Đẹp như cổ tích
Làng cổ Lộc Yên được người dân xứ Quảng gọi là “xứ Tiên”, bởi nó hội tụ những vẻ đẹp chỉ ngỡ trong tiên cảnh!
Một điều rất dễ nhận thấy ở làng cổ này là được hình thành ở vị trí đắc địa, nhà cửa dựa vào lưng núi, phía trước hướng ra cánh đồng lúa rất thông thoáng. Cũng vì thế mà đường lên nhà có độ dốc cao. Dựa vào thế núi nên người dân Lộc Yên sắp xếp ngõ đá theo khuôn khổ. Địa hình dốc ít, đá sắp xếp thẳng tắp, nhà nào dốc cao, đá sắp xếp ngoằn ngoèo để dễ dàng đi lại.
Rêu xanh phủ kín ngõ đá ở làng cổ Lộc Yên
Ở Lộc Yên, mùa xuân về say đắm với những loài cây trái đâm chồi nẩy lộc. Hè đến, những ruộng lúa bậc thang ngả màu vàng óng giữa đồi núi bao quanh, cộng với mùa hoa sưa nở rộ, trên những con đường làng, hoa rơi xuống dát màu vàng óng. Đầu thu, tận hưởng quả ngọt của xứ Tiên là trái lòn bon nức tiếng mà chỉ vùng đất này mới có được.
Chúng tôi theo chị Phạm Xuân Hương, cán bộ xã Tiên Cảnh, tham quan làng Lộc Yên. Cuốc bộ trên con đường lát bằng đá ngăn cách ruộng đồng với làng mạc, chị Hương chia sẻ: Người dân Lộc Yên đã biết lồng ghép kiến trúc nơi mình sinh sống hòa nhập với thiên nhiên từ bao giờ không hay biết. Cách làm này được truyền từ đời nay qua đời nọ, đến đứa trẻ con cũng biết lấy đá về xếp.
Hai bên ngõ, những bức tường đá được ghép thẳng tắp, rêu bám một màu xanh ngắt. Trên đó, chè tàu trồng hai bên, người dân cắt tỉa khéo léo chẳng khác gì một bức tranh. Cụ Nguyễn Đình Liên (81 tuổi) cho biết, quá trình hình thành ngõ đá, những bàn tay người dân rất điêu luyện và có sự sắp đặt kết dính tốt. Có những bức tường cả hàng trăm tuổi nhưng chưa một lần hư hỏng. Trên những bức tường đó, hòn to, hòn nhỏ được xếp khít, mỗi lớp xong đổ đất vào.
Hàng chè tàu hai bên đường vào nhà được cắt tỉa thẳng tắp
Cụ cho biết thêm, lúc nhỏ cụ đã thấy ngõ đá được cha ông xây dựng. Ngõ đá có từ bao giờ không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, vùng đất này, nhà được xây dựng dưới chân núi nên đường vào nhà có độ dốc cao. Người dân lấy đá kết thành bậc để lên xuống, nhà nào làm ngõ đá thì mùa nắng mát, mùa đông ấm vì độ ẩm cao.
“Đây là một nghệ thuật sắp đặt, đá to, đá nhỏ xen kẽ vào nhau. Người dân không chẻ đá ra mà lấy từ tự nhiên về ghép. Ngoài các ngõ đá, nương vườn người dân Lộc Yên nằm ở gò đồi, để hạn chế đất xói lở, cuốn trôi, bà con ghép tường bằng đá hình thành những nương vườn bậc thang”, vị cao niên của làng Lộc Yên nói.
Đường lên xuống một ngôi nhà ở làng cổ Lộc Yên
Nhà cổ, bao nhiêu tiền cũng không bán
Qua từng gõ đá, bước vào những nếp nhà cổ đã trải qua thời gian cả trăm năm nhưng gia chủ vẫn còn để nguyên vẹn với kiến trúc hết sức độc đáo.
Ngõ đá dẫn vào nhà
Hiện làng Lộc Yên có 9 ngôi nhà cổ trên 100 năm tuổi, tất cả kiến trúc xưa chưa được thêm bớt. Trong đó phải kể đến nhà của ông Nguyễn Đình Hoan được xem là đẹp nhất nhì xứ Quảng. Ngoài vẻ đẹp của những nét hoa văn chạm trổ, ngôi nhà này được ông Ngô Đình Diệm 3 lần hỏi mua nhưng gia chủ không bán.
Ông Hoan cho biết, ông là đời thứ 4 thừa kế. Cha ông kể lại rằng, ngôi nhà được làm cách đây gần 200 năm, từ thời cụ cố Nguyễn Đình Hoằng, từng giữ chức Cửu phẩm bá hộ thời đó. Nhà do nhóm thợ làng mộc Vân Hà, xã Tam Thành, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Phú Ninh, Quảng Nam) xây dựng suốt 3 năm trời.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Đình Hoan, trải qua gần 200 năm vẫn được lưu giữ
Những hoa văn chạm trổ tinh xảo ở kèo, cột
Bộ ấp quả với hình ảnh quả bí ngay tại gian giữa để cầu mong đủ đầy
Gần nhà ông Hoan, chúng tôi cuốc bộ theo con đường đá uốn lượn đến ngôi nhà của cụ Đồng Viết Mão (78 tuổi) nằm dưới đồi Gò Tròn. Đầu ngõ những phiến đá được lát bằng phẳng rồi lên cao dần để vào mặt tiền của nhà chính.
Theo cụ Mão, ngày trước trong khu vườn đồi này có đủ các công trình kiến trúc gồm: Cổng ngõ, nhà chính, nhà dưới, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao cá và giếng nước nhưng trải qua nhiều biến cố nên một số không còn. Nhà chính có 3 gian 2 chái trên nền đất cũ, là ngôi nhà rường có bộ khung làm bằng gỗ mít khai thác tại vườn địa phương.
Bên trong ngôi nhà cổ của cụ Đồng Viết Mão
Những vật dụng được khảm ngọc trai trong các nhà ngôi nhà cổ
Hai ngôi nhà của cụ Mão được xây dựng cách đây hơn 150 năm. Trước đây mái lợp tranh, năm 1981 thay bằng ngói mới. Vật dụng trang trí như tủ thờ được khảm ngọc trai; đồ thờ như độc bình, lư hương, ché, hương án, bài vị … bằng gỗ và đồng, bài vị sơn son, khảm xà cừ mua từ Châu Ổ, Quảng Ngãi.
“Trước giải phóng có một số nhà trong làng được một người bán nhưng từ sau giải phóng đến nay ở Lộc Yên không có ai bán nhà. Như nhà tôi dù có trả giá tiền tỷ thì tôi cũng không bán bởi đó là báu vật của gia đình và là một di tích văn hóa”, cụ Mão bộc bạch.
Xã Tiên Cảnh hiện còn lưu giữ hơn 20 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 150 năm trở lên. Chính quyền đang xây dựng tour du lịch sinh thái, dựa vào cộng đồng khai thác tiềm năng làng cổ Lộc Yên. Trong tour này ngoài việc chiêm ngưỡng nhà cổ, vườn sinh thái, du khách sẽ còn tham quan các điểm trên địa bàn xã như: Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, mộ danh sĩ Lê Vĩnh Khanh, Chí sĩ Lê Vĩnh Huy và cảnh quan bãi đá Lò Thung trên sông Đá Giăng đẹp đến lạ thường. |