| Hotline: 0983.970.780

Làm sao để 'thực phẩm bẩn' không còn đất sống?

Thứ Sáu 17/08/2018 , 10:05 (GMT+7)

Sở dĩ “thực phẩm bẩn” vẫn còn đất sống bởi hàng loạt những nguyên nhân vẫn ngày ngày dung dưỡng cho nó…

Khách hàng tham quan một gian hàng thực phẩm ở Hà Nội

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian nên chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, xã phường chưa được hoàn thiện, thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn phù hợp, thường xuyên thay đổi và thiếu kinh phí hoạt động.

Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, vẫn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong các khu dân cư. Chưa có cơ chế chính sách thúc đẩy, khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, phân phối thực phẩm an toàn. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao.

Và một điều quan trọng không thể không nhắc đến chính là người tiêu dùng còn quá dễ dãi trong việc sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn, ngại sử dụng thịt mát, thịt cấp đông do đó chưa thúc đẩy được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đầu tư, phát triển.

Chính người tiêu dùng chứ không ai khác là đối tượng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cho các cơ sở sản xuất cũng như chế biến, kinh doanh. Bằng chứng là những người tiêu dùng của châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật… đã đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho hàng nông sản nhập khẩu vào nước họ nên các vùng sản xuất của Việt Nam muốn xuất khẩu được buộc phải làm theo.

Sự dễ dãi của người tiêu dùng khiến cho thực phẩm chưa an toàn còn đất để sống. Kiểm tra 167 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cấp thành phố (Hà Nội) có 68,3% cơ sở xếp loại A/B, còn 27,5% cơ sở xếp loại C; 1.180 cơ sở cấp quận, huyện, xã, phường có 67,2% xếp loại A/B, còn 32,8% xếp loại C. Sau kiểm tra, số được nâng hạng từ C lên A/B vẫn còn khiêm tốn.

Kết quả giám sát mẫu nông lâm thủy sản chưa được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ cơ sở vi phạm, không đạt yêu cầu nhất là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mùa vụ còn cao. Thêm vào đó, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm mà chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo nên không đủ sức răn đe.

Chính vì thế, kế hoạch trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ là đẩy mạnh việc thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm cho cả người sản xuất, nhà quản lý và người tiêu dùng; Hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; Chủ động trong công tác lấy mẫu kiểm tra, đặc biệt ưu tiên vào các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc BVTV cấm; Tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất.

Từ những khó khăn thực tế trong cuộc chiến với “thực phẩm bẩn”, ngành nông nghiệp Hà Nội kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT: Tham mưu, đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn. Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương thống nhất việc hướng dẫn, triển khai Nghị định 15, bổ sung giới hạn về thuốc thú y, thuốc BVTV trong sản phẩm thực phẩm, nông lâm thủy sản; hướng dẫn các chỉ tiêu an toàn cần phân tích theo nguyên tắc quản lý rủi ro đối với các sản phẩm thuộc diện phải tự công bố.

UBND TP Hà Nội sớm kiện toàn bộ máy chuyên trách thực hiện quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, xã phường. Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch giết mổ. Có cơ chế hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ dầu mối nông sản an toàn.

UBND các quận, huyện, thị xã cần đưa việc đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bố trí đủ nguồn lực cho công tác này. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn quyết liệt vào cuộc.

 

Xem thêm
Có thể giảm tần suất lấy mẫu sau 2 năm xuất khẩu dừa sang Trung Quốc

Bến Tre Thông tin được ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' sáng 13/12.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.