Nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định |
Ở Bình Định có rất nhiều làng chài nổi tiếng tập trung ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn. Thế nhưng hầu hết các làng chài đều làm đa ngành nghề, không như ở thôn Tân Thạnh 2, một làng chài có đến hàng trăm năm gắn bó với nghề biển ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), ngư dân cả làng chỉ làm mỗi nghề câu cá ngừ đại dương.
Thời hốt vàng
Ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi), vốn là lính Hải quân thuộc biên chế của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, từng có 28 tháng công tác tại đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), người chứng kiến cuộc “chuyển mình” của thôn Thiện Chánh 2, kể lại: “Nghề truyền thống của làng Tân Thạnh 2 là câu cá nhám. Năm 1997 cá ngừ đại dương bắt đầu được thị trường xuất khẩu ăn mạnh. Vậy là các lão ngư trong làng đánh tàu vào Phú Yên học nghề. Tuy là nghề mới nhưng về cơ bản câu cá ngừ đại dương chẳng khác mấy so với câu cá nhám nên ngư dân ở đây học rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thiện nghệ”.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý |
Theo anh Lý, nghề câu cá ngừ đại dương khi ấy chủ yếu là câu vàng, 1 năm chỉ làm có 4 chuyến biển. Qua 23 tháng 10 âm lịch hàng năm là ngư dân sửa sang ngư cụ bắt đầu vươn khơi đánh bắt, đến tháng 4 âm lịch năm sau là nghỉ.
“Đặc biệt, nghề câu vàng mùa trăng làm vẫn được, những ngày sáng trăng chỉ cần thả lưỡi câu sâu từ 50 - 70m là cá ăn tuốt, tối trời thì chỉ cần thả lưỡi câu ở độ sâu 30 - 40m. Bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi là trên biển có gió Nam, cá ngừ đại dương không ăn mồi nữa nên ngư dân dừng đi. Tuy mỗi năm làm có 4 chuyến biển nhưng nhờ khi ấy cá rất dày nên thu nhập đủ để gia đình chi tiêu cả năm”, ngư dân Lý cho hay.
Nếu nói về thời hưng thịnh nhất của nghề câu cá ngừ đại dương ở làng chài Tân Thạnh 2 có thể lấy trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Lý ra làm ví dụ. Năm 2005 anh bắt đầu chuyển từ nghề câu cá nhám sang câu cá ngừ đại dương, chỉ 1 năm sau (2006), anh Lý đã xây dựng được ngôi nhà có giá trị 350 triệu đồng. Khi làm nhà trong tay anh Lý chỉ có 80 triệu đồng, số còn lại phải mượn, nhưng chỉ sau 4 chuyến biển anh Lý đã thanh toán hết nợ nần làm nhà.
Một trong những lão ngư cao niên nhất làng chài Tân Thạnh 2 là cụ Kiệt Văn Chiến. Cụ Chiến cũng là người đầu tiên ở thôn Tân Thạnh 2 đánh tàu vào tận Phú Yên học nghề câu cá ngừ đại dương.
Lão ngư Kiệt Văn Chiến (bìa phải) và thôn trưởng thôn Tân Thạnh 2 |
Đến tận giờ, cụ Chiến vẫn chưa thể quên cái thời làm ăn hưng thịnh với cá ngừ đại dương: “Hồi đó làm ăn sướng lắm, giá nhiên liệu thì rẻ, giá cá thì ổn định, sản lượng đánh bắt luôn đạt cao. Mỗi chuyến biển chỉ kéo dài chừng 10 - 15 ngày là sau khi trừ phí tổn, tàu của tui còn lãi ròng 100 triệu đồng, tính ra vàng phải đến 20 cây”.
Làm không kịp nghỉ ngơi
Theo ngư dân làng chài Tân Thạnh 2, khi còn đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương thức câu vàng, mỗi phương tiện cần rất nhiều thuyền viên đi bạn, ít nhất 8 thuyền viên/tàu thì mới đủ nhân lực để thả giàn câu.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý kể, hàng ngày, vào khoảng 1 giờ trưa là bủa câu, tài công cứ cho tàu chạy chậm chậm để các thuyền viên vừa móc mồi vừa thả câu. Một giàn câu có khoảng 800 lưỡi, kéo dài khoảng 10 hải lý. Thả xong giàn câu, ngư dân ăn uống ngủ nghỉ đến 7 giờ tối bắt đầu kéo câu. Bình thường, đến 2 giờ sáng hôm sau là kéo xong giác câu. Đến 3 giờ sáng bắt đầu thả giác câu thứ 2 gọi là giác câu hừng đông, đến 7 giờ sáng thì kéo câu. Công việc cứ thế xoay vòng hết ngày này sang ngày khác, đến khi tàu bức đá (hết đá lạnh ướp cá) thì cho tàu quay về bờ bán sản phẩm.
“Hồi đó thuyền viên đi bạn có rất ít thời gian ngủ nghỉ, nhưng thời gian đầu làm nghề cá rất nhiều nên ai cũng ham, chuyến biển nào bét nhất cũng được 2 tấn, có nhiều tàu đạt sản lượng 4 - 5 tấn cá ngừ đại dương mỗi chuyến biển. Khi ấy giá cá rất cao, đến 120.000đ/kg, nếu tàu cập bờ đúng dịp lễ tết có thể bán được 150.000đ/kg, ngư dân có thu nhập rất cao nên làm không biết mệt”, ngư dân Nguyễn Văn Lý kể.
Nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định |
Theo những thợ câu thiện nghệ ở làng chài Tân Thạnh 2, trước đây 10 năm, cá ngừ đại dương không những còn rất dày mà cá có trọng lượng lớn cũng không hiếm, mỗi con nặng 40 - 50kg là bình thường, có nhiều con đạt trọng lượng 70 - 80kg/con. Khi ấy chỉ cần đánh bắt được 20 con là có được 1 tấn cá. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề câu cá ngừ đại dương được chuyển từ câu vàng sang câu đèn, sản lượng đánh bắt nhanh đạt hơn, nhưng cá thì càng ngày càng thưa và càng nhỏ dần.
Bởi, nghề câu vàng mỗi năm làm có 4 chuyến biển nên cá có thời gian sinh trưởng, phát triển; còn nghề câu đèn hiện nay ngư dân có thể làm quanh năm, chỉ trừ mùa trăng, vả lại đèn dẫn dụ cá dính câu tốt hơn nên cá lớn không kịp. Hiện nay, tàu nào đánh bắt được con cá ngừ đại dương “vạm vỡ” nhất cũng chỉ đạt khoảng 35kg/con. Do đó, sản lượng đánh bắt mỗi chuyến biển của những tàu câu cá ngừ đại dương ở làng chài Tân Thạnh 2 ngày càng kém dần đi.
Ngư dân Nguyễn Thành Lợi (28 tuổi), thuyền trưởng tàu cá BĐ 97378 TS (700CV), cho biết: “Những năm gần đây, trong 2 tháng đầu vụ đánh bắt chính, tàu nào tranh thủ bám biển thì sẽ đánh bắt được nhiều cá và “ăn” được giá khá cao, chứ để sang những tháng giữa vụ thì cá sẽ vắng dần, làm ăn rất thất bát”.
Theo thôn trưởng thôn Tân Thạnh 2 Nguyễn Huy Thọ, một nguyên nhân khác khiến ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở làng chài Tân Thạnh 2 lâm cảnh khó khăn như hiện nay là vì số lượng tàu hành nghề này tăng quá nhanh, nhất là từ khi nảy sinh ra nghề câu đèn.
“Ngày xưa còn làm nghề câu cá nhám, cả làng chài Tân Thạnh 2 chỉ có 35 chiếc tàu cá công suất nhỏ, đến nay đã tăng đến 182 chiếc có công suất từ 420CV đến 1.000CV. Có thời điểm ngư dân trong làng ào ạt đóng tàu đến không còn cây gỗ để đóng”, ông Thọ nhớ lại.
Anh Nguyễn Tám, phụ trách Khuyến ngư xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), đánh giá: “Nếu như ở Hoài Nhơn có xã Tam Quan Bắc là địa phương phát triển mạnh nhất nghề khai thác cá ngừ đại dương thì làng chài Thiện Chánh 2 là “cái nôi” của nghề này của xã Tam Quan Bắc. Khí thế làm ăn của làng chài Tân Thạnh 2 luôn sôi nổi, nhất là lớp ngư dân trẻ”.
“Diện mạo của làng chài Tân Thạnh 2 bây giờ trông như “thành phố biển”, nhà cao tầng mọc ken dày. Ở đây cũng nổi lên vô số tỷ phú trẻ từ nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Nếu cá ngừ đại dương xuất khẩu đi Nhật được thuận lợi, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản được phổ biến rộng khắp thì chắc chắn ngư dân của làng chài Tân Thạnh 2 sẽ nhanh chóng học hỏi làm theo, bởi trước đây chính họ là những ngư dân đầu tiên ở Hoài Nhơn tiếp cận với nghề này”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn. |