| Hotline: 0983.970.780

Làng - những ký ức không bao giờ phai

Thứ Sáu 20/10/2017 , 15:01 (GMT+7)

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê, một làng quê miền Trung cổ kính, có dòng sông ôm bóng tre làng, có đồng lúa, đồng màu mướt xanh như ngọc và vàng rực khi mùa lúa chín. 

Làng có cây đa giếng nước sân đình và cổng làng rêu phong chứa đầy cổ tích. Tôi đã có một tuổi thơ ở đấy cùng với những đứa bạn đầu trần chân đất phơi nắng phơi gió, chăn trâu cắt cỏ và theo bố mẹ ra đồng những ngày mùa bận rộn. Thời tiết thì khắc nghiệt vô cùng, mưa thì mưa như trút nước, nắng thì nắng đến héo cả người. Nhưng lại có những buổi chiều rất thanh bình khi gió nồm thổi từ biển lên mát rượi.

Nhưng chiến tranh đến. Bom giặc ném vào làng. Người chết. Nhà tan. Làng cũng thay hình đổi dạng. Lũ trẻ chúng tôi lớn lên, mỗi đứa đi mỗi ngả. Đứa tham gia quân đội đánh giặc. Đứa đi học đại học, cao đẳng trong nước, đứa được gửi đi du học nước ngoài, mong ngày về xây dựng lại đất nước, làng quê.

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ cũng đã già, đã là ông này bà nọ, đã có con có cháu, và có đứa không bao giờ được trở về làng, họ đã nằm lại trên chiến trường trong cuộc chiến tranh vệ quốc oanh liệt và vinh quang. Mỗi lần tôi về làng là mỗi lần thương nhớ lại dâng trào. Và tôi lại nhớ những chuyện làng tôi như những ký ức không bao giờ phai nhạt được.
 

Cánh đồng vàng

Tôi thả trâu ngoài bờ đê. Một mình lên ngọn đê ngồi ngắm cánh đồng. Cánh đồng vàng rực trong nắng chiều hanh heo. Cả đồng lúa đang chín tới. Hình như chúng chen lấn nhau mà chín.

Ảnh minh họa

- Đừng có chen! Đừng có chen! - Những bông lúa kêu lên. Và những bông lúa khác thúc giục:

- Chín nhanh lên! Chín nhanh lên.

Tôi lắng nghe tiếng xôn xao cánh đồng. Những âm thanh ấy tác động thật mạnh mẽ tốc độ chín vàng của lúa. Mới đây thôi đồng lúa phơi một màu vàng chanh, còn bây giờ nó đã rực lên màu vàng cam rồi. Mặt trời từ từ trôi về phía những dãy núi mờ xa. Dường như đồng lúa và mặt trời đang có một sự đua tài thầm kín nào đấy. Ai sẽ thắng? Và thắng cái gì mới được chứ? Có những điều không cần phân biệt tuyệt đối. Ở đây, trong lúc này có lẽ cũng cần như vậy. Không thể xác định là thắng cái gì. Chỉ cần cảm thấy là giữa cánh đồng và mặt trời đang có một cuộc thi tài, thế thôi.

Mặt trời càng xuống thấp, cánh đồng càng dâng lên. Màu vàng dâng lên, trải ra mỗi lúc một rộng, giống như toàn bộ cánh đồng là một hồ nước mênh mông màu vàng chói. Cánh đồng bập bềnh, bập bềnh.

Những con chim chìa vôi bay dập dờn trên đồng lúa. Chúng lượn vòng tròn một lúc, rồi vụt bay lên cao với đội hình tam giác. Đàn chim bụng trắng ấy bỗng chuyển màu vàng lấp loáng, rồi hoá thành những chấm đen bay về phía mặt trời lặn. Mặt trời vẫn lặn chậm rãi xuống chân trời. Tôi có cảm giác mặt trời sẽ rơi xuống cánh đồng và tôi có thể chạy đến chỗ nó rơi xuống một cách dễ dàng. Nhưng đấy chỉ là cảm giác.

Giữa màu vàng lúa chín, hiện lên một cái chòi canh. Người canh đồng là bác nông dân già thỉnh thoảng gõ mấy tiếng mõ, như báo với mênh mông rằng: mình đang có mặt ở trên đời. Tiếng mõ nghe rè rè, chắc nó cũng đã già rồi. Còn nhịp điệu của nó thì nghe rời rạc, có thể biết là bác canh đồng vừa ngủ gật vừa gõ mõ. Trong tiếng mõ tan loãng giữa rì rào lúa chín, chiếc chòi canh lúa từ từ trôi. Bờ đê bao bọc cánh đồng cũng chuyển động. Và, tôi thấy mình bập bềnh trên con thuyền vô định nào đó giữa biển màu vàng.

- Nhanh lên! Chính nhanh lên!

- Đừng có chen! Đừng có chen!

- Ai ngồi trên đê cao? Chín nhanh lên!

Tôi nghe lúa thì thầm. Tôi cũng thì thầm đáp lời chúng:

- Tôi ngồi trên đê cao. Tôi cũng đang chín với các bạn đây.

Và tôi thấy mình đang chín thật sự. Màu áo xanh của tôi đã nhuốm vàng tự bao giờ, màu vàng lấp lánh ánh hoàng hôn. Hoà nhập vào hạnh phúc lớn kao của người khác, bản thân ta sẽ trở thành hạnh phúc. Hoà nhập với cánh đồng, tôi có niềm vui của lúa chín vàng.

Mặt trời đã lặn, cánh đồng vẫn còn sáng lên ánh sáng của chính nó. Chào cánh đồng, tôi trở về làng với con trâu lực lưỡng của mình đã no cỏ. Rồi con trâu sẽ kéo cày cày xới đất đai cho những mùa lúa chín tiếp theo…
 

Mùa gió tây

Làng tôi cách biển chỉ hai cây số đường chim bay nhưng mùa hè gió tây thổi về khô khốc. Người ta còn gọi gió tây là gió Lào, vì nó thổi từ phía nước Lào sang. Gió tây thường bắt đầu thổi từ cuối tháng tư, đến cuối tháng sáu mới ngừng thổi. Gió tây thổi ù ù như bão suốt một dải đất từ nam Quảng Trị đến bắc Nghệ Tĩnh. Tôi biết điều đó từ nhỏ, từ khi biết đọc sách, và nhờ có quyển sách Quốc văn trong tủ sách của bố tôi.

Ảnh minh họa

Suốt những ngày gió tây thổi, nắng chang chang. Trời cao chót vót, màu mây xanh ngả tím biếc từ sáng đến tối, không đổi. Những chiếc mo cau rơi xuống đều được ngâm vào bể nước và cắt thành những chiếc quạt mo. Quạt mo dùng trong nhà, chỉ vài giờ thì khô quắt lại, phải ngâm vào bể nước một lát nó mới chịu duỗi ra. Không thể nhìn ra sân lâu. Hơi nóng từ sân bốc lên hầm hập, hơi nóng cuộn trong nắng như sóng nước dâng mãi lên cao, khiến mắt ta chóng mỏi mệt. Nhưng không thể ngủ được giường, phản trong nhà đều nóng như rang trên lò than. Rôm sảy mọc đầy người, chúng cắn như châm kim vào da thịt.

Đi ra đường, gió thổi bay tung quần áo, cảm giác quând áo có thể bốc lửa. Ngoài đồng, những đám bụi cuốn tung lên, uốn lượn như những con rồng quái dị. Đồng lúa mới cấy, khô trắng như muối, chỉ cần châm một que diêm phía đầu gió, cả cánh đồng sẽ cháy vèo trong chớp nhoáng. Mương máng khô khốc, đất bùn dưới lòng mương nứt nẻ, quăn lên như vỏ bào. Cánh đồng nước sau làng, đồng Sông Làn, vơi dần rồi cạn hẳn. Mấy ngày đầu, người ta đi vào các ruộng lúa, tìm những chỗ trũng còn đọng nước, xúc cá. Những con cá may mắn dồn xuống vũng nước lớn như cái ao cạn, chen chúc nhau sống những ngày cuối cùng.

Chỉ gặp vài ao nước giữa đồng như vậy, giỏ đựng cá sẽ đầy ắp. Người ta còn mang theo một sợi dây dài để xâu cá mang về. Trong các ruộng lúa khô khốc, xác cá nằm nhan nhản. Những con chưa kịp khô bốc lên mùi hôi thối khó chịu. Giữa đồng trống, trên bãi tha ma những "cây gió tây" sống dai dẳng. "Cây gió tây" một năm mọc ra hai loại lá khác nhau. Các mùa thu, đông, xuân "cây gió tây" ra lá to và mỏng. Nhưng đến mùa gió tây, những chiếc lá ấy không thể chịu nổi gió nắng, héo khô, rụng xuống, từ nách lá mọc ra những chiếc lá nhọn sắc và cứng đâm vào da thịt như gai đâm.

Những chiếc lá nhọn ấy giúp cho "cây gió tây" sống qua mùa hè. Nhiều loài cây phải tìm cách tự tồn tại trong mùa gió tây như "cây gió tây". Người ta nói ven biển còn có một loại cây trên cát, cứ đến mùa gió tây, nó co rễ lên rồi cuộn lại thành một cụm. Những cây cụm ấy gió tây thổi cuốn nó lăn lóc trên cát. Qua mùa nóng, đủ độ ẩm, nó lại thò rễ ra ăn xuống đất, thành cây. Có nhà thơ gọi nó là “cỏ mặt trời”. Còn người dân thì gọi là cỏ lông chông.

Đi chân trần trên đường làng không thể đi chậm được. Mặt đường nóng bỏng. Người ta phải cúi cổ chạy nhanh đến một bóng râm để dừng nghỉ cho nguội bàn chân. Nhưng bóng râm cũng nóng bỏng, lại chạy tiếp đến một bóng râm khác, cho đến lúc về tới nhà. Những con trâu thở phì phò như bễ lò rèn. Những mái tranh khô giòn, nổ tanh tách.

"Phòng cháy hơn chữa cháy" - đấy là khẩu hiệu người ta viết trên nhiều bảng tin tường nhà cạnh đường với nét chữ to màu hoàng thổ. Nhưng thỉnh thoảng, một đám cháy nhà bốc lên. Tiếng người kêu thét lẫn trong tiếng kẻng tiếng trống ngũ liên đánh dồn dập từ làng này sang làng khác. Keng keng keng… keng keng. Tùng tùng tùng… tùng tùng, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch trong nhịp trống ngũ liên vê phía nấm khói đen đang bốc lên ngùn ngụt từ sau những luỹ tre xanh. Những thùng nước đổ vào đống lửa. Nước giếng cạn. Người ta chặt cả vườn chuối ném vào ngôi nhà đang cháy. Không dập kịp đám cháy trong gió tây, lửa sẽ thiêu cả làng. Có những ngày gió tây mạnh quá, trường cấp một phải cho học sinh nghỉ học. Có mùa nghỉ đến hàng tuần lễ.

Rồi một lần, khi mùa gió tây đến cũng nắng hạn kéo dài, những chiếc máy bơm nước được chở về làng. Từ ven đê sông Bùng. Những trạm máy bơm mọc lên. Nước tuôn trắng xoá đầu những vòi cao su khổng lồ, đổ vào mương máng, chảy vào những cánh đồng. Những cây lúa đang khô héo được cứu sống. Màu xanh làm gió tây dịu đi chút ít.

Trong gió tây, con người cứ tồn tại cùng với làng mạc của mình. Con người giống những "cây gió tây" hiên ngang giữa nắng gió, hơn là những cây cụm lông chông bị gió cuốn bay.
 

Chọi cỏ gà

Xem những cuộc chọi nhau của động vật, thú vị không thể tả được. Hai con trâu nghênh sừng nhìn nhau, rồi nhoáng một cái, người ta nghe một tiếng "cục" phát ra từ hai cái đầu của chúng. Hai cái đầu trâu như dính chặt vào nhau, tám cái chân căng lên, đạp lún đất đai. Hai con trâu quay cùng chiều thành một vòng tròn, và mặt đất được khoanh tròn bởi những dấu chân của chúng. Chợt một con trâu nghiêng cặp sừng nhọn hoắt đâm vào cổ đối phương. Con trâu kia có thể chặn lại được, và hai cái đầu lại dính chặt vào nhau. Cứ như thế cho đến lúc một con trâu bỏ chạy, và một con đuổi theo trong tiếng hò reo của con người chung quanh chúng. Và rốt cuộc, thắng hay thua, cả hai con đều bị thịt.

Ảnh minh họa

Tôi đã xem ít cuộc chọi gà. Những người nuôi gà chọi thật kỳ công. Họ đi tìm gà chọi ở tận những chợ xa. Có khi phải hàng tháng trời, dạo hết chợ này đến chợ khác, họ mớ chọn được con nòi vừa ý. Thỉnh thoảng, họ dùng dao sắc, vót nhọn đuôi "cựa" chân gà. Những con gà chọi thường thưa lông, da cổ đỏ tía. Hình như trước khi cho gà chọi, họ còn vẩy rượu mạnh vào cổ gà, gà sẽ hăng máu hơn trong cuộc đấu. Thoạt đầu hai đối thủ gà né nhau, giữ miếng.

Rồi bất thần, chúng nhảy vào, dùng chân đá mạnh "cựa" sắc vào đối thủ của mình. Có khi chúng lại dùng cặp mỏ nhọn cắn vào đầu nhau, và khi rứt ra, mỏ nó ngậm đầy lông đối thủ. Chúng chọi nhau một lúc một hăng, lông bắn vương vãi chung quanh. Những người xem đôi lúc bị cuốn vào cuộc ẩu đả của gà, quên mình là người xem, đá chân vào người bên cạnh. Con gà thắng cuộc thường bộc lộ sự đắc thắng trước mặt mọi người không sợ con người chê là thiếu khiêm tốn. Nó đứng dạng hai chân vươn cổ gáy một tràng dài, rồi ỉa một bãi xuống đấu trường.

Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi lại có trò chơi riêng của mình. Chọi cỏ gà. Đấy là mùa rét ngọt, những dây cỏ gà bò trên đất đã đến lúc có độ bền cao nhất. Chúng tôi thả trâu cho chúng tự do gặm cỏ trên bãi đê mênh mông, rồi từng đứa một, đi tìm cho mình những dây cỏ gà tốt nhất. Ven đê, cỏ gà không thiếu gì. Những dây cỏ màu nâu sẫm, bò lang man trên mặt đất. ở mỗi mắt dây, giương lên một cụm lá nhọn tia ra giống hệt chiếc mào gà, chỉ khác là mào gà thì đỏ như lửa, còn lá cỏ gà thì xanh thẫm. Khi trong tay mỗi đứa đã có một bó cỏ gà, chúng tôi quay về chỗ ngoặt con đê, đốt lên đống lửa cho ấm, rồi quây tròn bên nhau chơi trò chọi cỏ gà.

Tôi cầm đầu dây cỏ không có chùm lá nhọn, giơ ra trước mặt lũ bạn. Từng đứa một cũng cầm "gà" của mình như thế, và đánh vào "con gà" của tôi một cái. "Gà" đứa nào bị rụng đầu, đứa ấy thua một trận. Dĩ nhiên trận thắng thuộc đối thủ của nó. Hai "gà" không rụng đầu khi đánh vào nhau, đấy là trận hoà. "Con gà" của tôi quả không phải là một đấu thủ xoàng, trước khi hy sinh, nó đã làm rụng đầu bảy đối thủ. Và khi đấu thủ của tôi ngã xuống rồi, trong tay tôi còn bao nhiêu đấu thủ chưa xuất trận.

Chúng tôi chơi trò chọi cỏ gà không chán. Càng chơi càng hăng hái. Cho mãi đến lúc hoàng hôn phủ xuống ruộng đồng, chúng tôi mới đứng dậy, dong trâu về.

- Ngày mai chơi nữa nhé!

- Ngày mai…

Làng Trường Khê, một ngày Thu

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm