| Hotline: 0983.970.780

Làm sao tránh sốc nhiệt trong những ngày cao điểm nắng nóng?

Thứ Ba 05/05/2020 , 16:18 (GMT+7)

Cần có các biện pháp đề phòng, vì say nắng không chỉ mang lại cảm giác mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.. mà còn có thể gây đột quỵ.

Nhiệt độ cao sẽ khiến nhiều người say nắng. Ảnh: ĐMX.

Nhiệt độ cao sẽ khiến nhiều người say nắng. Ảnh: ĐMX.

Hầu hết các vùng trên cả nước đều đang bước vào cao điểm nắng nóng. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, trong vài ngày tới có nhiều nơi ở miền Trung sẽ có nhiệt độ giữa trưa lên đến trên 40 độ C. Vì vậy, biện pháp phòng tránh và cấp cứu say nắng cần được quan tâm đúng mức.

Say nắng là tình trạng phổ biến nhất trong mùa hè. Nguyên nhân chủ yếu là cơ thể người tiếp xúc kéo dài với nắng nóng hoặc gắng sức hoạt động quá mức ở nhiệt độ cao. Đây là dạng chấn thương nhiệt nghiêm trọng, bởi lẽ say nắng khiến nhiệt độ cơ thể người tăng lên 40 độ C hoặc cao hơn. Đối tượng dễ bị say nắng là những người phải làm việc ngoài trời hoặc di chuyển liên tục trên đường. Người cao tuổi rất dễ bị say nắng. Ngoài ra, những người bị các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, thận, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị say nắng.

Say nắng không chỉ mang lại cảm giác mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn mà còn có thể gây đột quỵ. Nếu bệnh nhân không được xử lý kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

Người bị say nắng cần được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Thông thường, với sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, người bị say nắng phải được chuyển vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. 

Tuy nhiên, phần lớn người bị say nắng đều muốn dùng thuốc để nhanh chóng thoát khỏi cảm giác khó chịu hành hạ. Vậy, dùng thuốc thế nào cho hiệu quả?

Bác sĩ Lê Thanh Huyền tư vấn: “Nếu như thân nhiệt của nạn nhân chỉ từ 39-40 độ C thì chúng ta có thể dùng dạng viên sủi 1 viên 500mg, một liều duy nhất. Nhớ là phải hòa tan thuốc trong cốc nước rồi mới uống và uống ngay khi có dấu hiệu tăng thân nhiệt. Trong trường hợp này, không cần uống thuốc sau ăn. Nhưng nếu như thân nhiệt của nạn nhân tăng trên 40 độ C thì cần phải dùng dạng thuốc tiêm truyền để thuốc nhanh phát huy tác dụng.

Efferalgan được bào chế hẳn dưới dạng truyền đóng trong chai pha chế sẵn. Có thể dùng trực tiếp dạng này ở người bệnh có thân nhiệt trên 40-41độ C thì mới có khả năng hạ nhiệt thành công và chỉ thực hiện việc tiêm truyền tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, thuốc corticoid không được phép tự sử dụng tùy tiện, mà chỉ được phép dùng tại các tuyến bệnh viện và có bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ hồi sức cấp cứu. Vì thuốc có tác dụng ức chế và giảm bớt tác dụng gây viêm đa phủ tạng của các nội độc tố nhằm giải thoát cho trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Việc dùng thuốc phải hết sức cân nhắc và chỉ dùng ở những bệnh nhân có dấu hiệu đột qụy”.

Bổ sung nước thường xuyên là cách hữu hiệu nhất để chống lại nắng nóng. Ảnh: ĐMX.

Bổ sung nước thường xuyên là cách hữu hiệu nhất để chống lại nắng nóng. Ảnh: ĐMX.

Làm sao để tránh sốc nhiệt giữa cao điểm nắng nóng? Tốt nhất là hạn chế ra ngoài lúc trời đang gay gắt, từ 12h đến 15h mỗi ngày. Chẳng đặng đừng phải rời khỏi nhà, thì nên mặc trang phục che nắng với khẩu trang, khăn choàng, áo khoác, váy chống nắng… Đồng thời, cần trang bị thêm mũ, nón rộng vành hoặc ô dù để che nắng tốt hơn. Với phụ nữ, cũng cần bôi kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ cơ thể chống ánh nắng trực tiếp.

Phòng bệnh hơn trị bệnh. Giữa cao điểm nắng nóng, mỗi người phải thường xuyên uống nước dù là lúc chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha muối, hoặc tốt nhất là uống dung dịch oresol, nước trái cây. 

Với những người lao động ngoài trời, như công nhân xây dựng hoặc nhân viên giao hàng, cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát khoảng 15 phút sau mỗi giờ làm việc.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.