| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi làng từng ô nhiễm nhất nhì tỉnh Hưng Yên

Làng Minh Khai, nơi bình quân mỗi người có hơn… 10 tấn ni lông phế liệu

Thứ Năm 29/08/2024 , 07:00 (GMT+7)

Nắng chiếu xuống những núi ni lông phế liệu chất quanh làng phản chiếu như ánh hồ quang, còn gió thì thổi thốc mùi khét nồng cùng với bụi bay mịt mù tựa sa mạc.

Phận rác phận người

Vừa ngoài nắng bước vào bóng râm của xưởng nhà anh V ở làng Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) suýt chút nữa tôi vấp phải mấy thân người đang nằm ngả lên những đống bao tải ni lông. Những mảng sáng tối trên quần áo của họ rất dễ lẫn với những mảng màu sáng tối của đống phế liệu ni lông mới moi lên từ bãi rác, còn lấm lem bụi đất.

Bước trên đống bùng nhùng đó, tôi chật vật lách người vào. Bên trong còn mấy người cởi trần nằm sát các bao hạt nhựa mới ra lò, vẫn còn nóng ấm. Một lát sau, giờ nghỉ trưa kết thúc, tiếng máy lại ầm ào như thúc giục những con người tiếp tục lao vào đống rác để làm việc.

Hàng trăm ngàn tấn phế liệu không thể tái chế được lấp xuống các thùng vũng quanh làng Minh Khai. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Hàng trăm ngàn tấn phế liệu không thể tái chế được lấp xuống các thùng vũng quanh làng Minh Khai. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Anh V quê ở thôn Hùng Trì xã Lạc Đạo nơi đang có hơn 100 hộ làm nghề tái chế nhựa. Dân Hưng Yên có câu: “Nhất Minh Khai, nhì Hùng Trì”. Cũng theo trào lưu ấy mà anh đi chợ phế liệu nhựa từ lúc còn thanh niên, đến năm 2019 tích lũy được vốn thì mua lại căn xưởng rộng hơn 200m2 trong cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, cả tiền đất lẫn máy móc khoảng 5 tỉ đồng.

Nguồn ni lông phế liệu được nhập về từ các tỉnh, hàng trắng loại 1 giá 14.000 đồng/kg, hàng trắng loại 2 giá 12.000 đồng/kg và hàng màu 10.000 đồng/kg rồi phân loại, cho vào máy băm, chuyển sang máy đùn để làm thành hạt nhựa. Nếu lọc kỹ hao hụt chỉ 10%, lọc kém hao hụt lên tới 20%. Mỗi ca làm việc ở đây có 8 người. Những năm đầu xưởng toàn làm 2 ca/ngày nhưng giờ hàng chậm chỉ làm 1 ca, mỗi ngày cho ra 3 tấn hạt nhựa.

“Do xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến toàn cầu, lực mua ít, nhiều công ty phá sản hay thu hẹp sản xuất, nhu cầu dùng túi ni lông ít nên mức tiêu thụ hàng rất chậm. Tôi năm nay đã 52 tuổi, nếu không bám vào cái nghề này thì chẳng biết làm nghề gì cả. Con cái cũng muốn cho đi học để thoát ly nhưng nó lại không học được, giờ quay về lái xe kiêm bốc hàng cho bố”, anh tâm sự.

Cứ khoảng 1 - 2 tiếng thì cái tấm lưới chắn sạn của máy lọc lại bị đốt. Những mảnh ni lông mắc vào đó cháy tạo thành cột khói đen xì như hắc ín bốc lên trời. Có hàng trăm cột khói đen như thế ở làng Minh Khai. Nắng còn đỡ, gặp khi ẩm trời, khói không bốc lên được, bay là là quanh mái nhà, mức nghẹt thở.

Người lẫn chung với rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người lẫn chung với rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Phùng Văn Vinh, trưởng thôn Minh Khai kể đầu những năm 80 của thế kỷ trước, bà Huých, bà Năm là những người mở nghề cho làng khi quẩy gánh bi, vỏ quế đi đổi ni lông cũ. Mấy năm sau thì có thêm nhiều người làng gia nhập vào đội quân này, không chỉ đi quanh vùng mà họ còn lên tận Hà Nội, vào cả Sài Gòn. Quãng năm 2000, ông Túy là người đầu tiên mua máy tạo hạt về làng, hàng trăm hộ khác đã học theo, lập xưởng trong chính khuôn viên gia đình.

Năm 2007, cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai 1 được hình thành, tập trung được 144 hộ nhưng vẫn còn khoảng 200 hộ sản xuất trong khu dân cư. Năm 2015 cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai 2 ra đời, thu hút hơn 300 hộ trong đó có hơn 100 công ty, gồm cả những tên tuổi lớn như Tiến Đạt, Huy Hoàng, Đại Kim, Lâm Linh, Mạnh Tùng… sản xuất đủ thứ như màng co, bình, chai, lọ.

Cao điểm nhất vào những năm 2017 - 2018 khi Trung Quốc cấm nhập phế liệu khiến nguồn phế liệu của thế giới đổ dồn về Việt Nam. Minh Khai lúc đó có gần 1.000 hộ sản xuất, tái chế ni lông, tạo ra sản lượng khoảng 500.000 - 600.000 tấn hạt nhựa mỗi năm.

Cặm cụi phân loại rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cặm cụi phân loại rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lao động thiếu trầm trọng, các ông chủ phải vét trên miền núi, có lúc đến 14.000 - 15.000 người, đủ các dân tộc như Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng… Nhờ làm ăn được mà nhiều ông chủ có tiền mua được đất ở cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai 2, suất nhỏ nhất 200m2, suất to tới 1.000m2 với giá trung bình 6 - 7 triệu đồng/m2. Chuyện nhập khẩu rác ầm ĩ tới mức Bộ trưởng Bộ TN&MT đang họp Quốc hội cũng phải về làng nắm tình hình, sau đó Nhà nước ra lệnh cấm nhập.

Thành phẩm hạt nhựa sau tái chế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thành phẩm hạt nhựa sau tái chế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làng tôi chịu bẩn để các nơi khác được sạch

“Đúng ra phải tự hào là làng tôi chịu bẩn để các địa phương khác sạch mới phải”. Là người từng làm nghề tái chế nhựa rồi chuyển sang làm các sản phẩm từ hạt nhựa nguyên sinh, anh Phùng Văn Vinh, trưởng thôn Minh Khai khẳng định rằng việc tái chế nhựa của làng mình có gây ra ô nhiễm. Hiện, trong khu dân cư đang tồn đọng khoảng vài chục ngàn tấn rác thải không thể tái chế được, không biết mang đi đâu mà chỉ vùi xuống các thùng vũng. Khoảng 300 hộ làm nghề tái chế, đếm trên đầu ngón tay mới có hộ đầu tư hệ thống xử lý khói, còn lại là xả thải thẳng khói đen ra ngoài. 

“Ngạc nhiên là cứ bảo làng nghề gây ô nhiễm nhưng tỷ lệ ung thư lại không bằng các thôn khác trong thị trấn Như Quỳnh. Trung bình mỗi năm Minh Khai có 20 - 30 người chết, chỉ khoảng 3 - 4 trường hợp là ung thư. Trong làng vẫn có nhiều cụ già sống thọ, có người tới 104 tuổi”, anh Vinh nhận xét.

Những lao động ở làng Minh Khai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những lao động ở làng Minh Khai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng chị Phùng Hiền - y tế thôn thì lại cho biết thời gian gần đây làng có khá nhiều trường hợp mắc ung thư dù không biết có phải do ô nhiễm môi trường không: “Năm 2021 làng có 13 người ung thư, năm 2023 có 8 người ung thư, còn quý I/2024 có 2 người ung thư. Số lượng bệnh nhân ung thư hiện nay không thống kê chính xác được bởi nhiều người còn giấu nhưng nếu có chính sách hỗ trợ gì đó cho bệnh nhân ung thư thì chắc chắn nhiều người sẽ công khai bệnh”.

Rồi chị dẫn tôi đến nhà ông D (xin được giấu tên - PV) - một bệnh nhân ung thư với những biểu hiện điển hình là da vàng bủng, còm nhom. Trước đó, phần lớn đời ông thoát ly đi làm ở Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến lúc về nghỉ hưu năm 2012 mới cảm thấy không khí sao khó thở đến thế vì không chỉ nhiều nhà trong làng làm tái chế mà trong khuôn viên hơn 200m2 của gia đình, vợ con ông cũng tham gia.

Ống khói xả đen xì và rác chất khắp làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ống khói xả đen xì và rác chất khắp làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau một thời gian quen dần với bầu không khí ô nhiễm, không còn thấy khó thở nữa thì đầu năm nay ông bị đau râm ran ở ức, đi khám thì phát hiện ra bị ung thư gan: “Tôi nghi có nhiều nguyên nhân như rượu bia, như viêm gan B và cũng có thể do môi trường ô nhiễm. Lắm trường hợp trẻ mới ngoài 30, 40 tuổi đã mắc ung thư gan, phổi, dạ dày rồi”.

Lương hưu của ông hiện được 5,2 triệu đồng trong khi tiền chữa trị mất mỗi tháng hơn 30 triệu đồng nên đành nhờ 3 đứa con lo. Bao giờ chúng không lo được nữa thì đành chấp nhận số phận. Trong khi đó, xưởng của người con trai do hàng ế, giờ chỉ làm mỗi tháng có vài ba buổi.   

Minh Khai có dân số khoảng 5.000 người thì cũng có khoảng 5.000 lao động thời vụ, hầu hết là ở các tỉnh miền núi. Ngày ngày có việc gì cần thì dân làng lại ra chợ đón công, tìm người về làm. Đi kèm sự tiện lợi ấy là không ít tệ nạn xã hội. Năm nay 1 trường hợp vừa xuống núi hôm trước, hôm sau sốc thuốc chết, xi lanh còn cắm vào người, thôn phải hỗ trợ quan tài và xe chở về bởi gia đình họ nghèo quá. Mấy năm trước dân làng phát hiện trong bụi cây có 1 người chết đã bốc mùi, không biết do cảm hay sốc thuốc. Gọi cho người nhà trên núi, họ bảo không có tiền làm đám ma, thôn phải hỗ trợ quan tài rồi chôn ngay trong nghĩa trang Minh Khai... (Hết)

Chỉ còn nguồn phế liệu trong nước, cộng thêm sức tiêu thụ kém khiến cho nhiều nhà phải giải nghệ. Hiện làng còn khoảng 500 hộ còn theo nghề trong đó riêng tái chế có khoảng 300 hộ. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.