Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa hoàn thiện, bổ sung những quy định mới về thực phẩm đóng gói được bán tại nước này. Theo đó, sản phẩm phải đảm bảo nhiều yếu tố "lành mạnh", nếu không sẽ bị đình chỉ lưu hành.
Đây là bản cập nhật định nghĩa mới của FDA, sau bản công bố lần đầu được đưa ra cách đây 30 năm. Động thái này nhằm mục đích giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ điều chỉnh hành vi mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tạp hóa và có khả năng đưa ra lựa chọn phù hợp theo hướng dẫn chế độ ăn uống của liên bang.
"Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn người dân giảm tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống", đại diện FDA cho biết.
Theo quy định mới, các sản phẩm được cho là “lành mạnh” phải chứa một lượng thực phẩm nhất định từ một hoặc nhiều nhóm thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc, sữa và protein. Đặc biệt, lần đầu tiên FDA đưa ra quy định về giới hạn đối với lượng đường bổ sung. Thực phẩm cũng phải hạn chế natri và chất béo bão hòa ở mức cho phép, tùy thuộc vào loại sản phẩm.
Sự thay đổi này sẽ loại bỏ các loại thực phẩm như ngũ cốc có đường, sữa chua có độ ngọt cao, bánh mì trắng và một số loại bánh granola (loại thực phẩm truyền thống của người dân Hoa Kỳ, bao gồm yến mạch cán mỏng, các loại hạt, mật ong hoặc các chất tạo ngọt như đường nâu và đôi khi là gạo lứt, thường được nướng đến khi giòn) khỏi nhãn "lành mạnh".
Ngược lại, cơ quan quản lý của Hoa Kỳ sẽ cho phép các loại thực phẩm như bơ, dầu ô liu, cá hồi, trứng và một số loại hỗn hợp hạt khô sử dụng nhãn thực phẩm lành mạnh. Ngay cả nước uống cũng có thể được dán nhãn là lành mạnh.
“Điều quan trọng đối với tương lai của đất nước là thực phẩm phải là biện pháp nâng cao sức khỏe”, Ủy viên FDA Robert Califf cho biết. Vị này cũng nhấn mạnh, rằng cải thiện khả năng tiếp cận thông tin dinh dưỡng là một nỗ lực quan trọng về sức khỏe cộng đồng mà FDA có thể thực hiện để giúp mọi người xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
Quy định mới sẽ có hiệu lực trong vòng 2 tháng nữa (bắt đầu từ tháng 2/2025) và các nhà sản xuất thực phẩm sẽ có thời hạn đến tháng 2/2028 để tuân thủ. Các viên chức FDA cho biết, họ cũng đang nghiên cứu để đề xuất tỷ lệ nhất định thực phẩm bán trên thị trường được dán nhãn "lành mạnh". Theo quy định trước đây, khoảng 15% sản phẩm đủ điều kiện được chỉ định là lành mạnh, nhưng chỉ 5% đưa ra tuyên bố.
Được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2022, sự thay đổi này là bản cập nhật cần thiết cho hướng dẫn "đã lỗi thời khủng khiếp", theo TS Dariush Mozaffarian, Giám đốc Viện Thực phẩm và Y học, Đại học Tufts, Hoa Kỳ.
Chuyên gia dinh dưỡng nhận xét, thay đổi mà FDA bắt buộc các nhà sản xuất phải tuân thủ là một cải tiến lớn so với những quy định cách đây 30 năm. Quy định mới cũng thừa nhận rằng, kiến thức về chế độ ăn uống và dinh dưỡng đã tiến bộ và khác biệt trong vòng 30 năm. Định nghĩa trước đây đã không phù hợp với các hướng dẫn về chế độ ăn uống cho người dân, vốn là nền tảng của các chương trình và chính sách liên bang.
Hiệp hội Thương hiệu Người tiêu dùng Hoa Kỳ nhìn nhận, quy định mới của FDA sẽ loại trừ một số thực phẩm đóng gói, mặc dù ngành đã có nhiều năm đổi mới để cung cấp các lựa chọn lành mạnh hơn.
Sarah Gallo, một thành viên thuộc hiệp hội thừa nhận "lo ngại" vì cho rằng quy định mới chưa có đủ bằng chứng khoa học rõ ràng và có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Bà cũng dự báo, nền kinh tế nói chung sẽ bị ảnh hưởng, nhất là các chuỗi cung ứng.
Bất chấp những quan điểm trái chiều, FDA kiên quyết bảo lưu ý kiến. Cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khẳng định, các tiêu chí sắp được đưa vào áp dụng đã cập nhật đầy đủ dữ liệu trên cả nước, nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Họ cũng đặc biệt lưu ý đến những tác nhân gây bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống, chẳng hạn bệnh tim và tiểu đường.
Theo FDA, hơn 3/4 người dân Hoa Kỳ có chế độ ăn ít rau, trái cây và sữa. Gần 80% vượt quá giới hạn về chất béo bão hòa, hơn 60% vượt quá giới hạn về đường bổ sung và khoảng 90% vượt quá giới hạn về natri. Tất cả đều có thể dẫn đến các bệnh lý về sức khỏe.
FDA quy định chặt chẽ về việc sản xuất, đóng gói và ghi nhãn thực phẩm. Mục đích của các quy định này là tăng cường sự an toàn của thực phẩm được phân phối trên khắp Hoa Kỳ và giữ cho người tiêu dùng được thông báo về thực phẩm họ sẽ sử dụng.
Ngoài yêu cầu về việc ghi nhãn các chất gây dị ứng kể từ năm 2006, FDA còn bắt buộc nhà sản xuất chiếu xạ thực phẩm để diệt vi khuẩn cũng như tăng tuổi thọ của thịt, gia cầm, rau và các loại thực phẩm khác.