộp và 1 cây tung, từ 200-450 tuổi, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam.

Cảnh đẹp như chốn bồng lai trong VQG Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Cảnh đẹp như chốn bồng lai trong VQG Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Tiến sỹ Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết, vườn có tổng diện tích gần 26.000ha là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất của tỉnh Bình Phước với trên 1.100 loài thực vật thuộc các chi, họ, bộ khác nhau là nơi bảo tồn nguồn gen hệ động thực vật quý vùng Đông Nam bộ, bảo tồn hệ sinh thái rụng lá với đồi núi thấp, độ cao dưới 1.000m so với mực nước biển và loài thú quý hiếm như gấu, bò tót, voi...

Nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu với ưu thế của những loài cây họ dầu, nhiều loài cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ. Không chỉ sở hữu nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, phong phú, vườn có những làng đồng bào thiểu số S’tiêng, M’nông tại các xã vùng đệm, tạo thành những nét văn hoá truyền thống đặc sắc đan xen. Với tiềm năng to lớn, ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Bình Phước đã công nhận khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là khu du lịch cấp tỉnh.

Từ lâu, VQG Bù Gia Mập là điểm đến hấp dẫn du khách. Trong ảnh là thác Lưu Ly giữa lõi rừng Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Từ lâu, VQG Bù Gia Mập là điểm đến hấp dẫn du khách. Trong ảnh là thác Lưu Ly giữa lõi rừng Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Nhờ hệ động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, và cả hệ thống những cây di sản, cùng với nét văn hoá truyền thống, ẩm thực đặc sắc của đồng bào S’tiêng, M’nông, những năm qua, lượng du khách đến tham quan tại Vườn liên tục tăng lên. Năm 2023 tăng hơn 1.200 lượt so với năm 2022. Người dân địa phương có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống khi tham gia cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách.

Theo kỹ sư Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Bù Gia Mập đã đầu tư, xây dựng và hình thành các tour du lịch sinh thái gắn với rừng. Từ nhiều năm qua, nơi đây ngày càng thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, từ đó tạo công ăn việc làm, tạo nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng người đồng bào dân tộc tại chỗ. “Quan trọng nhất là không chỉ du khách khi đến rừng, thấy yêu thiên nhiên hơn, còn người dân bản địa thì thấy rõ giá trị của rừng là góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, kinh tế, từ đó có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng”, anh Tháp nói.

Kỹ sư Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Bù Gia Mập bên gốc cây bằng lăng cổ thụ, một trong 38 cây di sản của VQG Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Kỹ sư Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Bù Gia Mập bên gốc cây bằng lăng cổ thụ, một trong 38 cây di sản của VQG Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Nói về du lịch trải nghiệm tại VQG Bù Gia Mập, chị Trần Kim Thủy, hướng dẫn viên một công ty du lịch lữ hành tại Đồng Nai chia sẻ: “Tôi làm du lịch nhiều năm rồi, thấy VQG Bù Gia Mập là một trong những điểm đến khá ấn tượng. Thiên nhiên hoang sơ, nhiều cảnh quan đẹp như cổ tích, cung đường biên giới tuyệt đẹp, nhiều loại thực vật quý hiếm, cây cổ thụ di sản…tất cả đều được bảo vệ rất tốt.

Công tác chuẩn bị của vườn khá chu đáo, người dân bản địa thân thiện, nhiều món đặc sản rừng, đặc trưng của đồng bào như canh thụt, cơm nấu ống nứa, rượu cần, vịt quay mắc mật, thịt xào lá nhíp, măng rừng, rau rừng. Đặc biệt là còn được thưởng thức những sản phẩm tinh thần là những điệu múa, hát, lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào S’tiêng, M’nông, hay trải nghiệm băng rừng lội suối, cắm trại, lắng nghe tiếng chim hót…”.

“Nắm bắt được tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập triển khai nhiều đề tài khoa học kịp thời củng cố cơ sở vật chất, tạo dựng danh lam, thắng cảnh; bảo tồn các loài động vật, thực vật phong phú và phát huy nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương”, Tiến sỹ Vương Đức Hòa cho hay. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.