| Hotline: 0983.970.780

Làng mai vàng Phước Định tất bật dịp tết đến

Thứ Tư 16/01/2019 , 06:05 (GMT+7)

Người dân làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đang tất bật chăm sóc mai vàng để bán vào dịp tết.

Đưa mai vào chậu

Vào tiết tháng chạp, tiết trời se lạnh, khô hanh là lúc thuận lợi nhất để nâng gốc cây mai, hay đưa cây vào chậu chuẩn bị bán. Theo bà con, tiết này khô cây không ra rễ non, đất cứng nên bứng cây không bị vỡ mô đất ở phần gốc nên cây không chết. Làng mai Phước Định đã được hình thành và phát triển trên 60 năm, được công nhận làng nghề năm 2009.

07-58-03_1
Lặt lá mai

Đến với Phước Định những ngày giáp tết, chúng tôi bắt gặp hai ba người đàn ông ăn mặc khá lịch sự, đi từ nhà này sang nhà khác. Khi thì họ ra vườn xem mai, khi thì uống trà với chủ nhà, bình luận về những cây mai trước sân. Họ là thương lái. Theo các chủ vườn mai, bắt đầu tháng Chạp các thương lái đến vườn tìm mai đẹp, rộ nhất là lúc lặt lá, khoảng từ 12 - 18 âm tháng Chạp. Họ sẽ xem cây nào nhiều nụ nhất để chọn mua.

Một số nhà đã bắt đầu lặt lá mai, nâng gốc cho vào chậu. Đang thuê một nhóm thợ đến nâng gốc cho cây mai cổ thụ trên 200 năm tuổi, ông Trần Văn Hòa ở ấp Phước Định 2 cho hay: “Bây giờ tiết trời thuận lợi nhất để di chuyển cây. Từ sớm mấy anh em thợ đã đến đào gốc nâng cây. Tôi dự định sẽ nâng cây mai này lên khoảng 1m so với vị trí cũ”.

07-58-03_2
Chăm sóc mai chờ bán tết

Ông Hòa còn chia sẻ, cây mai trên 200 tuổi vốn là cây mai rừng. Ông mua về chăm sóc thành kiểng đã 20 năm, khi mua giá cũng trên 60 triệu đồng, tương đương khoảng 4-5 cây vàng thời đó. Đến nay cây cao trên 3m, bề hoành (chu vi) gốc khoảng 120cm, bộ đế đẹp, được các thương lái định giá gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra vườn mai nhà ông Hòa còn trên 67 cây khác có giá rẻ nhất là vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng/cây. Nhiều nhất là cây có giá khoảng 300 triệu đồng.
 

Nếm sương chẩn bệnh

Theo bà con trồng mai, để cây cho hoa đẹp trổ bông ngày tết thì kinh nghiệm lặt lá rất quan trọng. Thông thường cây nụ nhỏ sẽ được lặt trước. Chừng 12 tháng Chạp là tiến hành lặt. Cây nụ vừa thì lặt vào hôm rằm. Cây nụ to thì lặt trễ hơn nhưng không quá 18 tháng Chạp. Năm nào thời tiết thuận lợi cây sẽ hoa thời điểm giao thừa. Nếu hoa chậm nở bà con sẽ đun nước ấm, tưới vào gốc cây thúc hoa nhanh nở.

Đối với người trồng mai, bệnh đen nụ coi như ác mộng vì hoa xấu không bán được. Khoảng 4-5 năm nay, ở Phước Định khi lặt lá mai xong, nụ lớn là bà con rất cẩn thận. Để tránh bệnh đen nụ bà con áp dụng phương pháp "nếm" sương sớm đọng trên lá non để chẩn bệnh.

07-58-03_3
Nâng gốc mai 200 tuổi

Theo ông Lê Văn Tý, nghệ nhân của làng nghề cho biết: “Bệnh đen nụ trên mai do sương muối gây ra. Cho nên sáng sớm khi trời còn mù sương chúng tôi thường ra vườn nếm những giọt sương đọng trên lá để xem có hiện tượng sương muối hay không. Nếu phát hiện có sương muối, sẽ lấy nước sạch tưới lên cây, làm rửa trôi lớp sương là được”.

Theo ông Tý, bệnh đen nụ không phải năm nào cũng xuất hiện nên ít ai để ý để có cách phòng tránh. Cách này được phát hiện và bà con chia sẻ để cùng mang lại lợi ích chung. Khi giáp tết bà con thường vệ sinh sạch sẽ trước khi cho vào chậu.

07-58-03_4
Nếm sương chẩn bệnh nụ đen

Sau tết bà con còn nhận ký gửi, chăm sóc mai cho các doanh nghiệp với chi phí ước gần 1/3 giá trị của mỗi cây. Nghệ nhân nhận chăm sóc phải đảm bảo mai khỏe mạnh và cho hoa đúng dịp tết năm sau. Nghề nhận ký gửi chăm sóc mai cũng cho thu nhập khá...

“Làng mai Phước Định có 157 thành viên tập trung chủ yếu ở ấp Phước Định 2 của xã Bình Hòa Phước. Không giống như những làng mai vàng khác, Phước Định là nổi tiếng là làng mai cổ, với những cây mai từ vài chục năm tuổi đến hàng trăm năm tuổi. Theo ước tính Phước Định còn trên 1.100 cây mai “đại cổ thụ”, 19.000 cây mai “trung” và trên 20.000 cây mai “tiểu”, nghệ nhân Lê Văn Tý cho biết.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.