| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn: Cây na núi đá làm đổi đời người dân Chi Lăng

Thứ Tư 25/08/2010 , 15:01 (GMT+7)

Sự tồn tại và phát triển của cây na trên vùng đất ải Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã và đang giúp cuộc sống người nông dân nơi đây khấm khá, thay da đổi thịt...

Sự tồn tại và phát triển của cây na trên vùng đất ải Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) với những sáng tạo bất ngờ, độc đáo và hấp dẫn của người nông dân làm cho nhiều người phải thay đổi quan niệm về một vùng đất hiểm yếu này...

Na “leo” lên núi

Dãy núi đá Cai Kinh lởm chởm, dựng đứng tạo nên địa thế hiểm trở của cửa ải Chi Lăng huyền thoại. Nơi đây vốn được coi là “ải hiểm tựa lên trời” với danh truyền “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (10 người đến, chỉ có một người quay trở về). Anh Lương Thành Trung (Cán bộ phòng NN & PTNT huyện Chi Lăng) nói vui, cây na “trèo” lên núi, ngự trị vùng núi đá và trở thành cây hàng hoá mũi nhọn của Chi Lăng. Na xuất hiện ở Chi Lăng khoảng 20 năm trước. Vì thiếu đất canh tác, một số hộ dân đã thử đưa cây na lên trồng trên núi đá. Thử nghiệm đó đã trở thành một phát minh của người nông dân. Na tỏ ra đặc biệt thích ứng với vùng núi đá ở đây và nhanh chóng trở thành vùng chuyên canh. Huyện Chi Lăng hiện có gần 1200 ha na với sản lượng trên 6300 tấn, trở thành vựa na lớn nhất của cả nước.

Cây na phân bố chủ yếu tại 5 địa phương lòng máng sông Thương, gồm : Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao. Dù mới ra đời nhưng chất lượng quả của na Chi Lăng đã được người dân khắp nơi ca tụng. Na mắt giấy : Vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Na mắt gỗ : Vỏ dày nhưng trọng lượng quả lớn, có quả nặng tới trên 1 kg, ăn rất ngon và mát.

Cảnh nhộn nhịp mua, bán na ở Chi Lăng năm nay diễn ra từ đầu tháng Tám. Giá na cao và ổn định, na to có giá 30 - 40 ngàn đồng/kg, na nhỡ 20 ngàn đồng, na bi 15 ngàn đồng /kg. Mỗi ngày, có tới hàng trăm xe ô tô từ Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Nguyên... đến ăn na tại vườn ở Chi Lăng. Xã Chi Lăng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển cây na. Xã có gần 400 ha na với sản lượng gần 1500 tấn/năm. Với trên 1000 gốc na, từ đầu vụ đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Mão (xóm Minh Khai, xã Chi Lăng) ngày nào cũng thu được trên dưới chục triệu đồng. Thôn Minh Khai, từ nghèo khó, nay có tới 60 - 70 % hộ giàu có. Điều đáng mừng là nhiều thương nhân có mối làm ăn với các đối tác người Trung Quốc nên vận chuyển na lên biên giới để xuất ngoại.

Theo tính toán của phòng NN & PTNT huyện Chi Lăng, mỗi ha na cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô. Mặc dù vậy, việc phát triển cây na ở Chi Lăng vẫn còn mang tính tự nhiên. Tính kế hoạch, quy hoạch cũng như việc xây dựng thương hiệu vẫn chưa được đề cập đến nhiều.

Lên núi hái na, chuyển na xuống núi

Phương pháp chăm sóc, thu hoạch na ở Chi Lăng đã khẳng định sự sáng tạo đặc biệt của người nông dân. Khi những vườn na già cỗi, cho năng suất thấp, một nông dân ở xã Chi Lăng đã mạnh dạn sang tận Quảng Ninh để mua bản quyền phương pháp tạo tán, đốn ngọn, tỉa cành và thụ phấn bằng tay với giá 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Sự (Hội nông dân xã Quang Lang) đã tiếp cận với kỹ thuật trên và biên tập thành sách để tập huấn cho bà con. Ban đầu, mọi người ngạc nhiên vì việc cắt cụt ngọn cho cây na thấp ngang đầu người. Tiếp đó là cầm xi lanh đến từng nhụy hoa, lấy phấn từ những nhụy hoa to, tỷ mẩn đến từng nhụy hoa khác để thụ phấn. Kết quả, phương pháp đốn ngọn tỉa cành và thụ phấn nhân tạo khiến tỷ lệ đậu quả đạt trên 98 % và có những ưu việt rõ rệt: năng suất cao, quả chín sớm, dễ bán; cây thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái quả nhanh. 

Khi lên núi hái na, người dân phải trèo lân thân những cây na cắm vào vách núi lởm chởm dựng ngược. Trăn trở vì tính rủi ro cao của người nông dân, Ông Nguyễn Đức Sự đã chế tạo thành công dụng cụ tay hái quả đa năng. Sáng kiến của ông Sự đã giành được danh hiệu cúp vàng nông nghiệp tại hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp Việt Nam năm 2009, được bộ trưởng Cao Đức Phát tặng Bằng Khen. Với dụng cụ tay hái quả đa năng của ông Sự, người trồng na có thể rễ ràng đứng dưới gốc cây để thu hoạch na mà không phải leo trèo hoặc dùng thang, dùng ghế...Tay hái quả có thể điều khiển được khẩu độ dài, ngắn và áp dụng trong cả việc tỉa cành, bấm ngọn... Ông Sự cho biết, ông đã bán được gần 500 bộ tay hái quả đa năng với giá chỉ có 350 ngàn đồng.

Hái quả xong rồi, việc chuyển na xuống núi cũng gặp rất nhiều nguy hiểm. Trước đây, người dân phải gánh từng gánh na nặng chừng 40kg xuống hàng cây số đường núi lởm chởm, vô cùng vất vả. Người dân ở xã Chi Lăng đã sáng chế ra một loại ròng rọc để tải na từ trên núi xuống. Trung bình chỉ mất từ 1 đến 2 phút là cả giỏ na nặng 20 đến 30 kg được đưa xuống. Anh Linh Văn Chít (xã Chi Lăng) cho biết, trước đây, đi rừng gặp lâm tặc vận chuyển gỗ từ trên núi xuống thế là mọi người nảy ra sáng kiến dùng nó để vận chuyển na vào mỗi vụ thu hoạch. Từ khi dùng ròng rọc đỡ vất vả nhiều. Một bộ ròng rọc chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng có thể dùng trong nhiều năm. Một công đôi việc, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tời phân bón lên trên núi.

Bây giờ đang là thời điểm thu hoạch rộ na ở Chi Lăng. Dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn qua các xã trồng na ở đây, chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh những giỏ na “bay” từ trên núi xuống. Cây na trên chốn biên ải hiểm yếu này làm chúng tôi liên tưởng đến cây ngô trên miền cao nguyên đá hay cây xương rồng trên cồn cát trắng. Những sáng kiến độc đáo của người dân nơi này khẳng định sự sáng tạo, sức sống mạnh mẽ của người nông dân trong những điều kiện khó khăn, tưởng chừng không thể tồn tại

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.