| Hotline: 0983.970.780

Nghề trồng dâu nuôi tằm hồi phục

Thứ Năm 12/04/2018 , 10:05 (GMT+7)

Sau thời gian dài “chìm nghỉm”, nay giá kén tăng đến 220 ngàn đồng/kg mang lại cho người trồng dâu nuôi tằm khoản thu nhập gấp 4 lần cây lúa. Những diện tích bãi bồi ven sông ở Bình Định lại xanh mướt nương dâu...

14-01-06_img-3991
Nông dân An Lão thu hoạch lứa dâu đầu vụ ĐX 2017 - 2018

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cây dâu không phải là loại cây trồng mới nhưng do một thời gian dài đầu ra của kén bị “tắt”, giá bán rẻ bèo, nên nông dân “quay lưng”. Nay kén lại có giá, mang lại cho bà con khoản lợi nhuận cao, nên cây dâu được phục hồi mạnh mẽ.

“Hiện 1ha dâu mỗi năm có thể thu nhập được 200 triệu đồng, nên nông dân đang hồ hởi quay lại với nghề. Theo đó, UBND huyện tập trung phục hồi cây dâu trên địa bàn với diện tích khoảng hơn 30ha. Để ổn định đầu ra, huyện đã kêu gọi được nhiều đơn vị thu mua kén, không phải như trước đây trên địa bàn chỉ có 1 cơ sở thu mua nên nông dân bị ép giá”, ông Lâm cho biết.

Địa phương phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm mạnh mẽ nhất An Lão là xã An Hòa, nơi có nhiều diện tích đất màu nằm ven hai bờ sông An Lão chảy qua địa bàn hai thôn Trà Cong và Vạn Khánh.

Theo ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa, địa phương này đang dồn nỗ lực khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, trong đó đầu tư tập trung vùng dâu trọng điểm với 20ha và 10ha khác ở vùng vệ tinh.

Vụ ĐX 2017 – 2018, 55 hộ dân ở xã Nhơn Hòa đã SX tập trung 20ha dâu tại Soi Bồi (thôn Trà Cong) và Soi Lớn, Soi Cát, Soi Lò (thôn Vạn Khánh), đồng thời trồng phân tán khoảng hơn 10ha tại vùng đất màu thuộc các thôn Vạn Xuân, Vạn Long, Xuân Phong Nam. Toàn bộ diện tích dâu nói trên được trồng các giống dâu cho lá có năng suất, chất lượng cao như KI 12, Quế Ưu…, hiện đã cho thu hoạch lứa lá đầu.

Theo tính toán, bình quân 1 sào dâu mỗi năm nuôi được 6 vòng tằm, mỗi vòng thu khoảng 18 - 20kg kén, tổng số kén nuôi 6 vòng thu khoảng 110 - 120kg. Với giá kén hiện nay là 220 đồng/kg thì nông dân có lãi to.

“Một số người dân ở thôn Vạn Khánh có diện tích dâu lớn, trồng khoảng 1,5 ha/hộ, từ nay sẽ bám trụ với nghề chứ không chuyển sang cây trồng khác. Vì trên thực tế, nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; so với cây mì (sắn), bắp, đậu phụng… thì thu nhập từ cây dâu con tằm cao hơn từ 30 - 50%, so với cây lúa thì lãi gấp 4 lần”, ông Văn Phụng Anh cho biết.

Để khuyến khích người dân trên địa bàn phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, UBND xã An Hòa đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Ví như đối với đất thuộc UBND xã quản lý và giao thầu, khi hết hạn nhận thầu (5 năm), nếu người nhận trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt thì được gia hạn nhận thầu chu kỳ cho 5 năm tiếp theo.

Đối với những hộ mới bước vào nghề, sẽ được địa phương tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật để chăn nuôi đạt hiệu quả. Đồng thời, UBND xã còn thống nhất thành lập tổ, hội hoặc câu lạc bộ những người trồng dâu nuôi tằm; hàng quý, năm tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm.

“Qua theo dõi thị trường chúng tôi nhận thấy đầu ra của kén tằm đang rất ổn định. Đặc biệt, những cơ sở may mặc phục vụ khách du lịch tại Hội An (Quảng Nam) đang tiêu thụ mạnh lụa tơ tằm. Hy vọng sắp tới giá kén sẽ còn được đẩy lên cao”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão.

 

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.