Những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này, ngư dân các xã biển bãi ngang Quang Phú, Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) lại vào mùa khai thác rong biển (người dân địa phương còn gọi là rong mơ).
Vùng biển bãi ngang của các địa phương huyện Quảng Trạch nằm ở vịnh ít sóng gió nên trở thành điều kiện tốt cho cây rong biển phát triển. Ở những vùng nước không sâu, cây rong biển mọc dài lên đến gần 3 m, ngọn mấp mô trên mặt sóng.
Từ sáng sớm, hàng chục thuyền thúng, ghe thuyền cùng ngư dân lên đường ra biển khai thác rong mơ. Tùy theo phương tiện là thuyền thúng hay thuyền gắn máy mà bố trí nhân lực từ 2-3 người.
Hai anh em Nguyễn Vui và Nguyễn Tới cùng đi trên thuyền thúng. Khi chèo ra cách bờ khoảng 500m là đến điểm khai thác rong biển.
Mặt biển sóng nhẹ, màu xanh rong biển ngoi lên dưới nước làm cho cả vùng biển rộng như thẫm màu hơn.
Hai anh em đeo kính lặn rồi nhảy xuống biển, lặn xuống, dùng hai tay quơ trong nước quấn rong biển lại với nhau và bứt, nhổ. Rong biển đến mùa khai thác thân mềm nên rất dễ bứt.
Khi rong đầy hai tay thì họ vớt và ném lên thuyền. Anh Vui cho hay: “Mùa khai thác rong mơ thường bắt đầu từ giữa cuối tháng 4 đến hết tháng 6 dương lịch. Năm nay, rong xanh và được mùa hơn”.
Mải miết lặn rong, chừng 3 giờ đồng hồ thì thuyền của hai anh em Vui cũng chất đầy rong tươi. Hai anh em lại hối hả cho thuyền quay vào bờ. Mùi rong biển tươi hơi tanh và có hương đậm đà của biển.
Không chịu thua cánh thanh niên, ông Lê Vinh, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú năm nay dù đã 70 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, luôn cùng con cháu ra biển.
“So với nghề đánh bắt hải sản, thì việc khai thác rong mơ dễ dàng và ít tốn kém chi phí. Bà con chỉ cần một cái thúng bơi ra khu vực gần gành đá là có thể lặn khai thác. Trung bình mỗi ngày, một ngư dân có thể khai thác được 2 tạ đến 3 tạ rong mơ tươi”, ông Vinh cho hay.
Dọc theo bãi biển vùng bãi ngang các xã Quảng Phú, Quảng Đông, rong mơ được bà con ngư dân khai thác mang về phơi trên cát.
Hai anh em Vui cùng người nhà chuyển rong biển từ thuyền lên bờ và phơi rải đều trên cát. “Chuyến này được khoảng 3 tạ rong. Được nắng to thì chỉ hai ngày là thu rong và bán luôn đó”, anh Vui bộc bạch.
Buổi chiều, chị Lê Thị Thành, thôn Nam Lãnh, cùng con trai đi thu rong khô. Hai mẹ con quơ rong thành đống nhỏ rồi cho vào những bao tải lớn để chất lên xe ba gác đưa về nhà. “Tôi gom chừng được vài tạ rồi mới bán một lần luôn để thu tiền mà cất”, chị Thành cho hay.
Theo chị Thành cho biết, cứ 4 kg rong biển tươi phơi được 1kg khô. “Năm nay giá rong mơ được các thương lái mua trên 7.000 đồng/kg. Với giá hiện tại thì mỗi ngày ngư dân khai thác rong mơ có thể thu về cả triệu đồng/người”, chị Thành cho hay.
Gia đình chị Thành có hai người đi biển lặn rong, hai mẹ con chị phụ phơi và thu gom. Thu nhập mỗi vụ rong cũng khá cao. Chị Thành cho hay: "Vụ rong năm ngoái, cả nhà thu được trên 30 triệu đồng, do đó có tích lũy thêm. Nếu đi biển khai thác tôm cá thì cũng chỉ đủ ăn thôi”.
Trên bãi biển xã Quảng Đông cũng rộn ràng người phơi, kẻ đưa rong từ thuyền lên bờ. Theo nhiều ngư dân, có được mùa rong biển làm bà con phấn khởi, giúp cải thiện cuộc sống khó khăn của vùng biển bãi ngang.
Anh Lê Văn Mai (xã Quảng Đông), cho biết, mùa này nhiều gia đình tham gia khai thác rong mơ. Do khai thác gần bờ nên ít vất vả và có thu nhập cao.
Những năm trước, người dân khai thác rong mơ ồ ạt theo kiểu tận thu nên đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sản lượng rong. Những năm gần đây, người dân khai thác rong mơ có ý thức hơn, nghĩa là khai thác đúng mùa và khai thác hạn chế.
"Khai thác rong mơ phải đúng mùa, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cá. Tuy nhiên, nếu khai thác muộn thì rong mơ cũng sẽ tự chết và phân hủy", anh Mai chia sẻ.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở thu mua rong biển khô của anh Lê Văn Sơn ở xã Quảng Đông. Mới vào đầu vụ mà anh Sơn đã mua được trên chục tấn rong khô. “Nguồn chúng tôi bán là cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cao cấp. Loại rong có chất lượng kém thì tận dụng bán cho nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cũng có vụ chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc với giá khá cao”, anh Sơn nói.
Theo nhận định của anh Sơn, năm nay có thể giá rong biển khô sẽ còn tăng. “Còn khoảng 2 tháng nữa mới kết thúc mùa trong biển. Mong rằng năm nay bà con sẽ có thu nhập cao hơn nhiều so với năm ngoái”, anh Sơn hy vọng.