| Hotline: 0983.970.780

Lãng tử đất Cảng lang thang theo lời của gió

Thứ Bảy 17/09/2016 , 07:15 (GMT+7)

Người ta nói nhạc sĩ Duy Thái là một “đặc sản” của đất biển Hải Phòng có lẽ đúng.  Một “đặc sản”, thông qua hàng trăm bản tình ca mà anh đã viết đều có bóng dáng mặn mòi của biển...

08-33-57_trng-6
Nhạc sĩ Duy Thái
 

Một “đặc sản”, thông qua hàng trăm bản tình ca mà anh đã viết đều có bóng dáng mặn mòi của biển, với sóng, gió, nắng, mưa và chan chứa nỗi niềm xao xác trong tâm hồn. Một “đặc sản”, với dáng vóc phong trần, lãng tử trong cách sống đậm chất Hải Phòng, sần sùi lầm lũi nhưng lai láng tình đời...

Mới đây tôi có dịp gặp lại nhạc sĩ Duy Thái khi hay tin anh đang chuẩn bị một chương trình ca nhạc cho một người bạn nhạc sĩ vào cuối năm năm 2016. Đây là sáng kiến của anh, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng, mỗi quý làm một chương trình cho tác giả, nhạc sĩ hội viên. Anh làm công việc này đã mấy năm nay, với tâm thế chia sẻ những sáng tạo nghệ thuật mới, qua những giai điệu quê hương đất biển đến với cộng đồng.

Trước hết là âm nhạc của người Hải Phòng hát lên cho người Hải Phòng nghe. Từ đó, những giai điệu biển thao thiết ngày đêm, vang vọng muôn nơi, những tâm sự gửi trao. Đó là một sân chơi âm nhạc độc đáo của người Hải Phòng mà chưa nơi nào có được.

Và, tôi nghĩ bóng dáng của Duy Thái là vậy, trọng nghĩa trọng tình. Nặng lòng với đời, trước hết là với những đồng nghiệp, nhạc sĩ đất cảng. Chả thế một nhạc sĩ đã ghé tai tôi trong bàn trà rằng, không có Duy Thái mất vui.

Tôi cũng nghĩ thế. Bởi chợt nhớ, hồi nảo hồi nào tôi đã gặp anh, trên sân khấu của đoàn kịch Hải Phòng, khi diễn vai Thị vệ Káp trong vở “Âm mưu và tình yêu”. Hình như đó là vai anh hóa thân đặc sắc nhất, khi còn là diễn viên của sàn diễn kịch chuyên nghiệp Hải Phòng.

Nhưng mươi năm sau đó, anh đi tìm cuộc chơi mới, sắm vai mới cho sự nghiệp nghệ thuật của mình đó là âm nhạc. Thật ra đó là một quyết định đầy bản lĩnh, cho dù khi đó Duy Thái đã nổi tiếng như cồn qua ca khúc “Lời của gió”, năm 1987, do Hồng Nhung và Quang Vinh song ca. Nhất là khi Hồng Nhung đoạt giải Nhất cuộc thi ca nhạc nhẹ lần thứ hai qua bài “Lời của gió”, năm 1991, thì Duy Thái rời bỏ hẳn sân khấu.

Đúng là Hồng Nhung xứng danh là lập nghiệp từ “Lời của gió”, thì Duy Thái cũng vậy, anh là cha đẻ của tác phẩm và cũng khởi nghiệp từ đây.

Quả nhiên sau đó, nhạc sĩ Duy Thái còn có những tình khúc mới hay hơn, chuyên nghiệp hơn như “Tìm tên anh trên bờ cát”, “Hãy đến với em”, “Phố vắng”, “Giọt nắng mùa thu”, “Em về Paris”, “Trăng vào phố thị”... Và, anh đã trở thành hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam, năm 1993.

Mỗi ca khúc đều là nỗi niềm trăn trở mà nhạc sĩ đã gửi trao cho những kỷ niệm khó quên. Anh tâm sự, ngọn nguồn ca khúc “Lời của gió” (1985) viết tặng riêng cho cô giáo Việt Phương, giảng viên trường Đại học Y Hải Phòng, như một món quà của biển vậy. Trong veo, tha thiết và chân thành, tựa như một cánh diều tình yêu bay bổng, lãng mạn.

Sáng tác xong tặng người đẹp rồi chỉ cất ngăn kéo để đó với những cảm xúc bâng khuâng hồn nhiên vậy thôi. Mãi tới hai năm sau, “Lời của gió” bất ngờ tung bay qua giọng hát Hồng Nhung và Quang Vinh. Và, nhạc sĩ Duy Thái cũng nổi tiếng từ đó, khởi đầu cho một nhạc sĩ của tình yêu. Nhưng sau đó ca khúc “Hãy đến với em”, viết năm 1986, lại có nỗi niềm thầm kín lạ kỳ, trong trái tim người nhạc sĩ.

Đó chính là câu chuyện ngỡ như tình cờ khi Duy Thái gặp ca sĩ Ái Vân tại Hải Phòng trong một buổi biểu diễn. Theo lời hẹn anh lên thăm ca sĩ Ái Vân ở số nhà 38 phố Huế, Hà Nội. Một lời đề nghị chân tình từ người ca sĩ nổi tiếng và xinh đẹp này, khi cô nói Duy Thái viết cho mình một bài hát.

Không ngờ yêu cầu ấy đã làm Duy Thái suy nghĩ và trăn trở, viết thế nào đây cho xứng với giọng hát vàng này. Bởi khi ấy ca sĩ Ái Vân đã được giải thưởng quốc tế và nức tiếng với bộ phim “Cô Nhung” xinh đẹp. Đó như một món nợ không dễ trả. Nhưng rồi cảm xúc đã bừng dậy trong cơn sóng biển cuộn trào. Trái tim người nhạc sĩ trẻ ở tuổi 30 ngày đó đã rung động, như một sự chia sẻ với cõi lòng khắc khoải của một nhan sắc, đến với tình yêu. Nỗi khao khát bật lên từ sự tuyệt vọng.

Điệp khúc da diết, cháy bỏng: “Hãy đến với em, dù chỉ một lần nữa thôi. Hãy đến với em trong nỗi cô đơn. Trên con đường về lạnh lẽo đầy sương. Trong trái tim em, tình yêu vẫn cháy. Hãy đến với em bằng lời ca anh hát. Bằng lời ca anh hát... yêu em...”. Sau này chính Ái Vân cũng tâm sự rằng, khi hát ca khúc này đã thấy hình bóng mình trong đó, nên cảm xúc thực sự huyền diệu.

Còn nữa, không ít bài hát anh viết tặng riêng cho những người đẹp, với nghĩa bạn bè tâm giao, nhưng đều là sự đồng cảm về số phận, hay sẻ chia với những cảm xúc thầm kín. Có thể kể ra những ca khúc đó như “Em về Paris”, “Tương tư”, “Người đi có nhớ”, “Bến quê”...

Nhưng thật bất ngờ khi nhắc đến bài “Phố vắng”, qua giọng hát Ngọc Tân ngày nào, anh tâm sự đó chính là bài hát anh tặng vợ, một mối tình sâu nặng đã gắn bó suốt đời sau này. Mỗi lúc đi xa, nỗi nhớ lại cồn cào và niềm hy vọng về tình yêu, càng nồng nàn say đắm. Bài hát ra đời trong một đêm lang thang ở phố Lê Thánh Tông, trên Hà Nội, sau đêm biểu diễn.

Chàng lãng tử đất biển nện gót giày trên đường phố Hà Nội, với những cánh sao lạnh lẽo trên bầu trời và lòng nhớ về người con gái mình yêu thương. Những câu hỏi làm day dứt cõi lòng và giai điệu nhớ, giai điệu thương như một sợi dây vô hình chắp nối giữa hai con tim.

Nhịp đập đầu tiên là tiếng gọi: “Tình yêu ơi, từ nơi em bỗng nói”. Lời ca của những bước phong trần hoang hoải: “Anh lang thang một mình trên phố vắng. Nghe trong đêm đường lạnh lẽ mưa rơi. Nơi đôi chân cùng với bao tháng ngày. Trong đêm nay anh quên lạnh vì ai?...”. Giờ mà nghe lại Ngọc Tân hát lại, với sự lai láng cảm xúc ngày đó, quả là lạnh đến buốt giá con tim.

Tôi thật bất ngờ khi nghe Duy Thái hát bài “Hải Phòng giữa trái tim tôi”, trong một sự hứng khởi khi nói về thành phố, nơi mình sinh ra. Giọng anh lúc trầm lắng, lúc hào sảng, lúc lại rộn rã dâng trào. Quả là một tráng ca về một thành phố biển anh hùng.

Giai điệu khỏe mạnh và cuồn cuộn cảm xúc với những lời ca thấm đẫm tình yêu quê hương: “Những dòng sông giữa trái tim tôi. Những dải lụa quanh thành phố. Năm dòng sông lộng gió biển khơi... Ta yêu những con người đất cảng. Những con người từ biển đi lên...”. Sau một hồi thăng hoa cảm xúc, anh tâm sự một cách chân tình rằng, trước đây có không ít người viết ca khúc về Hải Phòng, chỉ cần viết khác đi cũng đã khó. Đáng chú ý, ấn tượng bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” của Lương Vĩnh, thơ Hải Như được coi như là một thương hiệu và giai điệu của Hải Phòng hàng chục năm nay.

Là một người con của thành phố và một nhạc sĩ hoạt động rất nhiều cho phong trào âm nhạc của địa phương, trong tâm trí của anh luôn luôn ám ảnh việc cần phải sáng tác những ca khúc về Hải Phòng. Viết thế nào đây và viết sao cho xứng với tầm vóc của một thành phố anh hùng và là một thành phố biển có vị trí quan trọng của nền kinh tế và văn hóa miền Bắc. Tất cả như một dấu hỏi trĩu nặng trong lòng bao năm qua.

Ấp ủ và khát khao. Duy Thái bắt đầu bằng những bài hát truyền thống cho các đơn vị và các ngành hoạt động xã hội và kinh tế trong thành phố. Phải nói nhạc sĩ Duy Thái là một trong những nhạc sĩ sáng tác khá nhiều ca khúc theo đơn đặt hàng. Nào là kỷ niệm 70 năm Cảnh sát hình sự Hải Phòng; bài hát nhân dịp 95 trường Ngô Quyền...

Những tích lũy đó như là một quá trình trải nghiệm và càng thôi thúc Duy Thái nung nấu khám phá về chân dung Hải Phòng đổi mới, mang hơi thở hiện đại trên nền tảng của một quá khứ hào hùng. Rồi một ngày những cảm xúc cùng với những hình ảnh lung linh về thành phố đã bừng lên những giai điệu đầu tiên trong anh.

Cứ thế anh đi dọc biển mà hát những lời ca rạo rực về quê hương thân yêu. Và, đúng với tình yêu “Hải Phòng giữa trái tim tôi”, khi NSND Quang Thọ cất tiếng hát giữa thành phố lộng gió, người Hải Phòng nghe và hát theo như con tim mách bảo. Vì đúng họ là những người cần lao đi lên từ biển và những con tàu băng băng lướt sóng khơi xa...

Tính đến nay nhạc sĩ Duy Thái đã làm hơn mười đêm nhạc riêng của anh, ở những trung tâm ca nhạc lớn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu, Đà Nẵng... Chúng đánh dấu một chặng đường tình ca đầy lãng mạn của anh trong suốt ba mươi năm qua, tính từ ca khúc “Lời của gió”.

Anh cũng đã xuất bản Tuyển tập ca khúc Duy Thái và ra những album tình khúc. Hàng chục ca sĩ nổi tiếng đã chọn bài hát của anh biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Và cũng không ít lời chào mời đi đến những phương trời mới, nhưng anh vẫn luôn luôn hướng về Hải Phòng, nơi đã nuôi dưỡng cảm xúc và tình yêu âm nhạc của mình.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm