Từ nghề này, nhiều hộ gia đình trong xã đã vươn lên làm giàu, một trong số đó có ông Trương Hữu Trí, Trưởng làng nghề sản xuất trứng tằm lá sắn Thống Nhất.
Việc phát triển nghề sản xuất trứng tằm ở Đồng Lương đã và đang giúp 26 hộ trong làng nghề, trong đó có gia đình ông Trí vươn lên làm giàu. |
Vốn là người gắn bó với nghề tằm trứng từ lâu, nhận thấy địa phương thích hợp với nghề này ông đã học kỹ thuật nuôi tằm trứng từ các nơi mang về quê quyết tâm gắn bó với nghề. Để có được những con giống tốt đáp ứng được yêu cầu, ông thường lăn lộn nhiều nơi như Sơn La, Yên Bái, Điện Biên để tìm được nguồn giống đảm bảo yêu cầu.
Bên cạnh đó, muốn cho trứng tằm có tỷ lệ nở cao và đồng đều, việc ấp trứng tằm trước khi nở cần thực hiện đúng kỹ thuật, trong đó nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng khi ấp trứng đóng vai trò quyết định nhất đến tỷ lệ trứng tằm nở cao và nở tập trung nên ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điều hòa nhiệt độ và phun sương tạo độ ẩm cho con giống phát triển tốt.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nên việc nuôi tằm trứng của gia đình ông diễn ra gần như quanh năm từ tháng 3 đến khoảng tháng 11 âm lịch. Trung bình mỗi năm gia đình ông nuôi khoảng trên 120 tấn kén tằm.
Với mức giá trung bình 120 triệu/1tạ trứng tằm và 80 triệu/1 tấn vỏ kén, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu được khoảng 700 triệu/năm từ tiền bán trứng tằm và kén tằm. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho từ 5 đến 10 lao động địa phương với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, kể từ khi được tỉnh công nhận làng nghề năm 2018, gia đình ông đang tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng diện tích nuôi tằm trứng, đồng thời hướng dẫn và giúp đỡ bà con trong xã cùng phát triển làm giàu trên chính quê hương mình.
Có thể nói, việc phát triển nghề sản xuất trứng tằm ở Đồng Lương đã và đang giúp 26 hộ trong làng nghề, trong đó có gia đình ông Trí vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.