| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 04/10/2022 , 14:23 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 14:23 - 04/10/2022

Làm sao chấm dứt lạm thu ở trường học?

Làm sao ngăn chặn vấn nạn lạm thu ở trường công lập? Cách hiệu quả mà ai cũng hình dung được là nâng cao vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng.

Nhiều năm qua, các bậc phụ huynh không khỏi ngao ngán trước những khoản tiền ngoài học phí phải đóng cho nhà trường, thông qua hình thức bắt buộc hoặc gợi ý. Cho nên, chỉ một thông báo công khai không thu các khoản tiền nhạy cảm kia ở một trường trung học cơ sở, cũng trở thành câu chuyện xôn xao trên những diễn đàn giáo dục.

Cụ thể, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn ở Thủ Đức, TPHCM đã niêm yết nội dung: “Phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, phụ huynh muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của phòng giáo dục”.

Đại diện đơn vị này chia sẻ, đây là một việc làm bình thường, tuân thủ đúng Thông tư 55/2011 và Thông tư 16/2018 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, chứ không phải hành vi “chơi trội” hay tư duy “đổi mới” gì cả.

Một việc làm minh bạch nữa của Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn là tài liệu học tập của học sinh trong lớp, cũng được nhà trường ký hợp đồng với một cơ sở photocopy trên địa bàn, nên giáo viên cũng không phải bận tâm về chi phí phát sinh phục vụ cho từng môn học.

Thử hỏi, bao nhiêu trường học trên toàn quốc đã và đang mạnh dạn nói không với các khoản lạm thu như vậy? Chắc rất hiếm hoi. Bộ Giáo - Đào tạo từng ban hành nhiều văn bản để chấn chỉnh nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng lạm thu mỗi dịp đầu năm học. Thậm chí, nhiều khoản thu khéo léo “né” qui định của Bộ Giáo dục - Đào tạo thông qua “lá chắn” ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đành rằng, ngân sách cố định mà Nhà nước chu cấp cho giáo dục còn tương đối ít ỏi, khiến các trường học phải tranh thủ xã hội hóa để huy động tài chính. Thế nhưng, điều oái oăm là các loại quỹ lại không phải “tùy lòng hảo tâm” mà bắt buộc từng hạng mục đối với từng học sinh. Nhất là các loại “sổ vàng” gây ái ngại và bức xúc cho các bậc phụ huynh.

Nếu như hệ thống trường tư thục có học phí cao hơn nhưng phụ huynh chỉ phải đóng một lần với phiếu thu rõ ràng, thì hệ thống trường công lập lại chia nhỏ các khoản thu và tạo ra nhiều “quỹ” rất đáng nghi ngờ. Tính toán chi li thì những khoản lạm thu ở trường công lập mà cộng dồn lại thì số tiền mà phụ huynh phải nộp cũng ngang bằng với trường tư thục. Khi có thắc mắc hay khiếu nại, thì nhà trường lại đổ lỗi cho ban đại diện cha mẹ học sinh khá ung dung và nhẹ nhàng.   

Làm sao ngăn chặn vấn nạn lạm thu ở trường công lập? Cách hiệu quả mà ai cũng hình dung được là nâng cao vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng. Với tư cách người quản lý cao nhất ở mỗi trường học, hiệu trưởng phải theo dõi các hoạt động thường xuyên ở đơn vị và khống chế các khoản phụ thu phi lý.

Đồng thời, các phòng giáo dục cũng phải tăng cường kiểm tra và giám sát các loại “quỹ” được vận hành trong trường học, để kiên quyết xử lý mọi khuất tất gây ảnh hưởng đến lòng tin của phụ huynh với môi trường dạy và học vốn rất cần sự trong sáng và lành mạnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm