| Hotline: 0983.970.780

Làng mai Điền Hòa

Thứ Tư 05/02/2020 , 14:40 (GMT+7)

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, người trồng mai cảnh ở xã Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rất vui mừng, phấn khởi vì bán được nhiều cây mai với giá lên đến hơn 100 triệu đồng...

14-30-08_lng_mi_dien_ho_1
Nhờ trồng mai, người dân Điền Hòa có cuộc sống sung túc hơn.

Nghề trồng mai cảnh xã Điền Hòa hình thành từ khi người làng này vào làm quan trong triều đình đem giống mai vàng xứ Huế về trồng và sau này phát triển thành làng mai.

Hiện ở xã Điền Hòa có rất nhiều hộ trồng mai cảnh. Nhà ít cũng có vài cây, nhiều thì gần 200 cây. Người trồng mai lấy hạt từ những cây có hoa đẹp trong nhà để nhân giống.

Trồng mai không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người miền Trung. Mai đẹp, có giá trị cao là cây có thân uốn mềm mại, nhánh ra đầy đủ. Để có được điều này, người trồng mai phải bỏ công chăm sóc hàng chục năm.

Ông Đặng Văn Hùng (SN 1957, trú tại thôn 1, xã Điền Hòa) đã 30 năm gắn bó với nghề trồng mai cảnh. Trong vườn của ông có 180 cây mai. Trong đó, có cây đã 30 năm tuổi.

Theo ông Hùng, chăm sóc mai, ngoài bón phân, tưới nước, người trồng phải phun thuốc trừ sâu bệnh và những ký sinh trùng bám trên cây để mai phát triển tốt. Tùy theo sở thích, cảm nhận từng người mà uốn lượn thân, cành, nhánh mai theo thế mà mình ưa thích. Riêng vườn mai nhà mình đều được ông uốn theo thế long phụng.

Ông Hùng bán được 3 cây mai cảnh với giá 180 triệu đồng. Trong đó, có cây mai cảnh 15 năm tuổi, ông bán với giá 110 triệu đồng. Còn lại, cây mai đẹp, có tuổi đời 30 năm có người trả ông 400 triệu đồng, nhưng ông không bán. Bởi với ông, cây mai này đã gắn bó với mình từ khi mới vào nghề.

Không chỉ ông Hùng, nhiều hộ dân ở xã Điền Hòa cũng bán được mai với giá cao. Điển hình như: ông Đặng Bôn (thôn 2) bán cây mai trị giá 100 triệu đồng, ông Đặng Văn Trai, Phan Ngọc Bình (thôn 1) và ông Nguyễn Đăng Côi (thôn 2) bán cây mai trị giá 95 triệu đồng, ông Nguyễn Đăng Lý (thôn 1) bán cây mai trị giá 70 triệu đồng...

Theo những người trồng mai, chơi mai cần có phong cách đặc trưng riêng. Người chơi mai phải có mắt nhìn, bàn tay khéo léo để tạo ra dáng, thế một cây mai đẹp. Thế mai đẹp cần phải lộ tứ diện. Để có một chậu mai cảnh như ý, người chơi phải chăm chút từng li từng tí. Phần thân mai phải uốn cho cân xứng, chậu cũng phải hợp với cây. Mai nhỏ thì dùng chậu bình thường, những cây thuộc hàng “lão” thì phải dùng những chậu lớn mới thích hợp. Người trồng mai khi đưa cây vào chậu phải làm sao cho bộ rễ hiện lên trên đất.

Làng Điền Hòa đã được công nhận làng nghề truyền thống trồng mai cảnh, xã Điền Hòa được du khách nhiều nơi biết đến hơn với nghề trồng mai cảnh. Hiện nay, toàn xã có 300 hộ của 11 thôn trồng mai. Trong đó, mai có độ tuổi từ 15 năm trở lên có khoảng 1.500 cây. Nghề trồng mai cảnh là nét đặc trưng rất riêng ở Điền Hòa. Nhiều cây mai cảnh đã theo lái buôn, người chơi hoa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Xã Điền Hòa đã thành lập Câu lạc mai cảnh gồm 20 thành viên với mục đích trao đổi kinh nghiệm, cách chăm sóc, cách tạo dáng cho cây mai. Để giúp người dân phát triển làng nghề truyền thống mai cảnh, huyện Phong Điền đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho 15 hộ nghèo, cận nghèo xã Điền Hòa trồng mai, nhằm thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, ngoài khuyến khích người dân trồng mai, hiện xã đã trích ngân sách 200 triệu đồng trồng mới 50 cây mai trên tuyến đường liên xã với chiều dài 300m; đồng thời trồng mới 10 cây mai trước cổng làng Thế Chí Tây, tạo cảnh quan cho làng nghề truyền thống. Từ đây, mỗi khi du khách gần xa đến Điền Hòa sẽ nhận biết được ngay làng nghề truyền thống mai cảnh.

Thống kê của UBND xã Điền Hòa, trước Tết Canh Tý 2020, toàn xã đã bán được khoảng 100 cây mai cảnh với tổng giá trị thu được gần 3 tỷ đồng.

Trong đó, cây thấp nhất có giá 20 triệu đồng, cao nhất 130 triệu đồng. Với nguồn thu nhập từ cây mai, người dân xã Điền Hòa đã đón một cái tết sung túc, đầm ấm hơn.

“UBND xã đã có kế hoạch san lấp mặt bằng; đồng thời lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước và xây dựng tường rào khuôn viên cho 100 hộ dân tham gia trồng mai với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, trong đó, UBND huyện Phong Điền hỗ trợ 1 tỷ đồng, xã 1 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng để phát triển nghề trồng mai cảnh”, ông Phúc cho biết thêm.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất