| Hotline: 0983.970.780

Thoát cảnh ngập ngụa trong thuốc trừ sâu

Làng mai hết nỗi ám ảnh

Thứ Ba 28/12/2021 , 07:14 (GMT+7)

Biết nghề trồng mai đã làm 'đổi đời' cho hàng ngàn hộ dân, nhưng không cam lòng nhìn người trồng mai chết dần chết mòn vì thuốc trừ sâu, ngành chức năng đã vào cuộc…

Vào cuộc

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định, trước thực trạng người trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tràn lan, ngành chức năng tỉnh này đã có đề án về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây mai. Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trực tiếp về các làng mai mở lớp tập huấn, định hướng cho các chủ nhà vườn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Đồng thời tư vấn, khuyến cáo các chủ nhà vườn hãy nói không với các loại thuốc trừ sâu nhiều độc tố.

Tuy nhiên, không dễ làm thay đổi thói quen trong tập quán canh tác của nông dân, nhất là khi mai là loại cây trồng mẫn cảm với sâu bệnh. Tôi đã từng lang thang khắp các làng mai ở thị xã An Nhơn với câu hỏi: “Thuốc trừ sâu hóa học độc hại là vậy mà sao các anh vẫn thường xuyên sử dụng cho cây mai?”. Câu trả lời tôi nhận được từ các chủ nhà vườn trồng mai cảnh ở đây hầu như giống nhau: “Trồng mai mà không bơm thuốc trừ sâu thì đừng mong có ăn, những cây mai sẽ lụi tàn dần dần chứ chẳng phát triển nổi. Từ trước nay chúng đã quen “nặng đô” với thuốc trừ sâu hóa học, giờ chuyển sang sử dụng thuốc trừ sâu sinh học tôi sợ bơm vào lũ sâu không chết thì cầm bằng tự hất đổ nồi cơm của mình”.

Ông Nguyễn Trí Tuấn ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An là một trong những người đi tiên phong trong trồng mai sạch ở thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Trí Tuấn ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An là một trong những người đi tiên phong trong trồng mai sạch ở thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã “chữa cháy” bằng đề án chuyển toàn bộ số lượng cây mai từ trong các vườn nhà ra ruộng, điển hình tại xã Nhơn An. Cách làm này nhằm hạn chế nạn thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư trong quá trình các nhà vườn chăm sóc mai. Xã Nhơn An hưởng ứng đề án này, quy hoạch ngay 40ha ruộng đang sản xuất lúa để thực hiện việc chuyển đổi mai từ vườn nhà ra. Nếu người trồng mai có diện tích đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch, thì ruộng của mình được dùng để đặt chậu mai; những chủ nhà vườn không có đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch thì hoán đổi ruộng cho những chủ ruộng nằm trong vùng quy hoạch.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, đơn vị này thường xuyên phối hợp với ngành chức năng thị xã An Nhơn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ trồng mai. Các chủ nhà vườn trồng mai cảnh được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn cách phòng, trừ một số đối tượng sâu bệnh thường xảy ra trên cây mai; giải đáp các vấn đề còn vướng mắc và hướng dẫn cách khắc phục các hạn chế gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật liên quan đến quy trình chăm sóc cây mai.

Anh Nguyễn Minh Hậu ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã có 18 năm trồng mai nhưng từ lâu anh đã không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học vì muốn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Minh Hậu ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã có 18 năm trồng mai nhưng từ lâu anh đã không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học vì muốn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Thời gian gần đây, các loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao hầu như đã được loại khỏi danh mục. Hiện nay, hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu hành trên thị trường đều ở dạng sinh học, có thời gian cách ly ngắn, độ độc thấp. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy người trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn hiện đang sử dụng phổ biến các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học này”, ông Kiều Văn Cang cho hay.

Chủ nhà vườn đã biết sợ

Sự nhập cuộc của cơ quan chức năng đã mang lại hiệu quả. Hơn 5 năm trở lại đây, người trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn đã biết bảo vệ sức khỏe của chính mình, bảo vệ môi trường sống, hầu hết đã áp dụng quy trình trồng mai sạch thâm canh theo hướng hàng hóa. Người trồng mai đã biết “lắc đầu” với các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại, chăm sóc mai theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; thay thế các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học, hoặc hóa chất ít độc hại hơn.

Đơn cử như ông Nguyễn Trí Tuấn (61 tuổi), người đang sở hữu hơn 700 cây mai Bonsai được trồng trong nhà lưới ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An. Ông Tuấn là một trong những người đi tiên phong trong trồng mai sạch ở nơi được mệnh danh là “vựa mai cảnh lớn nhất miền Trung”. Quy trình chăm sóc mai ông Tuấn đang áp dụng rất khoa học, theo hướng an toàn sinh học.

Sở NN-PTNT Bình Định thực hiện đề án chuyển toàn bộ số lượng cây mai từ trong các vườn nhà ra ruộng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sở NN-PTNT Bình Định thực hiện đề án chuyển toàn bộ số lượng cây mai từ trong các vườn nhà ra ruộng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tôi ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa và đất để trồng, sử dụng chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh, dùng hệ thống lọc xử lý nước tưới cho cây, làm nhà lưới cho mai. Cái lợi tôi thấy trước mắt là giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, giảm việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bảo vệ được sức khỏe của chính mình. Một cái lợi lớn hơn là cách làm này đã góp phần cải thiện môi trường sống”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, mai Bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít, bón phân hữu cơ cây sẽ giúp cây phát triển khỏe và “sống thọ” hơn.

Ông Tuấn chia sẻ thêm: “Cây cũng như người, ăn uống phải điều độ, nếu ăn quá nhiều thì chết vì bội thực, ăn ít quá lại còi cọc, suy dinh dưỡng. Riêng bón phân cũng cũng như cho cây mai uống thuốc bổ; phân hóa học đưa vào thấy tác dụng ngay như thuốc Tây, nhưng mau phai và thường gây biến chứng; phân hữu cơ thì ngấm dần như thuốc Bắc mà hiệu quả rất cao và lâu dài. Thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy, dùng thuốc hóa học sâu chết nhanh, nhưng người chăm mai cũng khó lòng sống thọ vì thường xuyên tiếp xúc với độc tố; còn dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sâu cũng chết, sức khỏe của mình được bảo đảm. Làm ra nhiều tiền mà mình trở nên bệnh tật thì cũng như không”.

Anh Nguyễn Minh Hậu ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An năm nay mới 36 tuổi mà đã có 18 năm gắn bó với cây mai. Anh Hậu đang sở hữu 2.500 chậu mai từ 3 đến 5 năm tuổi để trên 3 sào ruộng và 150 cây mai đã được 10 năm tuổi để ở vườn nhà.

Cũng như bao nhiều người trồng mai khác, cứ định kỳ 7 ngày, 1 tuần là anh bơm thuốc trừ sâu cho mai 1 lần. Nói về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với người trồng mai, anh Hậu lắc lắc đầu có vẻ ngán ngẩm: “Mỗi lần bơm thuốc cho 2.500 chậu mai tôi phải mua đến 8 chai thuốc trừ sâu. 8 chai thuốc này được pha với nước thành hàng chục bình bơm, mỗi lần bơm phải mất đến 6 tiếng đồng hồ. Bơm thuốc đầu trên, khi mệt tôi phải xuống đầu dưới để tháo khẩu trang ra thở. Mệt ghê hồn!”.

Do có con nhỏ, từ rất lâu rồi anh Hậu đã “chia tay” với thuốc trừ sâu hóa học. Bởi anh vừa lo sợ cho sức khỏe của mình, vừa sợ độc tố của thuốc ảnh hưởng đến con cái. “Tôi làm thôn phó thôn Háo Đức, đầu tiên, tôi phòng trừ sâu bệnh cho cây mai bằng thuốc trừ sâu sinh học là để thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương. Nhưng sau đó tôi thấy lợi ích thiết thực cho cả bản thân, gia đình và cộng đồng. Bơm thuốc trừ sâu sinh học sâu cũng chết lật gọng chứ cần gì phải bơm thuốc hóa học”, Hậu bộc bạch.

Thực trạng do nhiễm độc tố từ thuốc trừ sâu mà nhiều chủ nhà vườn trồng mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị chết do bệnh ung thư đã cảnh báo cho người trồng mai ở  các địa phương khác. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thực trạng do nhiễm độc tố từ thuốc trừ sâu mà nhiều chủ nhà vườn trồng mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị chết do bệnh ung thư đã cảnh báo cho người trồng mai ở  các địa phương khác. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, ý thức của người trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc cây mai đã được nâng cao. Họ nhận ra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ làm ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí, ô nhiễm mạch nước ngầm, nên đã sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc mai. Họ ý thức được rằng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cây mai có thể phát triển nhanh hơn, nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, mất nhiều hơn được. Hơn nữa, thực trạng do nhiễm độc tố từ thuốc trừ sâu mà nhiều chủ nhà vườn trồng mai ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An bị chết do bệnh ung thư đã như hồi chuông cảnh báo cho người trồng mai ở các địa phương khác, nên việc trồng mai sạch, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học ngày càng nhân rộng”, ông Bùi Hữu Cư, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm