| Hotline: 0983.970.780

Lâm nợ vì thương lái Trung Quốc

Thứ Tư 09/05/2012 , 09:56 (GMT+7)

Bằng thủ đoạn trả giá cao tạo lòng tin, các đối tượng này đã lừa trên 10 tỷ đồng tiền mua cua biển của nông dân tại thị trấn Năm Căn.

* Số tiền bị lừa lên tới trên 10 tỷ đồng!

Xóm Miễu đìu hiu sau khi thương lái A Kiều bỏ trốn cùng số tiền trên 10 tỉ đồng

Với nhãn mác là những thương lái Trung Quốc giàu có, dùng hộ chiếu du lịch để sang Việt Nam thu gom cua biển với giá cao. Một số đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của nông dân tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).

Tiếp xúc với NNVN, nhiều bà con ở Xóm Miễu, thị trấn Năm Căn bức xúc cho biết, thủ đoạn của những thương lái Trung Quốc là đưa ra giá cao ngất ngưởng để thu hút các vựa cua và người dân ở địa phương bán cua cho họ. Thời gian đầu, họ có thể đưa cả tiền trước khi lấy hàng, đến khi có được sự tin tưởng của người dân và các doanh nghiệp thu gom thủy hải sản trên địa bàn thì họ nói kẹt vốn nên yêu cầu được khất nợ, sau đó thì quỵt luôn.

Một nạn nhân của nhóm đối tượng này là chị Võ Thị Loan, ngụ khóm 1, thị trấn Năm Căn (Năm Căn – Cà Mau), tức tưởi kể: “Trước đó có một người Trung Quốc tên là A Kiều đến làm quen và yêu cầu được giao dịch làm ăn với cơ sở thu gom cua biển của tui. Ban đầu khi mới hợp tác, người này chào giá mua rất cao nên tui đã bán cho hắn. Tiền bạc trong những đợt giao dịch đầu cũng được hắn thanh toán rất sòng phẳng, nhưng dần về sau thì viện đủ lý do để khất nợ, rồi biến mất”.

Theo trình bày của chị Loan, hiện A Kiều còn nợ chị 900 triệu đồng và 7 chỉ vàng, suốt khoảng 4 tháng nay chị không tài nào liên lạc được với người này. Cùng cảnh ngộ là hoàn cảnh của chị Trần Kim Tươi (hàng xóm của chị Loan), cũng bằng thủ đoạn lừa đảo như trên A Kiều đã cuỗm của gia đình chị 500 triệu đồng. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thị trấn Năm Căn không chỉ có chị Loan hay chị Tươi là nạn nhân của thương lái Trung Quốc mà còn nhiều cơ sở thu gom cua biển khác, trong đó có cả nông dân. Số tiền mà nhóm đối tượng này quỵt của người dân ở thị trấn lên đến hơn 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền trên thực tế còn cao hơn vì có một số doanh nghiệp không khai báo với cơ quan chức năng mà tự tìm cách đòi nợ.

Trong số các nông dân bị A Kiều quỵt nợ, đau khổ nhất là gia đình ông Trần Ngọc Đạt, ngụ tại Xóm Miễu, số tiền bán cua ông bị quỵt tới 1,8 tỉ đồng. Ông Hùng, một nạn nhân khác của A Kiều khẳng định: “Cách đây khoảng vài năm, người dân thị trấn này gần như biết đến “đại gia” A Kiều vì trong chuyện làm ăn hay mua bán, y trả tiền rất ngọt. Nhưng thời gian sau thì xin gối đầu nợ, đến khi người dân thấy có dấu hiệu khả nghi ngưng bán cua thì A Kiều trốn mất”.

Từng bỏ các mối làm ăn ở TP.HCM để giành lại nguồn hàng cung ứng cho A Kiều, anh Đỗ Chí Hùng, một chủ vựa cua ở Năm Căn buồn rầu nói: “Sau khi thấy có mấy thương lái người Trung Quốc đến chào với giá cả hấp dẫn, tui đã bỏ dần các mối làm ăn trước đó với khách hàng ở TP.HCM để bán cho nhóm thương lái này, nhưng đến giờ thì sắp vỡ nợ vì bị giật tiền tỉ”. Cũng theo anh Hùng, hiện một thương lái người Trung Quốc tên A Mao còn nợ anh 1,7 tỉ đồng từ năm 2011 đến nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở địa phương này có gần 20 thương lái tạm trú (chưa tính đến những thương lái đến, đi không trình báo); lúc cao điểm tới 60-70 người đến thu mua cua biển. Tất cả số này đều sử dụng hộ chiếu du lịch tạm trú khi thu mua cua.
Trao đổi với NNVN, đại úy Mã Thiện Hùng, Phó trưởng Công an thị trấn Năm Căn thông tin, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của các cơ sở thu gom cua biển trên địa bàn và có cả người dân đối với một người có tên là Wang Juanmei, tự A Kiều (sinh 1974), là thương lái quốc tịch Trung Quốc về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo ngành chức năng địa phương, trước đó họ đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên tìm hướng xử lý. Bởi việc thu gom cua biển với giá cao của các thương lái Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp địa phương cũng như tình hình an ninh địa bàn nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo. Nay bộ mặt thật của các thương lái Trung Quốc đã lộ rõ khi họ cố tình quỵt nợ của người dân. Trắng trợn hơn, nhiều đối tượng còn yêu cầu chủ nợ bớt 50% số tiền nợ vì đã làm sai hợp đồng. Trong khi người dân có nguy cơ lâm nợ, còn các thương lái Trung Quốc thì ôm tiền tỉ biến mất không bóng dáng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm