| Hotline: 0983.970.780

Làm nông... từ tâm

Thứ Năm 12/01/2023 , 10:49 (GMT+7)

Ông Ba tâm niệm, sản phẩm nông nghiệp phải là thành quả của sự tận tâm, lương tâm của người sản xuất, mang lại sức khỏe, tạo giá trị cho cả thế hệ mai sau.

Sản phẩm từ tâm - An dân phú cường

Ông Lê Văn Ba - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) chia sẻ: "Ngày trước, có lần tôi suýt bị xe khách tông trúng. Đó là sau lần thất bại nặng nề nhất khi phải bán tài sản, xe cộ, đất đai để trả nợ cho vụ xuất khẩu hoa ly. Lúc đó, tôi lái xe máy trên quốc lộ 20 nhưng trong tâm trí luôn nghĩ đến việc dựng lại cơ đồ, khi xe khách từ phía sau bấm còi, tôi giật mình chuyển vào làn trái để tránh vì nghĩ mình vẫn còn... lái ô tô!

Mãi đến khi xe khách phanh cứng, dừng đứng phía sau tôi mới giật mình bừng tỉnh. Sau lần đấy, tôi về nhà, mượn tiền người thân để mua ô tô và quyết tâm thực hiện kế hoạch mới". 

watermark_lao-nong-lam-vuon-bang-ca-tam-lan-tam-1046_20221227_71-085111

Với kinh nghiệm 40 năm làm nông nghiệp kết hợp những tri thức tiên tiến học hỏi được, ông Lê Văn Ba không giữ cho riêng mình mà lan tỏa ra cộng đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Hái quả ớt chuông baby vàng mọng, ông Ba cắt thành những miếng nhỏ rồi mời những người đang trò chuyện cùng mình dùng thử. Ông nói, đây là giống ớt ngọt và được sử dụng ăn tươi, hoặc chế biến, xào nấu với rau hoặc các loại thịt. Loại ớt này là một trong những dòng sản phẩm có giá trị kinh tế cao và đang được HTX triển khai với diện tích lớn. Đặc biệt ớt và các loại rau, củ được HTX thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP hướng hữu cơ, đảm bảo về độ an toàn nên có thể thưởng thức ngay tại vườn.

Ông chia sẻ, HTX đưa ra sologan "Sản phẩm từ tâm - An dân phú cường" là muốn chuyển tải hàm ý sâu sắc. Trong đó, các sản phẩm phải là thành quả từ sự tận tâm, lương tâm của người sản xuất. Các sản phẩm không những phải đảm bảo độ tươi ngon mà còn phải sạch, an toàn với người tiêu dùng.

Ông Lê Văn Ba thổ lộ: "Làm ra sản phẩm sạch, an toàn thì khi bán cho người tiêu dùng, mình cũng cảm thấy an tâm, nhẹ lòng. Và khi làm được những điều đó thì môi trường sẽ xanh sạch, sức khỏe người sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng đều được đảm bảo. Đặc biệt, khi đã có sức khỏe, cường tráng thì sẽ tạo ra được giá trị của cuộc sống, tạo được sự giàu có. Tôi tâm niệm, sản xuất đời này nhưng phải suy nghĩ cho thế hệ mai sau, không vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua giá trị sức khỏe con người".

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú hiện đang liên kết với khoảng 60 hộ dân tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng) sản xuất 4 dòng sản phẩm chính bao gồm ớt chuông các loại, cà chua, dưa leo và rau xà lách. Toàn bộ nhà vườn tham gia chuỗi liên kết đều phải cam kết về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Môi trường khu sản xuất cũng phải đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Ông Ba cho hay, trong số 60 hộ dân liên kết với HTX, có người từng gắn với ruộng vườn và làm theo truyền thống từ 50 đến 60 năm. Tuy nhiên, khi tham gia vào HTX thì phải thay đổi phương thức sản xuất, đặc biệt là thay đổi tư duy về sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, sản lượng rau mỗi năm của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú đạt từ 500 đến 700 tấn. Các loại sản phẩm của HTX đang được tiêu thụ bởi các hệ thống siêu thị trên toàn quốc, các cơ sở chế biến, nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu qua Singapore. Giá trị sản xuất trung bình đạt từ 3 đến 7 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Lê Văn Ba thổ lộ: "HTX thực chất ký hợp đồng trước khi sản xuất nên đảm bảo được đầu ra ổn định. Cụ thể là trước khi sản xuất, chúng tôi đã ký hợp đồng, bán 50% sản phẩm rồi. Chúng tôi chọn những đối tác uy tín để ký hợp đồng trước với mức giá ổn định nên quá trình đầu tư, sản xuất yên tâm hơn".

Lan tỏa kiến thức 

Với tinh thần học hỏi, sáng tạo, ông Lê Văn Ba có cho riêng mình vốn kiến thức uyên thâm, ít ai có được. Có lần ông sang tận Trung Quốc để tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp và cũng có những lần ông mời chuyên gia Nhật Bản, Úc về tận vườn để tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ.

"Sau mỗi lần tiếp xúc, kiến thức về nông nghiệp lại được vun lên và áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn", ông Lê Văn Ba nói và cho biết thêm, năm 2018, ông quyết bỏ một khoản tiền lớn để mời chuyên gia nông nghiệp từ Israel về farm làm việc, tập huấn kiến thức trong thời gian 1 tháng. Sau lần học tập, làm việc với chuyên gia này, kiến thức sản xuất nông nghiệp được hoàn thiện và các quy trình sản xuất đều đạt hiệu quả, giá trị cao.

Kinh nghiệm 40 năm sản xuất nông nghiệp kết hợp những tri thức tiên tiến học hỏi được, ông Lê Văn Ba không giữ cho riêng mình mà lan tỏa ra cộng đồng.

Ông thổ lộ, khát khao cháy bỏng hiện nay là đưa ra được giải pháp đơn giản nhưng tối ưu cho nông dân để họ có cơ hội làm giàu.

Theo ông, đại bộ phận nông dân hiện nay sau khi rời tay cuốc, tay cày thì không còn tiền, lợi nhuận thấp. Sản phẩm làm ra bị thị trường vùi dập đủ đường nên họ rất vất vả. Vậy nên, suốt những năm qua, với vốn kiến thức có được, ông đã tư vấn, tập huấn kỹ thuật không công, thậm chí đứng ra làm "kỹ sư" nông nghiệp cho các mô hình tại địa phương.

watermark_lao-nong-lam-vuon-bang-ca-tam-lan-tam-1047_20221227_26-085111

Ông Lê Văn Ba và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền, cơ quan trung ương. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lê Văn Ba thổ lộ: "Trong năm 2020 - 2021, tôi hỗ trợ miễn phí về quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho hàng chục hộ dân tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà. Đa phần mô hình này về sau đều có sự phát triển rất mạnh và đều đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm".

Cũng theo ông Ba, để những kiến thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến phổ biến rộng ra cộng đồng và tạo được giá trị cho cuộc sống, hiện nay ông đang triển khai hình thức ký hợp đồng tư vấn với các nhà vườn.

Với khoản tiền hợp đồng từ 5 đến 10 triệu đồng/1.000m2/năm, ông có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn, đưa ra các quy trình kỹ thuật giúp nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả. Ông cũng đưa ra cam kết mô hình ớt chuông, cà chua beff do ông hỗ trợ, tư vấn sẽ đạt tổng thu nhập ít nhất từ 300 đến 500 triệu đồng/1.000m2/năm.

"Ban đầu tôi hỗ trợ miễn phí nhưng việc này dẫn đến một số trường hợp chỉ coi là kênh tham khảo nên họ không làm theo hoặc chỉ làm một phần, dẫn đến hiệu quả không như ý muốn. Do vậy, tôi đưa ra hợp đồng với mức giá từ 5-10 triệu đồng/1.000m2/năm để có sự ràng buộc. Khi đã ký hợp đồng, tôi có trách nhiệm với vườn, cam kết đưa lại lợi nhuận cho chủ vườn. Về phía chủ vườn, họ phải tuân thủ các quy định, quy trình, kỹ thuật sản xuất mà tôi đưa ra để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm", ông Lê Văn Ba chia sẻ.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Agribank Khánh Sơn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn

KHÁNH HÒA Từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, nhiều hộ dân tại huyện Khánh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...